Trên thị trường chứng khoán từ đầu năm 2024 đến nay, hàng loạt cổ phiếu công nghệ - viễn thông như FPT của Công ty Cổ phần FPT, CMG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, ELC của Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom… đều ghi nhận nhịp tăng tích cực và đang giao dịch ở vùng giá đỉnh lịch sử.
ĐUA NHAU VƯỢT ĐỈNH
Dẫn đầu đà tăng trưởng của nhóm công nghệ không thể không kể đến cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT. Trong phiên giao dịch ngày 12/6, cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức 130.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng khoảng 58% so với đầu năm.
Tính từ đầu năm đến nay, cổ đông của FPT liên tục được “lên đỉnh” khi mã cổ phiếu này đã có 27 lần đóng cửa ở mức cao nhất trong lịch sử giao dịch. Còn xa hơn trong vòng 1 năm trở lại đây, thị giá cổ phiếu FPT đã tăng gấp 2,2 lần. Giá trị vốn hóa của FPT theo đó cũng lập kỷ lục mới, đạt khoảng 166.111 tỷ đồng và trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu FPT đến từ “cái bắt tay” với ông lớn Nvidia để thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây trên toàn cầu. Theo biên bản ghi nhớ, FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây dựng AI Factory cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam.
Nhà máy bao gồm các hệ thống siêu máy tính hoạt động trên công nghệ mới nhất của Nvidia (bao gồm bộ ứng dụng - khung công nghệ phát triển NVIDIA AI Enterprise và chip đồ họa GPU H100 Tensor Core).
Một cổ phiếu công nghệ khác thuộc “họ” FPT là FOX của Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) cũng vươn lên vùng đỉnh lịch sử, hiện đang giao dịch quanh mức 105.000 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 12/6. Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu FOX đã tăng gấp đôi giá trị.
Cùng chiều với đà tăng của giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh của FOX cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực. Cụ thể, trong quý đầu tiên của năm 2024, FOX thu về 4.012 tỷ đồng doanh thu thuần và 660,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 5,9% và 13,9% so với cùng kỳ quý 1/2023.
Không đứng ngoài cơn sóng tăng của nhóm ngành, cổ phiếu CMG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC cũng mang đến niềm vui lớn cho cổ đông khi liên tiếp phá đỉnh để leo lên mức 69.400 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 12/6. Qua đó đưa vốn hóa của CMC đạt khoảng 13.216 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu ELC của Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom cũng nằm trong đợt sóng tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ nói chung. Từ đầu năm tới nay, thị giá cổ phiếu ELC đã tăng hơn 34% và đang giao dịch quanh mức giá 27.950 đồng/cổ phiếu.
Đà tăng phi mã của nhóm cổ phiếu công nghệ - viễn thông cũng diễn ra đối với nhóm cổ phiếu có vốn hoá vừa và nhỏ. So với đầu năm 2024, thị giá cổ phiếu VGI của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) tăng 240,3%, TTN của Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông tăng 153,6%, ITD của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong tăng 72%...
CÒN NHIỀU ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG
Theo nhận định của các chuyên gia, cổ phiếu công nghệ đang chiếm lĩnh sự quan tâm trên thị trường chứng khoán toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Do đó, dù số lượng cổ phiếu nhóm ngành công nghệ trên sàn không nhiều nhưng vẫn đủ sức “quyến rũ” các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh nhóm ngành này được dự báo sẽ hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực.
Nhận định về triển vọng nhóm ngành công nghệ - viễn thông, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) kỳ vọng nhóm ngành này sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tiếp tục tăng trên 15%.
Đồng thời, xu hướng phát triển AI, Big Data, Cloud sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong thời gian tới. Từ đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong khâu sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn.
Theo Agriseco Research, động lực tăng trưởng cho ngành công nghệ thông tin đến từ những yếu tố:
Đầu tiên, xuất khẩu phần mềm duy trì tăng trưởng 2 chữ số nhờ các thị trường nước ngoài gia tăng nhu cầu chuyển đổi số, trong đó có thị trường Nhật Bản và APAC.
Bên cạnh đó, ngành công nghệ thông tin trong nước duy trì đà tăng trưởng cùng với xu hướng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Theo HSBC, 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo.
Cuối cùng, nền tảng hạ tầng số phát triển khi mạng 4G, 5G dần được thương mại hóa và nhiều trung tâm dữ liệu đi vào hoạt động trong các quý tới giúp gia tăng tỷ lệ sử dụng internet, qua đó tăng doanh thu cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong thời gian tới.
Còn theo dự báo của Gartner, dịch vụ công nghệ thông tin sẽ vươn lên trở thành lĩnh vực chi tiêu lớn nhất của ngành công nghệ với giá trị dự kiến 1.501 tỷ USD, chiếm 30% tổng giá trị thị trường công nghệ thông tin toàn cầu, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Sự gia tăng này đến từ nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án chuyển đổi số và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Cùng với nhóm công nghệ thông tin, Agriseco Research nhận định ngành viễn thông dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng về lợi nhuận nhờ đẩy mạnh phát triển 5G, tạo động lực cho hoạt động viễn thông. Theo đó, năm 2024 - 2025 được kỳ vọng là giai đoạn triển khai rộng khắp mạng 5G ở các tỉnh thành. Mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100% dân số kết nối 5G.
Đồng thời, Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển và xây dựng trung tâm dữ liệu (Data center) tạo cơ sở hạ tầng cho hoạt động viễn thông phát triển. Theo Gartner, việc phát triển Data Center sẽ giúp thúc đẩy 15% doanh thu hàng năm cho mảng viễn thông.