Doanh nghiệp chứng khoán liên quan MoMo kéo dài chuỗi ngày thua lỗ

Chứng khoán CV (CVS) báo lỗ quý thứ 10 liên tiếp, với lỗ lũy kế cả năm 2024 vượt 27 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tăng gấp 6 lần trong quý 4 nhờ lãi đầu tư HTM, nhưng chi phí hoạt động cao đã kéo lùi hiệu quả kinh doanh...

Doanh nghiệp chứng khoán liên quan MoMo kéo dài chuỗi ngày thua lỗ

Công ty Cổ phần Chứng khoán CV (CVS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với doanh thu hoạt động 4,8 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động chủ yếu là lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) với 4,1 tỷ đồng và doanh thu nghiệp vụ môi giới hơn 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động lên tới hơn 6 tỷ, tập trung tại khoản mục chi phí môi giới. Cộng thêm hơn 2 tỷ đồng chi phí quản lý công ty chứng khoán, kết quả CVS lỗ trước thuế gần 4 tỷ đồng trong quý cuối năm 2024, ghi nhận quý thứ 10 liên tiếp kinh doanh thua lỗ.

Lũy kế cả năm, CVS đạt gần 12 tỷ đồng doanh thu hoạt động, gấp gần 3 lần thực hiện năm 2023 trước đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn báo lỗ sau thuế hơn 27 tỷ đồng, trong khi năm 2023 lỗ 13 tỷ đồng. Lỗ sau thuế lũy kế đến thời điểm cuối 2024 gần 122 tỷ đồng.

Năm 2024, CVS đặt kế hoạch doanh thu gần 25,9 tỷ đồng, gấp gần 5,5 lần thực hiện năm trước. Tuy nhiên, công ty đặt kế hoạch lỗ sau thuế 43,6 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 13 tỷ đồng năm 2023. Như vậy, công ty chứng khoán này đã hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu và đã lỗ khoảng 63% so với "mục tiêu" đề ra.

Tại thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của CVS đạt 340 tỷ đồng, giảm nhẹ 5 tỷ so với cuối quý 3, trong đó khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 254 tỷ, toàn bộ là khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng. Tiền và tương đương tiền 51 tỷ, trong đó 47 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng ngắn hạn từ 1-3 tháng. Công ty không có dư nợ margin, cho vay ứng trước tiền bán gần 3 tỷ đồng.

Chứng khoán CV có tiền thân là Chứng khoán Hồng Bàng, thành lập từ năm 2009. Công ty đổi tên thành Chứng khoán Hưng Thịnh vào năm 2015 và sau đó tiếp tục đổi thành Chứng khoán CV vào năm 2018.

Ngày 9/6/2022, chủ sở hữu ví điện tử MoMo là Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) đã mua hơn 4,4 triệu cổ phần CVS, tương đương 49% vốn, từ hai cổ đông là Phó Chủ tịch Jiang Wen và Tổng Giám đốc Nguyễn Kim Hậu.

Đây được xem là hướng đầu tư mới của M_Service trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của ví điện tử MoMo chưa thể đem lại "quả ngọt". Doanh thu của MoMo tăng trưởng liên tục mỗi năm, tuy nhiên đi kèm với đó là lỗ cũng ngày càng lớn. Liên tiếp 2 năm 2022 và 2023, lỗ ròng của MoMo lần lượt đạt 1.150 tỷ và 287 tỷ đồng.

Sau các đợt tăng vốn, tính đến cuối năm 2024, M_Service sở hữu gần 22,4 triệu cổ phần CVS, vẫn tương đương 49% vốn CVS. Ngoài ra ba cá nhân khác đồng thời sở hữu gần 7,8 triệu cổ phần (17% vốn) là ông Lê Công Trường, bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa và ông Lê Hùng Cường, không thay đổi so với cuối quý 3/2024.

Trước đó, Chứng khoán MB (MBS) cũng công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với tổng doanh thu hoạt động đạt 758 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước nhưng lại giảm so với 2 quý trước đó.

Trong các nguồn doanh thu, lãi cho vay chiếm phần lớn với 268 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Đặc biệt, lãi từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) có mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 217 tỷ đồng so với 52 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) cũng tăng trưởng 74%, đạt 54 tỷ đồng. Trái lại, doanh thu từ hoạt động môi giới giảm 23%, còn 131 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, chi phí của MBS cũng tăng đáng kể. Lỗ từ các tài sản FVTPL tăng mạnh từ 24 tỷ đồng lên 173 tỷ đồng, nhưng hoạt động tự doanh vẫn mang lại lãi thuần 44 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Chi phí nghiệp vụ môi giới duy trì ở mức tương đương năm trước, với 131 tỷ đồng, khiến mảng này không mang lại lợi nhuận. Trong khi đó, chi phí lãi vay và phát hành trái phiếu chiếm 152 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 4/2024 của MBS đạt 165 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với năm trước. Tính cả năm 2024, MBS ghi nhận 3.120 tỷ đồng doanh thu, tăng 72% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 931 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 744 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 27%.

Với kế hoạch đề ra là 2.786 tỷ đồng doanh thu và 930 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, MBS đã vượt kế hoạch doanh thu và hoàn thành mục tiêu lợi nhuận.

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của MBS đạt 22.132 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, các khoản cho vay chiếm gần 10.300 tỷ đồng, tăng khoảng 1.000 tỷ đồng; các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 2.700 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn.

Danh mục tài sản FVTPL của MBS trị giá gần 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào trái phiếu niêm yết (gần 1.000 tỷ đồng) và giấy tờ có giá (746 tỷ đồng), trong khi cổ phiếu niêm yết chỉ chiếm 157 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư AFS đạt hơn 2.700 tỷ đồng, tăng hơn 1.400 tỷ đồng, phần lớn là trái phiếu chưa niêm yết với gần 2.000 tỷ đồng. Cổ phiếu chưa niêm yết trị giá 118 tỷ đồng nhưng đã dự phòng suy giảm 83 tỷ đồng, khiến giá trị ghi sổ còn hơn 35 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của MBS ở mức hơn 15.200 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là nợ tài chính ngắn hạn với hơn 13.000 tỷ đồng. Nợ trái phiếu dài hạn đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng sau một năm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

MSVN kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025, nhờ vào sự bứt phá lợi nhuận 17,1% và thanh khoản thị trường cải thiện mạnh mẽ, các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và bán lẻ được dự báo sẽ đóng vai trò “đầu tàu” dẫn dắt đà tăng trưởng này...

Cuộc “so găng” trên thị trường bán lẻ

Cuộc “so găng” trên thị trường bán lẻ

Bách Hoá Xanh sau giai đoạn tăng trưởng nóng có thể bước vào giai đoạn ổn định và bão hoà, còn WinCommerce được kỳ vọng sẽ tăng tốc mạnh mẽ từ năm 2024 và dẫn đầu về quy mô lẫn hiệu suất từ giai đoạn 2028-2029...

Giảm tỷ trọng các cổ phiếu đã mất xu hướng tăng trung hạn

Giảm tỷ trọng các cổ phiếu đã mất xu hướng tăng trung hạn

Nhà đầu tư chủ động tận dụng nhịp hồi phục trong phiên để giảm tỷ trọng các cổ phiếu đã mất xu hướng tăng trung hạn, bám sát diễn biến giao dịch trong những phiên tới để kịp thời gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu "lướt sóng" ngay khi xuất hiện tín hiệu tạo đáy ngắn hạn chắc chắn hơn...