Có gì sau màn "bung lụa" của cổ phiếu BVB?

Dù có màn "chào sàn" khá ấn tượng trong bối cảnh thị trường không có nhiều "hàng mới" như hiện nay nhưng những lăn tăn về VietCapital Bank đã khiến cổ phiếu BVB bớt hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Có gì sau màn "bung lụa" của cổ phiếu BVB?

Ngày 9/7 vừa qua, 317,1 triệu cổ phiếu BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 10.700 đồng/cp và trở thành ngân hàng đầu tiên đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán trong năm 2020.

Chỉ mới chào sàn 2 phiên nhưng cổ phiếu BVB của VietCapital Bank đã gây ấn tượng với mức tăng 50,5% lên 16.100 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh trung bình đạt 2 triệu đơn vị mỗi phiên. Ở mức giá hiện tại, vốn hoá thị trường của VietCapital Bank đã tăng hơn 1.700 tỷ đồng lên 5.105 tỷ đồng.

Chất lượng các con số tài chính

VietCapital Bank là một ngân hàng có quy mô nhỏ trong hệ thống với vốn chủ sở hữu chỉ 3.765 tỷ đồng(tính đến ngày 31/3/2020). Tổng tài sản ở mức gần 53.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay trên thị trường 1 (tổ chức kinh tế và dân cư) ở mức 34.760 tỷ đồng.

Về cơ cấu dư nợ cho vay, nợ ngắn hạn chiếm khoảng một nửa dư nợ, còn lại là nợ trung và dài hạn.Ngân hàng cho vay nhiều nhất ở lĩnh vực Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm tỷ trọng gần 27%), kế đến là lĩnh vực Xây dựng (chiếm tỷ trọng gần 18%) và Hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm tỷ trọng gần 15%).

Đáng chú ý, trong quý I/2020 ngân hàng đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC đưa nợ xấu về một bảng. Quy mô nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm hết ngày 31/3/2020 là 1.004 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 2,89%.

Bên cạnh cho vay tổ chức kinh tế và dân cư, ngân hàng này tích cực gửi tiền và cho vay các tổ chức tín dụng khác với quy mô tại thời điểm 31/3/2020 ở mức gần 9.500 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng phải kế đến tài sản là các khoản lãi, phí phải thu với quy mô trên 1.100 tỷ đồng, lớn hơn cả tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong giai đoạn từ năm 2012 đến hết quý I/2020.

Theo đó, nhiều nhà đầu tư đã đặt ra dấu hỏi về chất lượng lợi nhuận của VietCapital Bank. Đáng chú ý, là một ngân hàng niêm yết, nhưng những thông tin cho nhà đầu tư được Viet Capital Bank công bố một cách rất nhỏ giọt. Ngay cả báo cáo tài chính của ngân hàng cũng ở mức ngắn gọn nhất có thể và luôn không có thuyết minh báo cáo tài chính.

Điều đó phần nào lý giải vì sao Viet Capital Bank không công bố cơ cấu sở hữu một cách chi tiết, việc cá nhân nào nắm giữ cổ phiếu áp đảo là một bí ẩn. Bởi lẽ theo số liệu được công bố mới nhất, VietCapital Bank có 911 cổ đông cá nhân với số lượng cổ phần là 234.477.356 cổ phần, chiếm tỷ lệ 78,159%, và 14 cổ đông tổ chức nắm giữ 65.522.644 cổ phần, chiếm tỷ lệ 21,841% vốn điều lệ.

Thực tế, khi nhắc đến "đế chế" Bản Việt nói chung và ngân hàng Bản Việt nói riêng, người ta nghĩ tới nữ doanh nhân quyền lực sinh năm 1980 là bà Nguyễn Thanh Phượng. Gia nhập VietCapital từ năm 2011 và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng từ tháng 1/2012 đến tháng 4/2013 sau đó bà Phượng đã chuyển giao vị trí cho ông Lê Anh Tài. Hiện bà Phượng đang giữ cương vị Thành viên HĐQT và nắm giữ trực tiếp 14,7 triệu cổ phiếu của ngân hàng (tương đương trên 4,6% vốn điều lệ).

