Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có tuần giao dịch giảm mạnh nhất kể từ đáy tháng 3 cho tới nay với mức giảm gần 5% và trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới.
Theo nhận định của CTCK Agribank (Agriseco), trong thời gian tới thị trường có thể xảy ra các kịch bản khác nhau nhưng khó tránh khỏi nguy cơ tiếp tục giảm khi số lượng các ca lây nhiễm tăng lên được công bố sẽ là thông tin khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan hơn.
Thực tế, không ít nhà đầu tư chia sẻ rằng tâm lý lo ngại về nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài vẫn luôn hiện hữu.
Trước đó, tác động của dịch bệnh tới các doanh nghiệp đã thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh quý II (có tháng 4 là thời gian giãn cách xã hội) và 6 tháng đầu năm, với nhiều doanh nghiệp, ngành nghề ghi nhận mức giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ lớn.
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK VNDirect ước tính tổng lợi nhuận ròng quý II/2020 của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCoM) giảm 14,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cần phải nhắc lại là trước khi có thông tin về đợt lây nhiễm Covid-19 lần hai thị trường đã có sự chuẩn bị cho khả năng Vn-Index điều chỉnh sau 2 tháng hồi phục mạnh sau đợt sụt giảm hồi tháng 3/2020 do dịch bệnh.
Việc dịch Covid-19 quay trở lại chỉ là “giọt nước tràn ly” để thị trường sụt giảm. Do đó, vẫn có những tín hiệu lạc quan để nhà đầu tư có thể kỳ vọng.
Theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng lại cho rằng, một sự kiện xảy ra nhiều lần thì nhà đầu tư sẽ dần quen hơn, tâm lý cũng ổn định hơn nên dù thị trường có thể vẫn bị ảnh hưởng nhưng mức độ sẽ giảm bớt.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Khoa – Giám đốc phân tích của Agriseco cũng cho rằng, diễn biến của thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại sẽ không bi quan như hồi tháng 3, mở ra cơ hội cho việc tìm kiếm và săn cổ phiếu giá rẻ.
Xét về góc độ phân tích kỹ thuật, trước khi dịch bệnh bùng phát lần 1 – thời điểm trước Tết Nguyên Đán 2020 thị trường đã có một nhịp tăng, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết. Nhưng tin xấu đến bất ngờ trong kỳ nghỉ kéo dài khiến nhà đầu tư hoảng loạn, bán tháo, dẫn đến thị trường lao dốc.
Sau một nhịp hồi phục mạnh mẽ và kéo dài hơn 2 tháng (từ ngày 1/4 đến 10/6), thị trường chuyển sang giai đoạn “lình xình” tích lũy và nhiều nhà đầu tư chốt lời danh mục đầu tư, giá trị giao dịch giảm đáng kể so với giai đoạn hồi phục trước đó, nên tâm lý thị trường ổn định hơn trước rất nhiều. Nhịp điều chỉnh sau một giai đoạn tăng dài và mạnh là bình thường theo quy luật vận động của thị trường.
Báo cáo mới đây của CTCK Tân Việt (TVSI) cho biết, chỉ số Vn-Index trong ngắn hạn có thể dao động trong biên dộ từ 750-820 điểm. Theo đó, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tích lũy cổ phiếu trong những nhịp giảm mạnh.
Tuy nhiên cũng nên lưu ý tới khả năng chỉ số giảm điểm trở lại trong những phiên tới và nếu kịch bản này xảy ra, Vn-Index có thể sẽ lui về vùng hỗ trợ 750-770 điểm.
Đồng quan điểm với TVSI, CTCK MB (MBS) cũng đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư chú ý những cổ phiếu đã giảm sâu, đặc biệt là các mã có tín hiệu phục hồi rõ nét trong phiên giao dịch ngày 31/7 để mua vào.
Trong bối cảnh thị trường trong tháng 8 tương đối thiếu vắng thông tin tác động thì những thông tin về Covid-19 sẽ chi phối chính đến diễn biến trên thị trường.
CTCK Bảo Việt (BVSC) khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu.Nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược trading ngắn tại các điểm chặn ở trên, với các vị thế mua trading tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ quanh 780+/-5 điểm trong đó ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục.
Nhìn chung, thị trường suy giảm là rủi ro đối với người nắm giữ cổ phiếu, nhưng với các nhà đầu tư dư giả tiền mặt thì đây là cơ hội để lựa chọn và mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt ở mức định giá hấp dẫn.
Trong đó, các nhóm cổ phiếu đáng quan tâm là nhóm có kết quả kinh doanh ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thậm chí hưởng lợi như doanh nghiệp hàng tiêu dùng thiết yếu; doanh nghiệp hưởng lợi từ làn làn sóng đầu tư công; nhóm khu công nghiệp hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ nước ngoài sang Việt Nam; nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng giá nguyên vật liệu đầu vào giảm…