Phiên giao dịch ngày thứ Ba (29/8), chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 0,85% lên 34.852,67 điểm, S&P 500 tăng 1,45%, kết thúc phiên ở mức 4.497,63 điểm và chỉ số Nasdaq thêm 1,74% thành 13.943,76 điểm.
Tất cả 11 chỉ số ngành của S&P 500 đều đi lên, dẫn đầu là dịch vụ truyền thông, tăng 2,46% và tiếp theo là mức tăng 2,35% của hàng tiêu dùng không thiết yếu.
S&P 500 cũng ghi nhận mức tăng trong ngày mạnh nhất kể từ ngày 2/6, trong khi Nasdaq chứng kiến phiên giao dịch mạnh nhất kể từ ngày 28/7 và cả hai chỉ số đều đóng cửa ở mức cao nhất trong hơn hai tuần.
Mức tăng mạnh này được đưa ra sau khi Khảo sát về cơ hội việc làm và tỷ lệ luân chuyển lao động (JOLTS) của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số lượng cơ hội việc làm đứng ở mức 8,827 triệu trong tháng 7. Đây là mức giảm ở tháng thứ ba liên tiếp, báo hiệu một thị trường lao động đang hạ nhiệt.
Các nhà đầu tư cũng phân tích một báo cáo từ Conference Board, chỉ ra rằng niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ đã giảm xuống 106,1 điểm trong tháng 8, thấp hơn hẳn so với kỳ vọng là 116.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 4,11%, lãi suất trái phiếu kho bạc 2 năm giảm xuống dưới 5% sau khi dao động quanh mức đó trong vài phiên qua. Lợi suất giảm đã hỗ trợ cổ phiếu tăng trưởng, trong đó Nvidia tăng 4,2%, đóng cửa ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Tesla vọt 7,7%, ngay cả sau khi có tài liệu cho thấy cơ quan quản lý Mỹ đã gửi yêu cầu đặc biệt tới nhà sản xuất xe điện để đặt câu hỏi về những thay đổi đối với hệ thống giám sát người lái cho phần mềm Autopilot.
Cổ phiếu Nvidia và Tesla dẫn đầu ở Phố Wall, với hơn 33 tỷ USD cổ phiếu được giao dịch.
Alphabet cũng nhận nhận được mức tăng 2,7% nhờ một loạt công nghệ trí tuệ nhân tạo mới và các mối quan hệ hợp tác vừa được công bố.
Hai nhà mạng Verizon và AT&T đều lên hơn 3% khi CitiGroup nâng hạng các công ty viễn thông từ “trung lập” lên mức “mua”.
Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của PDD Holdings đã tăng vọt hơn 15% sau khi công ty thương mại điện tử Trung Quốc vượt qua ước tính doanh thu quý hai.
Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ là 10 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,7 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 sẽ giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về thực trạng của thị trường lao động Mỹ. Trọng tâm chú ý cũng bao gồm chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Việc thiếu đi những bất ngờ trong bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào tuần trước đã khiến chứng khoán phấn chấn hơn vào hai ngày đầu tuần, với trọng tâm hiện tại là dữ liệu kinh tế để đánh giá xem ngân hàng trung ương có thể giữ lãi suất ở mức cao trong bao lâu.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư hiện đặt cược 87% khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp tháng 9 và 54% khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến tháng 11.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng vào thứ Ba khi đồng bạc xanh trượt giá, trong khi các chuyên gia đang tranh luận về tác động tiềm tàng đối với cung và cầu năng lượng từ cơn bão Idalia sẽ đổ bộ vào Florida trong tuần này.
Dầu thô Brent tăng 1,07 USD, tương đương 1,3%, đạt 85,49 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI ổn định ở mức 81,86 USD/thùng, tăng 1,06 USD, tương đương 1,3%.
Chỉ số US Dollar Index đã giảm vào 29/8 sau khi dữ liệu cho thấy cơ hội việc làm ở Mỹ, thước đo nhu cầu lao động, đã giảm trong tháng Bảy. Các chuyên gia cho biết sự yếu kém trên thị trường lao động có thể khuyến khích Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Đồng bạc xanh mềm hơn khiến dầu được định giá bằng đồng USD trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó thúc đẩy hơn nữa nhu cầu nhiên liệu.