Dù tháng 11/2017 toà nhà VietCapital Center mới khởi công xây dựng nhưng tháng 11/2016 VietCapital Bank đã đặt cọc thuê 41 năm
Dù tháng 11/2017 toà nhà VietCapital Center mới khởi công xây dựng nhưng tháng 11/2016 VietCapital Bank đã đặt cọc thuê 41 năm 

Dự án VietCapital Center

Bên cạnh những vấn đề về con số tài chính, tỷ lệ sở hữu, nhân sự cấp cao thì dự án VietCapital Center cũng là một điểm trừ của cổ phiếu BVB trong mắt các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Được biết, dự án có địa chỉ tại 3A-3B Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM được xây dựng trên khu đất rộng 3.341,2 m2, quy mô 40 tầng nổi, 5 tầng hầm với chiều cao 160m, trong đó 10 tầng từ 27-36 sẽ cung cấp 36 căn hộ siêu sang với diện tích từ 221-301m2. Dự án đã được Sở Công thương TP.HCM phê duyệt mẫu hợp đồng mua bán.

Về nguồn gốc của khu đất này, ngày 31/12/2007 UBND TP.HCM có văn bản về việc thu hồi đất quốc phòng tại số 3A-3B Tôn Đức Thắng và giao cho Công ty Phương Nam (thuộc Bộ Quốc phòng) để thực hiện dự án xây dựng khu phức hợp khách sạn, văn phòng và căn hộ cho thuê.

Công ty Phương Nam sau đó được chỉ định giao 11.975 m2 đất, trong đó khu đất rộng 3.341 m2 với hai mặt tiền Ngô Văn Năm và Lê Lợi (nối dài) chính là dự án VietCapital Center. Phần diện tích 8.634 m2 còn lại giáp mặt đường Tôn Đức Thắng là tòa nhà tổ hợp The Nexus.

Ngày 27/9/2012 Công ty Phương Nam đã góp toàn bộ 3.341 m2 đất vào doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty địa ốc Phương Nam 3A-2, để nắm 77,75% cổ phần dự án. Tuy nhiên, chỉ sau hơn hai tháng, CTCP bất động sản Việt Hưng 3A-2 đã mua lại phần lớn vốn và chi phối tới 85% cổ phần Công ty địa ốc Phương Nam 3A-2. Như vậy Công ty Phương Nam chỉ còn 15% vốn cổ phần. Cơ cấu sở hữu này duy trì cho đến nay.

Đáng chú ý, CTCP bất động sản Việt Hưng 3A-2 là công ty con 99,9% vốn của CTCP Bất động sản Bản Việt - pháp nhân do vợ chồng bà Nguyễn Thanh Phượng (Thành viên HĐQT VietCapital Bank) nắm 84%.

Theo báo cáo tài chính năm 2019, VietCapital Bank đã đặt cọc 900 tỷ đồng với CTCP Kinh doanh Địa ốc Phương Nam 3A-2 để thuê tòa nhà Viet Capital Center từ ngày 2/11/2016 để thuê văn phòng này trong vòng 41 năm từ 7/2020 đến 10/2061 với trị giá 1.300 tỷ đồng cho dù phải tới tháng 11/2017 dự án mới được khởi công xây dựng.

Tuy nhiên, dự án Viet Capital Center bị chậm tiến độ xây dựng nên chủ đầu tư đã gia hạn thời gian bàn giao mặt bằng thuê dự kiến sang tháng 6/2021.

Xem thêm

VietCapital Bank đã chuẩn bị những gì để lên sàn?

VietCapital Bank đã chuẩn bị những gì để lên sàn?

Vốn là một ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng trước khi lên sàn VietCapital Bank đã có nhiều chuyển động mới tích cực và minh bạch hơn. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề tồn đọng khiến các nhà đầu tư lưu tâm "đe doạ" độ hấp dẫn của cổ phiếu nhà băng này.

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...