Chuyên gia hiến kế giúp thúc đẩy kinh tế tư nhân

Theo các chuyên gia, kinh tế tư nhân ở nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng...

 Toàn cảnh Tọa đàm
Toàn cảnh Tọa đàm

Ngày 8/4, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tổ chức Tọa đàm trao đổi ý kiến chuyên gia về hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân.

Tại phiên họp, các chuyên gia đồng thuận cho rằng, kinh tế tư nhân đang có đóng góp lớn trong tổng thể nền kinh tế, có phạm vi hoạt động rộng khắp trong mọi ngành nghề, trên mọi địa bàn, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên cương, hải đảo, góp phần cung ứng đủ hàng hóa, tạo công ăn việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần đáng kể trong cơ cấu GDP.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ rõ, kinh tế tư nhân ở nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những lý do cho tình trạng này là hệ thống pháp luật, chính sách còn bất cập, khiến doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực. Hệ thống pháp luật kinh doanh thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể, chưa hợp lý, còn chồng chéo, mâu thuẫn, không tiên liệu hết các vấn đề có thể xảy ra.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) cho rằng, cần nhanh chóng chuyển đổi hệ thống pháp luật theo hướng đảm bảo tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng và kiến tạo cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ, có ưu đãi vượt trội để khuyến khích phát triển hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng kiến nghị xây dựng khung khổ pháp lý tạo kênh huy động và tiếp cận vốn đầu tư trung và dài hạn (ngoài tín dụng), tiếp cận đất đai, nghiên cứu phát triển và công nghệ cho doanh nghiệp tư nhân. Cải cách hoạt động tư pháp, rút ngắn tối đa thời gian, giảm tối đa chi phí, đảm bảo minh bạch, công bằng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng, giảm thiểu rủi ro pháp lý, nhất là rủi ro hình sự, để người dân và doanh nghiệp an tâm đầu tư.

Trong khi đó, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các cải cách đột phá trong thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh. Sửa đổi và đưa ra các hướng dẫn chi tiết cụ thể việc tuân thủ các yêu cầu của pháp luật liên quan sao cho doanh nghiệp không cần phải xin phép các cơ quan liên quan nhằm loại bỏ cơ chế xin cho, từ đó giúp kinh tế tư nhân phát huy tối đa tiềm năng. Đặc biệt, cần chú trọng đến khung pháp lý và chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và loại hình kinh doanh mới, nhất là trong thời đại công nghệ số.

Theo TS. Phùng Đức Tùng, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, quản lý hiệu quả vai trò và ảnh hưởng của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, phải tạo động lực cho các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới, biến các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, đồng thời cho biết đây sẽ là cơ sở để tham mưu xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong thời kỳ công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, cần thay đổi cách thức phát triển kinh tế để thích ứng với tình hình mới. Cuộc cách mạng tinh giản tổ chức, bộ máy là một trong những động lực quan trọng cho quá trình này.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Đề án phát triển kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn lại lời Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng. Kinh tế tư nhân sẽ là lực lượng tiên phong trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nước ta nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế và Tài chính cùng Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến các chuyên gia, phân tích rõ các nguyên nhân căn bản, cốt lõi của những bất cập trong thể chế để có giải pháp phù hợp.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VACOD-HBA “mách kế” giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ hai cuộc cách mạng

VACOD-HBA “mách kế” giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ hai cuộc cách mạng

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp với điều kiện còn hạn chế đang quan ngại về năng lực tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Chủ tịch VACOD-HBA TS Nguyễn Hồng Sơn đã đưa ra định hướng nhằm giúp doanh nghiệp lựa chọn phương hướng phù hợp, không bỏ lỡ thời cơ từ hai cuộc cách mạng của đất nước...

GS Vũ Minh Khương: Việt Nam cần tận dụng mọi kênh đối thoại trong xử lý vấn đề thuế quan với Hoa Kỳ - Ảnh: VGP

“Việt Nam cần tận dụng mọi kênh đàm phán với Hoa Kỳ, mức thuế 46% là một công cụ thúc đẩy đối thoại thương mại”

Trước việc Hoa Kỳ áp thuế 46% đối với hàng hóa của Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ, GS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đàm phán vì mức thuế này còn là một công cụ thúc đẩy đối thoại thương mại...