Chuyện đắt rẻ cổ phiếu chứng khoán

Việc CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) chuyển niêm yết từ sàn Hà Nội vào sàn TPHCM như nối tiếp thêm trào lưu “Nam tiến” của nhiều doanh nghiệp do dòng tiền trên thị trường đang tập trung vào HoSE.
Chuyện đắt rẻ cổ phiếu chứng khoán

VND thuộc dạng doanh nghiệp to với vốn chủ sở hữu 2.231 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính quí 2-2017, và nằm trong tốp 5 nhà môi giới chiếm thị phần lớn nhất cho đến cuối tháng 6 vừa qua.

Trước VNDirect, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương (CTS) cũng đã dời niêm yết vào Nam. So với VND, CTS nhỏ hơn cả về quy mô vốn, hoạt động môi giới, tự doanh, cung ứng dịch vụ ký quỹ... Tuy nhiên xét về giá trị sổ sách (B/V), B/V của CTS đạt 12.418 đồng/cổ phiếu không thấp hơn của VND là mấy (14.393 đồng/cổ phiếu), nhưng thị giá lại có khoảng cách tương đối rộng. Thị giá ngày 18-8-2017 của CTS đứng ở 11.800 đồng/cổ phiếu, còn của VND 23.400 đồng/cổ phiếu.

Như vậy nếu chỉ dựa trên tiêu chí B/V, cổ phiếu CTS xem như rẻ hơn cổ phiếu VND. Tuy nhiên B/V chỉ là một biến số và thị giá/giá trị sổ sách của một số cổ phiếu chứng khoán còn cao hơn mức 1,6 lần của VND. Chẳng hạn thị giá/giá trị sổ sách của cổ phiếu HCM (Công ty Chứng khoán TPHCM) hiện khoảng 2,1 lần (40.055 đồng/19.090 đồng); của VCI (Công ty Chứng khoán Bản Việt) khoảng 5 lần (60.000 đồng/11.775 đồng/cổ phiếu). Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu của HCM đang ở vị trí cao nhất trong khối chứng khoán, sau đó đến SSI (Công ty Chứng khoán Sài Gòn) 17.967 đồng; BSI (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển) 11.774 đồng... Trong khối các nhà môi giới có vốn điều lệ lớn, giá trị sổ sách của AGR (Công ty Chứng khoán Agribank) hiện dưới mệnh giá, ở mức 8.346 đồng/cổ phiếu do AGR thua lỗ hai năm trước.

Thế nhưng nhìn vào thị giá, cổ phiếu AGR tỏ ra khá rẻ nếu không muốn nói rẻ nhất khối chứng khoán khi thị giá 5.750 đồng/cổ phiếu còn thấp hơn 45% so với giá trị sổ sách. Thời gian qua AGR đã xử lý được một giá trị không nhỏ nợ khó đòi, các khoản phải thu dài hạn chỉ còn 37 tỉ đồng từ mức gần 500 tỉ đồng những năm trước. Công ty cũng đã thanh lý xong tất cả các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và mặc dù đã trích lập gần 200 tỉ đồng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu HNG (Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), AGR vẫn đủ sức báo lãi ròng 86 tỉ đồng sáu tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ lỗ 424 tỉ đồng.
Những nhà đầu tư trung, dài hạn săn tìm những doanh nghiệp đang trên đường hồi sinh chắc không thể bỏ qua AGR bởi sự quay về mệnh giá của cổ phiếu này là hiện thực.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư khác có thể không nghĩ thế khi họ chỉ giải ngân vào cổ phiếu của các nhà môi giới có vị thế dẫn đầu. Theo báo cáo tài chính bán niên của các công ty, SSI đang chắc chân ở ngôi vị đầu bảng về thị phần môi giới với doanh thu môi giới nửa đầu năm đạt 301 tỉ đồng, HCM ở vị trí thứ hai với doanh thu môi giới 210 tỉ đồng; VCI vị trí thứ ba với doanh thu môi giới 151 tỉ đồng. Vị trí thứ ba của VCI đang bị VND “đe dọa” khi thị phần môi giới của VND sáu tháng đầu năm đã tăng lên 6,76% so với 7,16% của VCI. Ngoài ra Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng đang theo sát cả VCI và VND khi thị phần đã đạt 6,7%.

Dẫn đầu về thị phần môi giới, thị giá cổ phiếu SSI đang đảo ngược ở vị trí thứ ba 24.850 đồng; HCM vững tại vị trí thứ hai 40.055 đồng và VCI cao nhất 60.000 đồng. Chỉ cần thêm “chút nỗ lực”, thị giá VND sẽ đuổi kịp thị giá SSI.

Sáu tháng đầu năm nay lợi nhuận sau thuế của các công ty chứng khoán hầu hết tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ thanh khoản sàn Hose tăng đáng kể, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Ngoài ra chuẩn mực kế toán theo quy định mới cho phép các công ty chứng khoán được ghi nhận lãi/lỗ từ đánh giá theo giá thị trường các tài sản tài chính. Các tài sản tài chính thường là tiền, cổ phiếu (niêm yết và chưa niêm yết). Trước đây lãi lỗ từ hoạt động tự doanh chỉ được ghi nhận khi công ty chứng khoán thanh lý cổ phiếu. Nay nếu danh mục tự doanh chưa thanh lý, cũng có thể đánh giá lại theo giá thị trường và phần chênh lệch lãi lỗ so với giá đầu tư gốc được ghi nhận.

Thí dụ lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ của VCI sáu tháng đầu năm nay lên tới 312 tỉ đồng so với 88,5 tỉ đồng cùng kỳ; lãi bán các tài sản tài chính tăng từ 72 tỉ đồng nửa đầu năm 2016 lên 253 tỉ đồng nửa đầu năm nay. Tất nhiên nhà đầu tư nên chú ý quy mô danh mục tự doanh của từng doanh nghiệp. Có công ty bán hết của để dành, ghi nhận lợi nhuận cao quí này, thì các quí sau sẽ không còn nguồn để ghi nhận nữa.

Theo Thành Nam/ TBKTSG

>> Nỗi buồn của những cổ phiếu tài chính chào sàn HOSE: Áp lực bán tại VPBank và phiên giảm sàn của VNDIRECT

Có thể bạn quan tâm