Wake-Up 247, một trong những thương hiệu chủ lực của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), công ty con thuộc Tập đoàn Masan sắp có màn ra mắt ấn tượng trên đấu trường quốc tế khi hợp tác cùng Manchester City, một trong những câu lạc bộ bóng đá hàng đầu châu Âu.
Theo Insider Sport và Soccerex, sản phẩm mới của thương hiệu nước tăng lực này sẽ mang dấu ấn của đội bóng Manchester với bao bì in huy hiệu câu lạc bộ cùng hình ảnh các ngôi sao Erling Haaland, Kevin De Bruyne và Phil Foden.
Đặc biệt, Wake-Up 247 sẽ xuất hiện trên bảng quảng cáo LED tại sân Etihad trong các trận đấu chính thức, mở ra cơ hội khuếch trương thương hiệu trên quy mô toàn cầu. Masan Group đã xác nhận thông tin này.

Tuy nhiên, bất chấp chiến lược truyền thông mạnh mẽ, cổ phiếu MCH của Masan Consumer lại trải qua một phiên giao dịch ảm đạm vào sáng nay (ngày 31/3). Mã này giảm 3.300 đồng, tạm lui xuống mức 141.000 đồng/cổ phiếu. Với hơn 1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của MCH đã "bốc hơi" hơn 3.000 tỷ đồng chỉ trong phiên sáng 31/3. Tính từ đầu năm, MCH đã mất hơn 20% giá trị.
Không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh, cổ phiếu MNS của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan cũng ghi nhận mức giảm 1,02%, chốt phiên ở mức tham chiếu 67.700 đồng/cổ phiếu. Dù giảm nhẹ, mã này vẫn giao dịch sôi động với khối lượng lên tới 4,3 triệu đơn vị, tương đương hơn 296 tỷ đồng. So với đầu năm, MNS chỉ mất hơn 3% giá trị.
Được biết, Masan Consumer vừa ghi dấu ấn lớn trên thị trường khi hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, thu về hơn 3.268 tỷ đồng thông qua việc phát hành 326,8 triệu cổ phiếu MCH với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thương vụ này giúp vốn điều lệ của công ty tăng mạnh từ 7.355 tỷ đồng lên 10.623 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý là sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, 147 tổ chức kinh tế có yếu tố nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn đã gom gần 157 triệu cổ phiếu MCH, chiếm 48% lượng phát hành thêm. Điều này nâng tổng sở hữu của khối ngoại tại Masan Consumer lên hơn 176,7 triệu cổ phiếu, tương đương 16,64% vốn điều lệ. Ngược lại, tỷ lệ sở hữu của công ty mẹ, Masan Consumer Holdings đã giảm từ 91,3% xuống 69,7%.
Năm 2025, Masan Consumer đặt tham vọng lớn trong kế hoạch kinh doanh. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 10-15%, lên mức 33.500-35.500 tỷ đồng.
Ở cấp độ tập đoàn, Masan Group đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 với doanh thu thuần hợp nhất ước tính dao động từ 80.000 – 85.500 tỷ đồng, tương ứng mức tăng từ 7% – 14% so với cùng kỳ (sau khi điều chỉnh việc tách hợp nhất HCS). Đáng chú ý, nếu không tính MHT, tổng doanh thu hợp nhất dự kiến vẫn đạt từ 74.013 – 78.013 tỷ đồng, tăng trưởng 8% – 14% so với năm trước.
Điểm sáng trong kế hoạch năm 2025 của Masan chính là lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI), dự kiến bứt phá mạnh mẽ lên mức 4.875 – 6.500 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ 14% – 52% so với con số 4.272 tỷ đồng của năm 2024.
Bên cạnh đó, sức khỏe tài chính của Masan cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Tại thời điểm 31/12/2024, vốn chủ sở hữu của tập đoàn đạt 40.752 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm trước và tổng các khoản vay ngắn hạn và dài hạn giảm 5,8%, còn 65.549 tỷ đồng.