Từ những phản ánh của một số nhà đầu tư đối với thông tin lan truyền trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội có liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex nói chung và mã cổ phiếu GEX nói riêng, sau khi ghi nhận, kiểm tra, Tập đoàn Gelex cho biết, đây là các thông tin sai sự thật.
Trong thông cáo gửi nhà đầu tư, phía Gelex nêu rõ: “Những thông tin này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý nhà đầu tư, khách hàng, gây mất niềm tin vào hình ảnh, uy tín của tập đoàn. Qua đó, xâm phạm quyền lợi của cổ đông tập đoàn. Trong suốt quá trình hoạt động, Gelex luôn coi trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Với tư cách là một công ty đại chúng quy mô lớn, tập đoàn đã thực hiện công bố kịp thời và đầy đủ mọi thông tin chính thống về tập đoàn theo quy định".
Doanh nghiệp cho biết việc các cá nhân, tổ chức đưa các thông tin sai sự thật về tập đoàn nói chung và mã cổ phiếu GEX nói riêng là hành vi có thể có dấu hiệu của tội vu khống, thao túng thị trường, gây lũng đoạn, mất an ninh an toàn thị trường.
Tập đoàn Gelex nhấn mạnh: "Nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tập đoàn nói chung và các cổ đông, các nhà đầu tư nói riêng, Gelex sẽ thông tin đến các cơ quan chức năng có liên quan để làm rõ nguồn gốc, mục đích của các thông tin sai sự thật; cũng như làm rõ động cơ của các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này nhằm xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật".
Trong phiên giao dịch ngày 26/6, cổ phiếu GEX là một trong các mã tâm điểm khi chứng kiến áp lực bán tháo từ sớm, nhiều thời điểm đã chạm về giá sàn 19.200 đồng/cổ phiếu, trước khi được kéo ngược về cuối phiên. Thanh khoản cũng nhảy vọt lên hơn 48 triệu cổ phiếu, là phiên khớp lệnh cao nhất lịch sử.
Nguyên nhân dẫn tới giao dịch đột biến phiên 26/6 liên quan tới tin đồn Gelex bán các dự án điện.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo Gelex đang triển khai tái cấu trúc các mảng kinh doanh cũng như nắm bắt các cơ hội hợp tác quốc tế.
Phía Gelex cho biết công ty có chủ trương cơ cấu lại danh mục các dự án điện đã vận hành trong hệ thống thông qua việc thoái tối đa hoặc toàn bộ cổ phần/phần vốn góp tại các công ty dự án điện này cho các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. Hiện tại, Gelex đang trong quá trình làm việc, thương thảo để đi đến thống nhất và hoàn tất giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài.
Tập đoàn Gelex có 5 dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, bao gồm: Dự án nhà máy điện gió Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3 (50 MW); và các Dự án nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 đã được công nhận vận hành thương mại, đủ điều kiện để được hưởng giá điện ưu đãi (8,5 cents/kWh trong vòng 20 năm, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Ông Nguyễn Trọng Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết Gelex đang quản lý, vận hành khoảng 260 MW. Tập đoàn cũng cần đối tác lớn hỗ trợ trong quá trình phát triển dự án, thực hiện đầu tư, quản lý và vận hành dự án. Vì vậy, Tập đoàn Gelex sẽ có chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư năng lượng tái tạo bằng việc mời gọi tổ chức, định chế lớn để tối ưu nguồn vốn và có nguồn lực để theo đuổi các dự án lớn.
Đó là lý do Gelex muốn thoái vốn một phần để mời gọi các đối tác cùng song hành trên các dự án đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng, công nghệ và việc vận hành các nhà máy hiện hữu. Qua đó, Tập đoàn Gelex cũng tối ưu được năng lực tài chính, chi phí vốn tốt hơn để có cơ hội tái đầu tư.
Về tiến độ, tới thời điểm họp đại hội, lãnh đạo Tập đoàn Gelex thông tin đang trong quy trình làm việc với các định chế lớn. Phó Chủ tịch Gelex kỳ vọng sẽ có những bước tiến tốt trong năm 2023.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/6, giá cổ phiếu GEX ghi nhận ở mức 19.900 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của công ty trên thị trường đạt khoảng 17.000 tỷ đồng.