Có lãnh đạo “lợi dụng” cổ phần hóa biến doanh nghiệp Nhà nước thành sở hữu tư nhân

Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong tại Hội thảo: “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại doanh nghiệp nhà nước và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” vừa được tổ chức mới đây.

Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), từ năm 2016 đến nay có 177 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) với tổng giá trị doanh nghiệp là hơn 443.500 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là hơn 207.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có 38/128 doanh nghiệp thuộc danh mục thực hiện CPH đến hết năm 2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, đạt 28% kế hoạch.

Theo dõi quá trình CPH tại Việt Nam, Hiệp hội Kế toán công chức Anh Quốc (ACCA) đánh giá, nguyên nhân dẫn đến tiến độ CPH chậm là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong xử lý tài chính, tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước...

Đáng chú ý, không chỉ tiến độ CPH còn chậm, mà chất lượng CPH cũng là vấn đề đáng lo ngại. Như việc xác định giá trị tài sản, giá trị thương hiệu không chính xác... từ đó dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để CPH.

Thậm chí, khi xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, có trường hợp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.

Dưới góc nhìn của chuyên gia trong nước, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, CPH chậm phần lớn là bởi thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian khi mà khâu rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất của DN trải qua nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử, pháp lý đất đai phức tạp, khi cần lấy ý kiến các cơ quan lại bị kéo dài thời gian xử lý hồ sơ.

Đáng chú ý, chuyên gia này cho rằng, quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước đã cho thấy trong nhiều trường hợp, đất đai là “miếng mồi ngon” để nhà đầu tư tích cực tham gia quá trình CPH.

Cũng về chất lượng CPH, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã chỉ ra những “kẽ hở” trong CPH doanh nghiệp nhà nước gây hệ lụy tiêu cực không chỉ về công bằng xã hội, mà còn làm thất thoát tài sản công.

“Một số cổ đông vốn là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trước CPH đã lạm dụng quyền lực và trách nhiệm để mua gom cổ phần và trở thành nhóm nhỏ cổ đông lớn nhất, nắm quyền khống chế trong và sau khi CPH đã biến doanh nghiệp từ sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân - gia đình trị”, ông Phong nêu rõ.

Thực tế quá trình kiểm toán, KTNN đã phát hiện ra nhiều trường hợp sai phạm. Phó tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho biết, từ năm 2017 cho đến nay, quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…

GS.TS Đoàn Xuân Tiên dẫn chứng, chỉ qua 16 doanh nghiệp, KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng tới 15.447,68 tỷ đồng. Hay khi bắt tay vào kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước với 45 doanh nghiệp sau cổ phần, KTNN phát hiện nhiều vi phạm, đồng thời xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước hơn 1.576 tỷ đồng.

Do vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải rõ thực trạng, từ đó có những giải pháp ngăn chặn tình trạng “lợi ích nhóm”, gây thất thoát lãng phí, giảm năng lực phát triển của doanh nghiệp.

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu đề xuất cần sớm sửa đổi các quy định liên quan nhằm bịt lỗ hổng về chính sách, đẩy nhanh quá trình CPH.

Ngoài ra, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, KTNN không chỉ chú trọng kiểm toán kết quả xác định giá trị DN mà nên tiến hành kiểm toán tất cả các bước trong quá trình CPH, thậm chí kiểm toán cả sau khi CPH.

Có thể bạn quan tâm