Cổ phiếu công nghệ tiếp tục là động lực cho Phố Wall

Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng điểm khi cổ phiếu liên quan đến công nghệ kéo dài đà tăng mạnh gần đây…
Phố Wall

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 141,43 điểm, tương đương 0,43%, lên 32.859,03 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 23,02 điểm, tương đương 0,57%, lên 4.050,83 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 87,24 điểm, hay 0,73%, thành 12.013,47 điểm.

Chỉ số công nghệ S&P 500 tăng 1,1%, mang lại cho S&P 500 đà tăng mạnh nhất. Trong khi đó, chỉ số chất bán dẫn Philadelphia đạt mốc cao nhất trong gần một năm. Mức tăng của phiên phần lớn nhờ vào sự lạc quan của các nhà đầu tư rằng tình hình suy giảm doanh số bán chip đã chấm dứt. 

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Alibaba Group Holding đã tăng 3,5% sau một báo cáo cho thấy đơn vị kinh doanh hậu cần của tập đoàn đã bắt đầu chuẩn bị cho đợt phát hành IPO đầu tiên tại Hồng Kông. Một công ty Trung Quốc khác, JD.Com, cũng ghi nhận mức tăng 7,8% nhờ kế hoạch tách khỏi bộ phận cơ sở hạ tầng bất động sản. 

Ở mảng ngân hàng, cổ phiếu các ngân hàng khu vực của Mỹ giảm điểm khi chính quyền TT Mỹ Joe Biden kêu gọi các quy tắc chặt chẽ hơn nhằm củng cố các tổ chức tài chính quy mô vừa và nhỏ mà không cần phải thông qua Quốc hội.

Chỉ số ngân hàng khu vực KBW cuối phiên giảm 2% và chỉ số tài chính S&P 500 giảm 0,3%. Đây là lĩnh vực duy nhất thuộc S&P 500 ở mức âm trong ngày. Tình trạng hỗn loạn ngân hàng, bắt đầu vào đầu tháng này với sự sụp đổ của hai tổ chức cho vay khu vực của Mỹ - ngân hàng Silicon Valley và Signature - đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn. 

Chỉ còn một ngày nữa kết thúc quý đầu tiên trong năm. Trong giai đoạn này, lĩnh vực công nghệ và dịch vụ truyền thông dẫn đầu, ghi nhận lần lượt các mức tăng là 20% và 18%. Nasdaq đang trên đà đạt mức tăng phần trăm hàng quý lớn nhất kể từ cuối năm 2020.

S&P 500 đã ghi nhận 8 mức cao mới trong 52 tuần và không có mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 63 mức cao mới và 151 mức thấp mới.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 10,36 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 12,68 tỷ cổ phiếu cho cả phiên trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Vào ngày cuối tháng 31/3, các nhà đầu tư sẽ nhận được báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - một trong những chỉ số đo lường lạm phát yêu thích của Fed - cho tháng 2 sau khi số liệu tháng 1 cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh. 

Trước đó, ba quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất cao hơn nhằm giảm lạm phát. Họ cũng lưu ý thêm rằng các vấn đề của ngành ngân hàng có thể tạo ra những cơn gió ngược cho nền kinh tế. Các nhà quan sát hiện đang đặt cược 55% cơ hội Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 2 và 3/5, công cụ FedWatch cho thấy. 

Tuy nhiên, dữ liệu mới đây cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước tăng nhiều hơn dự kiến, cho thấy thị trường lao động đang dần hạ nhiệt. Cùng với đó, ở một báo cáo kinh tế riêng biệt, tăng trưởng GDP quý 4/2022 của Mỹ đã thấp hơn một chút ở mức 2,6% so với ước tính trước đó là 2,7%. Cả hai dữ liệu trên đều là tín hiệu mà các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế cần tới một chính sách mềm mỏng hơn từ Fed. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm