Có một điểm đáng chú ý với thị trường chứng khoán Việt Nam là tháng 8 năm nay lại trùng với tháng 7 Âm lịch hay còn gọi là tháng Ngâu, “tháng cô hồn”. Theo quan niệm của dân gian thì trong tháng 7 Âm lịch nên tránh làm những việc lớn. Vì vậy, cứ tháng 7 âm lịch, nhà đầu tư chứng khoán lại hỏi nhau có nên đứng ngoài đợi qua "tháng hạn" khiến thị trường đi xuống.
Tuy nhiên trong 3 năm gần đây, đã có nhiều sự thay đổi khi thị trường luôn khép lại tháng cô hồn với sắc xanh. Trong năm nay, với bối cảnh dòng tiền quốc tế có những diễn biến mới, chưa có nhiều lý do để kỳ vọng tiền vào cổ phiếu Việt Nam sẽ khởi sắc, nhưng vào các công cụ đầu tư gián tiếp có thể sẽ nhiều hơn.
Hơn nữa, tháng 8 thường rơi vào vùng trũng thông tin là thời điểm thị trường giao dịch mang tính tích lũy, thăm dò nhiều hơn. Theo VDSC, hiệu ứng từ mùa công bố kết quả kinh doanh quý II sẽ không còn đáng kể trong tháng 8. Cụ thể, trong khi VN30 là nhóm có nhiều doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khả quan so với cùng kỳ, hầu hết cổ phiếu thuộc nhóm đã tăng điểm khá trong tháng 7.
Ngược lại, với mức tăng trưởng tổng lợi nhuận sau thuế âm ở cả nhóm doanh nghiệp, hiệu ứng tăng điểm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khó có thể tạo hiệu ứng lan tỏa.
Sự suy yếu của dòng tiền ETF trong tháng 7 có thể khiến lực hỗ trợ từ nhà đầu tư nước ngoàisuy yếu trong tháng 8. Ngoài ra, sang tháng 8, VDSC cho rằng dòng tiền vào ETFs sẽ khả quan hơn, bởi lẽ: FED đã hiện thực hóa kỳ vọng của nhà đầu tư bằng việc cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất trong kỳ họp tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, việc FED hạ lãi suất đã nằm trong kỳ vọng từ trước của thị trường, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn đặt cược FED sẽ hạ 0,5 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp lần này. Trong khi đó, Chủ tịch Fed khẳng định, động thái hạ lãi suất mà Fed vừa thực hiện chỉ là một "sự điều chỉnh giữa chu kỳ" đối với chính sách tiền tệ, do vậy, Fed chưa chắc sẽ giảm thêm lãi suất hoặc có thể giảm, nhưng không liên tục và quyết liệt.
Ngoài ra, VDSC cũng nêu quan điểm rằng cho đến khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại cuối cùng, rủi ro bất ổn vẫn chưa thể loại bỏ. Gần đây nhất là thông tin Mỹ sẽ đánh thuế 10% lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Giao dịch của giới đầu tư quốc tế do vậy sẽ ở trạng thái thận trọng.
Ngưỡng 1.000 điểm đang tỏ ra là ngưỡng cản tâm lý mạnh trong bối cảnh chỉ số Vn-Index đã nhiều lần vượt qua nhưng sau đó lại rơi xuống. Nhưng thị trường có thể đặt kỳ vọng chỉ số này vượt ngưỡng này trong tháng 8.
Cũng đưa ra nhận định về thị trường chứng khoán trong tháng 8, ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, CTCK MB (MBS) cho rằng, ở thời điểm hiện tại, thị trường vẫn đang ở giai đoạn tạo nền tích lũy để chuẩn bị bước vào sóng tăng lớn. Giai đoạn này “rất khó chịu” cho cả bên cầm hàng và bên cầm tiền, bởi thị trường không tăng mạnh mẽ ngay, mà cũng không giảm mạnh ngay khiến cho nhà đầu tư rất khó ra quyết định.
“Tuy nhiên, giai đoạn bứt tốc sẽ đến sau khi thị trường tạo nền vững chắc. Giai đoạn này sẽ kéo dài từ giữa tháng 9 trở đi và sau khi VN-Index bứt phá thành công khỏi mốc 1.020 điểm. Khi vượt 1.020 điểm, thị trường sẽ hút được dòng tiền đầu cơ vào một cách mạnh mẽ”, ông Chung dự báo.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam đang chuyển tiếp từ pha hưng thịnh sang pha suy thoái . Đây chỉ là nhận định, nhưng ở giai đoạn kinh tế này thì các cổ phiếu theo đà tăng trưởng và các cổ phiếu chất lượng cao, nợ vay ít hay các cổ phiếu có tiền sử trả cổ tức cao sẽ là tâm điểm thu hút dòng tiền đầu cơ. Cùng với đó, dòng tiền vào các công cụ gián tiếp như quỹ đầu tư, quỹ ETF có nhiều khả năng vẫn vững chảy.
>> Thị trường chứng khoán có khả năng hồi phục trong Quý III/2019?