Công ty Chứng khoán An Bình (ABS Research) vừa công bố báo cáo chiến lược tháng 7/2024 với những nhận định về xu hướng của thị trường chứng khoán và khuyến nghị chiến lược hành động cho các nhà đầu tư trong tháng 7 này.
CÁC YẾU TỐ VĨ MÔ CÓ DẤU HIỆU PHỤC HỒI
Theo báo cáo, ABS Research nhận định lạm phát trên thế giới tiếp tục giảm và tỷ lệ lạm phát tăng tại Mỹ khiến thị trường dự báo rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất từ kỳ họp FOMC tháng 9/2024. Trong khi các Ngân hàng Trung ương khác đã bắt đầu nới lỏng tiền tệ, điều này khiến đồng USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Trong khi đó, các cuộc xung đột Nga – Ucraina và khu vực Trung Đông vẫn căng thẳng. Chuỗi cung ứng khu vực tuyến hàng hải qua kênh đào Suez dự kiến vẫn chưa thể khôi phục trong tương lai gần trong khi nguồn cung một số mặt hàng bị hạn chế.
Trong nước, các chỉ số kinh tế của Việt Nam cho tín hiệu rất tích cực với GDP quý 2 đạt gần 7%, một mức ấn tượng nếu so sánh với các nước cùng khu vực và với chính số liệu trong quá khứ.
Khu vực công nghiệp chế biến chế tạo đạt mức mở rộng sản xuất cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua. Khu vực dịch vụ bứt phá mạnh với khi thu nhập của người dân được cải thiện và nhu cầu dịch vụ logistics tăng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nội thất từ chất liệu khác gỗ, nhựa – chất dẻo, phụ liệu dệt may, da giày…
Bên cạnh đó, thị trường vàng đã được Ngân hàng Nhà nước bình ổn khi giá vàng miếng SJC đã “đứng yên” xuyên suốt cả tháng 6 qua và được kỳ vọng sẽ tiếp tục ở mức này trong tháng 7. “Đây là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế khi dòng tiền sẽ không còn chảy vào tích trữ vàng mà sẽ được lưu thông, đóng góp cho tăng trưởng chung”, nhóm chuyên gia ABS Research nhận định.
Tuy nhiên, tỷ giá là một vấn đề nhức nhối đối với Ngân hàng Nhà nước khi liên tục leo thang trong tháng 6. Tính chung 6 tháng năm 2024, tỷ giá USD/VND đã tăng hơn 5%, buộc Ngân hàng Nhà nước phải bán ra xấp xỉ 6 tỷ USD để ổn định thị trường.
Bước sang tháng 7, ABS Research dự báo tốc độ tăng giá của cặp tiền tệ này sẽ không còn nhanh nữa, hoặc thậm chí còn quay đầu giảm khi lãi suất điều hành và lãi suất thị trường tiền đồng đã và đang tăng trở lại, cán cân thương mại đã thặng dư trở lại gần 3 tỷ USD trong tháng 6, lượng vốn FDI thực hiện tiếp tục tích cực, triển vọng Fed bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 9 năm nay rõ ràng hơn.
Đồng thời, thể chế được cải thiện với việc Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được thông qua, các Luật Đất đai 2024, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản 2023 và hai điều Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, tiếp tục giảm thuế VAT thêm 2% đến hết năm 2024, tiếp tục gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ đến hết năm 2024… qua đó hỗ trợ nền kinh tế và người dân.
Yếu tố tiêu cực là chỉ số lạm phát tăng cao khi giá các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như gạo, điện, nước, thuốc và dịch vụ y tế… đều tăng mạnh.
TÍCH LUỸ CHỜ SÓNG TĂNG
Về thị trường chứng khoán, kết thúc tháng 6/2024, chỉ số VN-Index có 3 tháng liên tiếp chưa phá qua được vùng đỉnh cũ 1.300 điểm. Khối lượng giao dịch suy yếu dần tại vùng này khiến cho đường giá có sự nỗ lực nhưng chưa thành công. Lực cung tại vùng này vẫn tiếp tục là trở ngại lớn đối với thị trường chung.
Vùng kháng cự 1300+/-, thị trường vận động với dòng tiền và khối lượng giao dịch có xu hướng yếu dần. Khối ngoại liên tục bán ròng các tháng vừa qua với giá trị lớn, áp lực tỷ giá tăng cùng với sự điều tiết thu hẹp thanh khoản trên thị trường tiền tệ… là các yếu tố khiến thị trường chưa đạt được sự đồng thuận cho sự bứt phá mạnh mẽ.
Tuy nhiên, yếu tố tích cực là sự khởi sắc của nền kinh tế, thể hiện trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, xuất khẩu… với số liệu tăng trưởng GDP quý 2/2024 tích cực và PMI mở rộng, mang lại kỳ vọng tươi sáng cho thị trường trong nửa cuối năm 2024.
Về mặt định giá, sau nhịp điều chỉnh nửa cuối tháng 6, P/E của VN-Index đã giảm từ mức 14,3x cuối tháng 5 xuống 14,1x cuối tháng 6. Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 12,62x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (16,72x) và VNSML (18,66x).
Với việc sản xuất, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu… phục hồi tích cực, các yếu tố chính sách và luật pháp được thể chế hóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, ABS Research kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, thanh khoản thị trường dần được cải thiện, khối ngoại giảm dần đà bán ròng…
Về dự báo thị trường chứng khoán tháng 7, ABS Research cho rằng đây là thời điểm thị trường hấp thụ tốt yếu tố tiêu cực và tạo ra vùng đi ngang tích lũy với biên độ giá lớn từ 1.180 đến 1.300 điểm, chuẩn bị cho nhịp sóng tăng của nửa cuối năm 2024.
Về trung hạn, ABS Research vẫn duy trì kỳ vọng đối với VN-Index tăng trưởng lên vùng 1.350 - 1.370 – 1.395 điểm theo báo cáo đầu năm của ABS Research. Mốc xác nhận nhịp tăng mới của thị trường khi giá đóng cửa tuần giao dịch tuần vượt kháng cự 1 ở 1.315 điểm.
Sau các nhịp điều chỉnh với biên độ giá quanh 60 - 100 điểm sẽ luôn có hồi phục kỹ thuật nhanh với những phiên tăng điểm nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn. Đối với nhà đầu tư ưa thích giao dịch nhanh, cần căn cứ vào mốc hỗ trợ - kháng cự của thị trường và biên độ tăng giảm đặc thù cổ phiếu.
Với nhà đầu tư trung dài hạn, nhịp điều chỉnh tích lũy này của thị trường sẽ là cơ hội tham gia với những mã cổ phiếu tạo ra điểm mua trung hạn - dài hạn.
Báo cáo của ABS Research cũng chỉ ra các nhóm ngành ưu tiên trong tháng 7 bao gồm: Bảo hiểm, Năng lượng, Bất động sản khu công nghiệp, Bất động sản nhà ở, Phân bón, Dệt may, Hàng không, Ngân hàng…
Cùng với đó, ABS Research khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên các cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực, hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô, có mô hình tích lũy phù hợp về khối lượng và thời gian, còn dư địa tăng giá.