Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – mã chứng khoán: VDS) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý 4/2024. Doanh nghiệp chứng khoán này cho biết thanh khoản bình quân phiên trong quý cuối năm chỉ đạt 16.742 tỷ đồng, thấp nhất trong 4 quý và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Những biến động bất lợi của thị trường đã tác động đến doanh thu ở hầu hết các mảng kinh doanh của VDSC, nhất là ở tự doanh và môi giới. Việc thực hiện đánh giá lại lại các khoản đầu tư cuối kỳ đã làm giảm doanh thu và tăng chi phí dự phòng. Đây là nguyên nhân chính khiến công ty báo lỗ quý cuối năm.
Cụ thể, doanh thu hoạt động trong kỳ giảm 17% về 150 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ chưa đến 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 29 tỷ đồng. Doanh thu môi giới cũng giảm 30%. Ngược lại, lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 103 tỷ đồng, tăng 16%.
Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng mạnh 82% so với cùng kỳ lên 143 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tăng lỗ các tài sản FVTPL. Cùng với việc, chi phí tự doanh quý 4/2023 được hoàn nhập 15 tỷ đồng.
Kết quả là VDSC báo lỗ trước thuế 25 tỷ đồng. Lợi nhuận đã thực hiện là 51,4 tỷ đồng và lỗ chưa thực hiện 77 tỷ đồng. Lỗ sau thuế quý 4/2024 là 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 74 tỷ đồng. Đây là quý lỗ đầu tiên kể từ quý 2/2022.
Cả năm 2024, VDSC báo lãi trước thuế và sau thuế lần lượt 350 tỷ đồng 286 tỷ đồng, giảm 13 - 14% so với thực hiện 2023. So với kế hoạch cho công ty mẹ, đơn vị đã thực hiện 98% về lãi trước thuế và hoàn thành chỉ tiêu lãi sau thuế. Quy mô tài sản tại cuối năm đạt 6.361 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối quý 3/2024.
Ở mảng tự doanh, giá trị FVTPL đang đạt 1.028 tỷ đồng, cao hơn 8% so với giá gốc và không quá thay đổi so với cuối quý 3/2024. Danh mục đang ước lãi tại hai cổ phiếu ngành ngân hàng gồm CTG, ACB hay MWG, QNS... Ngược lại, FVTPL đang tạm lỗ đối với VNM hay HSG.
Danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) cuối năm trị giá 530 tỷ đồng, tăng 8% so với giá gốc và cao hơn 21% so với cuối quý 3/2024. AFS chủ yếu nắm các mã KBC, KDH, QNS. Ở hoạt động cho vay ký quỹ (margin), dư nợ tại 31/12/2024 là 2.526 tỷ đồng, giảm 17% sau một quý.
Trước đó, Chứng khoán CVS cũng báo lỗ trước thuế gần 4 tỷ đồng trong quý cuối năm 2024, ghi nhận quý thứ 10 liên tiếp kinh doanh thua lỗ do chi phí hoạt động cao đã kéo lùi hiệu quả kinh doanh dù doanh thu tăng gấp 6 lần trong quý 4 nhờ lãi đầu tư HTM.
Lũy kế cả năm, CVS đạt gần 12 tỷ đồng doanh thu hoạt động, gấp gần 3 lần thực hiện năm 2023 trước đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn báo lỗ sau thuế hơn 27 tỷ đồng, trong khi năm 2023 lỗ 13 tỷ đồng. Lỗ sau thuế lũy kế đến thời điểm cuối 2024 gần 122 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của CVS đạt 340 tỷ đồng, giảm nhẹ 5 tỷ so với cuối quý 3, trong đó khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 254 tỷ, toàn bộ là khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng. Tiền và tương đương tiền 51 tỷ, trong đó 47 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng ngắn hạn từ 1-3 tháng. Công ty không có dư nợ margin, cho vay ứng trước tiền bán gần 3 tỷ đồng.