Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá tra phile chiếm 86%, đạt 1,78 tỷ USD. Đa số các thị trường đều tăng từ 40 – 200% nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Cụ thể, tính đến nửa tháng 10/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 173,121 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trong tháng 10 năm nay, xuất khẩu sang Đức lại tăng đột biến 384%, sang Tây Ban Nha tăng 142%, sang Hà Lan vẫn giữ tăng trưởng nhẹ 10%.
Ngoài ra, lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Anh mang về 54,7 triệu USD, chiếm 2,5% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong đó, cá tra phile đông lạnh (mã HS 0304) chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu loài này, đạt trên 49 triệu USD, cá tra nguyên con đông lạnh chiếm gần 4% và cá tra chế biến chiếm trên 6%. Anh trở thành thị trường đứng thứ 7 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam...
Lý giải cho đà tăng đột biến trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện tại, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực tại châu Âu, nguồn cung các sản phẩm thực phẩm bị sụt giảm nặng nề. Việc khan hiếm nguồn lượng thực, đặc biệt là cá thịt trắng khiến giá của các loại cá tuyết, cá minh thái bị đẩy lên cao.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), khối lượng cá thịt trắng nhập khẩu vào Anh giảm mạnh. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu lại tăng từ 10-34% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, khi lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU áp lên sản phẩm cá thịt trắng, người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu chịu tác động ngay lập tức. Giá cá minh thái đông lạnh, rút xương một lần tại Mỹ đã leo lên đỉnh, khoảng 4.600 USD/tấn, cao hơn giai đoạn lịch sử 2018 - 2020 (quanh mức 3.400 USD/tấn) và có khả năng còn tăng cao hơn nữa. Giá cá minh thái nhập khẩu vào EU cũng đã tăng lên trên 3.000 EUR (3.380 USD)/tấn.
Với diễn biến như vậy, nhằm đáp ứng chuỗi cung ứng trong nước và giảm chi phí nguồn nguyên liệu, các nhà nhập khẩu tại EU phải nhanh chóng tìm các nguồn nhập khẩu thịt trắng thay thế.
Hiện tại, trong số các nguồn nguyên liệu thay thế cá thịt trắngcá tra Việt Nam đang vượt trội hơn cả bởi lợi thế về chất lượng và giá cả. Do đó, đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra.
Trong tháng 10 vừa qua, công ty thực phẩm đông lạnh Nomad Foods của Anh đã ký các hợp đồng mới với một số nhà cung cấp cá tra Việt Nam đạt chứng nhận ASC như Vĩnh Hoàn, VDTG Food và Godaco Seafood.
Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm VASEP.Pro: “Xuất khẩu thủy sản sang Anh những tháng cuối năm đang có những tín hiệu tích cực hơn so với đầu năm, nhất là với những mặt hàng như cá tra đang hồi phục mạnh”.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Và hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam phục hồi lại đà xuất khẩu cá tra vào thị trường EU, đặc biệt là các nước nói tiếng Tây Ban Nha.
Với lợi thế là quốc gia có FTA với EU, cùng với cam kết cắt giảm hầu hết thuế quan đối với các mặt hàng thủy sản, hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội được hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng tương tự của các quốc gia khác.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu sẽ tiếp tục tăng trưởng hai đến ba con số nửa cuối năm nay và giá trị xuất khẩu cả năm có thể đạt 200 triệu USD, tăng 91% so với năm trước.