Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội vẫn treo trong phương án

Chính phủ đặt kỳ vọng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo nên xung lực mới cho dòng vốn đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn ngần ngại chưa xuống tiền còn các doanh nghiệp nhà nước vẫn chậ
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội vẫn treo trong phương án

Bóc tách khẩu vị nhà đầu tư

Ông Nguyễn Quang Thuân, Giám đốc điều hành của StoxPlus vừa ngồi trên ghế đối thoại của Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017: Cơ hội đầu tư trong tái cơ doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức đầu tháng 12 vừa rồi), vừa thấp thỏm về 10 nhà đầu tư đang đợi ông ở văn phòng.

Các nhà đầu tư này đến từ Nhật Bản, họ đang tìm kiếm thông tin về tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. “Họ muốn đợi thông tin từ Diễn đàn này khi biết rằng có cả sự tham gia của đại diện của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vấn đề của họ là thiếu thông tin”, ông Thuân nói.

"Thông tin về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được công bố chưa khớp được với nhu cầu của nhà đầu tư.

“Họ hỏi chúng tôi về quy hoạch phát triển ngành mà doanh nghiệp được cổ phần hóa đang hoạt động, về những định hướng của đầu tư từ Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong ngành nghề đó. Họ hỏi chúng tôi về yêu cầu niêm yết với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Với họ, minh bạch về quản trị là quan trọng hơn cả”, ông Thuân nói.

Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trước tiên tới sự minh bạch về quản trị doanh nghiệp

Với khẩu vị nhà đầu tư như vậy, có thể thấy rằng, thông tin về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được công bố chưa khớp được với nhu cầu của nhà đầu tư.

Tâm lý của những ông chủ giả

Ghi danh là người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng như ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, thì họ chỉ là những ông chủ giả của doanh nghiệp nhà nước.

“Vì làm chủ nhờ tiền nhà nước, nên tâm lý của các ông chủ doanh nghiệp nhà nước là chỉ cần bảo toàn vốn, không làm gì phá phách thì vẫn khỏe hơn rất nhiều khi phải cổ phần hóa, phải chạy theo các mục tiêu 10-15% cổ tức mà cổ đông giao cho”, ông Nghị thừa nhận.

Đương nhiên, với tâm lý làm chủ giả dễ hơn, việc đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nhiệt tình với cổ phần hóa, nhất là với các yêu cầu về công bố thông tin, minh bạch và chuyên nghiệp trong quản trị trở thành nhiệm vụ khó khăn.

Tất nhiên, ông Nghị giờ không hẳn là ông chủ giả. Vinatex đã hoàn tất cổ phần hóa vào năm 2015. HĐQT Công ty vừa thống nhất việc đăng ký giao dịch cổ phiếu của Vinatex lên thống giao dịch UpCOM trước ngày 31/12/2016 tới. Nhưng, như ông nói, tâm lý ông chủ giả khá phổ biến, chi phối rất nhiều hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ông chủ giả ở đây không chỉ là các vị lãnh đạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhà nước mà còn là những người được giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp đang làm ở các bộ chủ quản.

“Ngay cả về tỷ lệ nhà nước nắm giữ trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng đang bị chi phối bởi tâm lý này. Nếu ông chủ giả nào muốn yên vị đến lúc về hưu thì đương nhiên, họ sẽ đề xuất vốn nhà nước chi phối. Còn nếu muốn doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, chúng tôi muốn giảm tỷ lệ vốn nhà nước để giảm thiểu các thủ tục xin ý kiến. Hiện tại, đường cho chạy 150 km/giờ mà xe chỉ được chạy 80 km/giờ thì sốt ruột lắm”, ông Nghị nói.

Đây chính là lý do ông Nghị cho rằng, Chính phủ nên có đặc phái viên tại các doanh nghiệp trong danh sách cổ phần hóa để giải tỏa tâm lý này.

Cơ hội vẫn treo trong các phương án cổ phần hóa

Nhìn vào tỷ lệ khoảng 2% vốn nhà nước được bán ra trong cả giai đoạn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vừa qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bình luận, cơ hội mà giới đầu tư đang trông vào sự rút chân của nhà nước ở những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ rất lớn.

Vẫn chưa nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được đổi từ chủ giả qua chủ thật như ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Vinatex

Nhưng, câu hỏi mà ông Lộc đang đặt ra, đó là 98% vốn mà nhà nước đang nắm giữ trong số 718 doanh nghiệp nhà nước, trong đó dự kiến sẽ thoái phần lớn, có thực sự trở thành cơ hội với các nhà đầu tư không hay là chỉ treo trong các phương án cổ phần hóa lại không dễ trả lời.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đang cho thấy cơ hội với giới đầu tư không quá nhiều như họ kỳ vọng. Trong số DNNN, có 63% doanh nghiệp nhà nước còn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, trong đó có 16% số doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ.

"Câu hỏi "98% vốn mà nhà nước đang nắm giữ trong số 718 doanh nghiệp nhà nước, trong đó dự kiến sẽ thoái phần lớn, có thực sự trở thành cơ hội với các nhà đầu tư không hay là chỉ treo trong các phương án cổ phần hóa" lại không dễ trả lời.

Ngay cả với các doanh nghiệp đã tiến hành IPO, tính bình quân, Nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn điều lệ tại doanh nghiệp, Nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ 9,5%, nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 7,3%, người lao động và tổ chức công đoàn nắm giữ 2,2%.

Điều đáng nói, theo ông Lộc, cổ phần hóa chậm, thiếu thực chất không chỉ khiến Chính phủ không đạt được mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực này, mà còn khiến các nhà đầu tư tư nhân thiếu niềm tin vào các kế hoạch cổ phần hóa mà Nhà nước công bố, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

“Ở góc độ thị trường, cổ phần hóa là cách trả lại cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân ở cả hai góc độ, dung lượng thị trường và sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Nói một cách thẳng thắn thì chính sân chơi bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân, để DNNN đối mặt với kỷ luật thị trường, làm tốt sẽ hưởng lợi và làm ăn không hiệu quả sẽ phải chấp nhận thua lỗ, phá sản... là cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp tư nhân”, ông Lộc nói.

Ánh Tuyết

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…