Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc chính thức đưa cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) và cổ phiếu HBC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vào giao dịch trên thị trường UPCoM.
Cụ thể, hơn 347,2 triệu cổ phiếu HBC sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM từ ngày 18/9 tới với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 5.700 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, 1,1 tỷ cổ phiếu HNG cũng được chấp thuận giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 4.600 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC từ ngày 6/9/2024 với lý do Xây dựng Hòa Bình có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2020.
Cùng khoảng thời gian trên, HOSE cũng quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG của HAGL Agrico kể từ ngày 6/9/2024. Lý do hủy niêm yết bởi doanh nghiệp này có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán các năm 2021, 2022 và 2023, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Về kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam, Xây dựng Hoà Bình ghi nhận doanh thu đạt 3.812 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 829,6 tỷ đồng, tăng khoảng 90 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
Phần chênh lệch chủ yếu đến từ doanh thu tài chính sau soát xét tăng gần 36 tỷ đồng do ghi nhận thêm lãi chậm thanh toán từ khách hàng. Phần lợi nhuận khác cũng tăng 37 tỷ đồng sau soát xét.
Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán đã nhấn mạnh tại thời điểm 30/6/2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 2.403 tỷ đồng và một số khoản nợ quá hạn thanh toán.
“Những dấu hiệu này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hoà Bình”, Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam nhấn mạnh.
Tương tự, đối với báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2024 của HAGL Agrico, được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, kiểm toán viên cũng lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.
Lý do là HAGL Agrico đã phát sinh khoản lỗ thuần 363 tỷ đồng, lỗ lũy kế 8.466 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 10.345 tỷ đồng và vi phạm một số điều khoản của các khoản vay.
“Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty”, kiểm toán viên nhấn mạnh.
Về vấn đề này, HAGL Agrico cho biết công ty đang tiếp tục triển khai các dự án để đảm bảo dòng tiền hoạt động kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu một số khoản nợ và làm việc với các bên liên quan giải quyết công nợ và nhận lại các chứng nhận quyền sử dụng đất các dự án tại Lào và Campuchia, để triển khai pháp lý đầu tư dự án và huy động nguồn vốn để có dòng tiền đầu tư.
Trên cơ sở này, công ty đã lập và trình bày báo cáo tài chính 6 tháng năm 2024 đáp ứng giả định hoạt động liên tục trong vòng 12 tháng tới.
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024 cho thấy, công ty nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương ghi nhận doanh thu thuần của đạt 147,1 tỷ đồng, giảm 47,1% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ sau thuế 363,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 247 tỷ đồng cùng kỳ. So với báo cáo tự lập, khoản lỗ ròng bán niên đã giảm khoảng 6,2 tỷ đồng, chủ yếu do công ty điều chỉnh giảm giá vốn hàng bán.
HAGL Agrico cho biết, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu mảng cây ăn trái của công ty chỉ đạt 87 tỷ đồng, sản lượng 7.193 tấn, giảm 54% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do trong kỳ, doanh nghiệp chỉ tập trung chăm sóc và khai thác trên 971 ha diện tích vườn chuối có hiệu quả, trong khi cùng kỳ là 1.986 ha. Phần diện tích còn lại đã dừng chăm sóc để tập trung nguồn lực tiến hành đầu tư mới đối với hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất…
Ngoài ra, doanh thu mảng cây cao su chỉ đạt 58 tỷ đồng, sản lượng 1.721 tấn chủ yếu do tình trạng thiếu công nhân cạo mủ. Bên cạnh đó, chi phí giá vốn vườn cây lớn chủ yếu là chi phí khấu hao dẫn đến doanh thu không bù đắp đủ chi phí.