Năm 2005, MobiFone, khi đó vẫn thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đã khởi động kế hoạch cổ phần hóa theo quyết định của Chính phủ.
Trên thực tế, ngoài việc chính bản thân MobiFone thực hiện các quy trình mang tính nội bộ từ bên dưới, các thủ tục ở công ty mẹ (VNPT) gần như không tiến triển dù rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nước ngoài rất quan tâm.
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam đạt tới đỉnh năm 2007, mối quan tâm dành cho cổ phần hóa mạng di động có lãi nhất Việt Nam lúc đó là cực lớn nhưng VNPT – công ty mẹ phụ trách đệ trình phương án lại rất im ắng.
Thời điểm đó, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ: “Nói thẳng ra là VNPT chưa muốn cổ phần hóa MobiFone nên không đẩy mạnh việc trình kế hoạch”. Thời điểm đó, MobiFone chiếm gần 80% lợi nhuận của VNPT.
Năm 2008, Credit Suisse được chọn làm tổ chức tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone và đưa ra mức định giá khoảng 2 tỷ USD với mạng di động này vào đầu năm 2009. Tiến trình cổ phần hóa tưởng sắp được hoàn tất.
Thế nhưng, bất chấp các chuẩn bị đầy đủ từ phía MobiFone, các cảnh báo, thúc ép về cổ phần hóa của các cơ quan thuộc Chính phủ, VNPT vẫn “bình chân như vại” trong việc trình phương án cho tới tận năm 2011.
Đây là thời điểm Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông ra đời buộc VNPT thoái vốn ở MobiFone hoặc VinaPhone.
Cụ thể, nghị định không cho phép các cá nhân, tổ chức đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường.
Nói cách khác VNPT phải nhanh chóng cổ phần hóa MobiFone hoặc “mất” mạng di động này vĩnh viễn.
Trước đó, quy định về tỷ lệ 20% này đã được dự thảo và lấy ý kiến tất cả các công ty viễn thông, với VNPT là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Thế nhưng, điều thú vị là một quy định dự kiến có ảnh hưởng cực kỳ lớn đến toàn bộ Tập đoàn VNPT nhưng lại được chấp thuận nhanh chóng và không có phản đối nào từ phía VNPT được dư luận biết đến.
Câu chuyện chỉ bùng phát khi báo chí đăng tải các quy định cụ thể của Nghị định 25 với viễn cảnh VNPT chắc chắn “mất” MobiFone. Nhưng ngay cả khi đã có quy định rồi, công ty mẹ của MobiFone vẫn chưa muốn cổ phần hóa và tiếp tục trì hoãn.
Năm 2012, VNPT lại đề nghị chưa cổ phần hóa MobiFone mà sẽ tiến hành cổ phần hóa toàn bộ Tập đoàn trước. Đây được coi như một kế hoãn binh để không phải cổ phần hóa MobiFone hoặc để mạng này "ra riêng" bởi viêc cổ phần hóa VNPT với nhiều đơn vị hạch toán phụ thuộc sẽ tốn công sức, thời gian và phức tạp hơn nhiều.
Đây là chưa kể thời điểm đề nghị thì VNPT cũng chưa có đơn vị tư vấn cổ phần hóa, trong khi MobiFone đã hoàn tất việc tư vấn và định giá từ Credit Suisse.
Thời điểm rộ lên thông tin về MobiFone bắt buộc phải “ra riêng”, một lãnh đạo của Trung tâm thông tin Bưu điện còn trả lời phỏng vấn khẳng định là việc này không đúng, để sau đó lãnh đạo cấp cao của VNPT phải lên tiếng đính chính.
Đề xuất chưa cổ phần hóa MobiFone bị bác, VNPT lại tiếp tục đệ trình phương án tách MobiFone nhưng phải đi kèm với điều kiện là “cõng theo” hàng loạt doanh nghiệp làm ăn thua lỗ của VNPT. Tuy nhiên, yêu cầu này cũng không được chấp thuận và MobiFone sau đó được tách riêng độc lập khỏi VNPT kể từ năm 2014.
Kể từ thời điểm này, theo Quyết định số 888/QĐ-TTg, VNPT từ chỗ là một công ty sở hữu 2 mạng di động, chỉ còn 1 mạng VinaPhone và mất đi “con gà đẻ trứng vàng” lớn nhất nhưng chưa kịp chuẩn bị cho thời hậu MobiFone.
Mạng di động đầu tiên tại Việt Nam được đổi tên thành Tổng công ty Thông tin di động (MobiFone) và dự kiến hoàn thành phương án cổ phấn hóa năm 2014, thực hiện xong trong năm 2015. Tuy nhiên, câu chuyện cổ phần hóa MobiFone chưa diễn ra đúng kế hoạch thêm một lần nữa.
>> Bán toàn bộ vốn nhà nước tại Hapro