Cổ phiếu DPC, POM và QBS tái xuất trên sàn UPCoM

Sau khi bị huỷ niêm yết bắt buộc, cổ phiếu DPC sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM vào ngày 28/5 tới đây, còn cổ phiếu POM và QBS cùng giao dịch trở lại từ ngày hôm nay 23/5…

Cổ phiếu DPC, POM và QBS tái xuất trên sàn UPCoM
Cổ phiếu DPC, POM và QBS tái xuất trên sàn UPCoM

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo chấp thuận hơn 2,2 triệu cổ phiếu DPC của Công ty Cổ phần Nhựa Đà Nẵng giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 28/5 tới đây, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 6.700 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, HNX đã ban hành quyết định về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu DPC từ ngày 14/5/2024. Nguyên nhân được đưa ra là Nhựa Đà Nẵng có tổng số lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 vượt quá vốn điều lệ thực góp, thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023, lỗ luỹ kế của Nhựa Đà Nẵng tại ngày 31/12/2023 là 23,9 tỷ đồng, trong đó lỗ luỹ kế năm 2022 là hơn 16,5 tỷ đồng và lỗ luỹ kế năm 2023 là 7,3 tỷ đồng.

Về kết quả hoạt động kinh doanh quý 1/2024, Nhựa Đà Nẵng tiếp tục báo lỗ sau thuế hơn 953 triệu đồng.

Tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của công ty đạt 76,2 tỷ đồng, phần lớn là tài sản dài hạn chiếm 65,4 tỷ đồng, còn lại 10,8 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn.

Đáng chú ý, tổng số nợ phải trả cao gấp đôi vốn chủ sở hữu, trong đó nợ phải trả là 50,7 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu tính đến hết quý 1/2024 đạt 25,4 tỷ đồng.

Song song với đó, mới đây HNX cũng thông báo chấp thuận hơn 279,6 triệu cổ phiếu POM của Công ty Cổ phần Thép Pomina và hơn 69,3 triệu cổ phiếu QBS của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình chính thức giao dịch trên UPCoM.

Theo đó, ngày giao dịch đầu tiên của 2 cổ phiếu trên là ngày 23/5/2024 với giá tham chiếu lần lượt là 2.800 đồng/cổ phiếu và 1.300 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, cổ phiếu POM và QBS đã bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE từ ngày 10/5/2024. Lý do huỷ niêm yết bắt buộc do Thép Pomina vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp. Còn Xuất nhập khẩu Quảng Bình bị tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2023 của công ty.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2024, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 471,4 tỷ đồng, giảm 71,3% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu khiến công ty lỗ gộp 6,4 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu giảm mạnh nhưng các chi phí cố định trong kỳ vẫn phát sinh hơn 4,3 tỷ đồng, bao gồm chi phí tài chính hơn 145,6 tỷ đồng, chi phí bán hàng 3,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 55,1 tỷ đồng.

Kết quả, Thép Pomina tiếp tục báo lãi sau thuế âm 225,1 tỷ đồng trong quý 1/2024. Theo giải trình của công ty, nhà máy thép Pomina 3 và nhà máy Pomina 1 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh chịu nhiều chi phí như chi phí quản lý, chi phí lãi vay… Trong đó chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng nhiều nhất dẫn đến kết quả kinh doanh quý 1 thua lỗ. Trong bối cảnh đó, công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc và có thể sản xuất lại trong thời gian sớm nhất.

Đối với Xuất nhập khẩu Quảng Bình, kết thúc quý 1/2024, doanh thu thuần của công ty chỉ vỏn vẹn ở mức 21,3 tỷ đồng. So với cùng kỳ, doanh thu quý này giảm tới 7,2 lần.

Kéo theo đó, lợi nhuận gộp chỉ đạt 3,1 triệu đồng, giảm mạnh 101,1 lần so con số 381,7 triệu đồng của quý 1/2023. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 57,8% còn 65,3 triệu đồng.

Khấu trừ chi phí, Xuất nhập khẩu Quảng Bình lỗ sau thuế hơn 7 tỷ đồng trong quý 1/2024, trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng 16,7 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2024, tổng số nợ phải trả của công ty là 33,1 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu tính đến hết quý 1/2024 đạt 437,4 tỷ đồng, giảm 15,9% so với số đầu năm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Tổng hợp lịch đại hội cổ đông 2025 của các công ty chứng khoán

Tổng hợp lịch đại hội cổ đông 2025 của các công ty chứng khoán

Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của các công ty chứng khoán đang đến gần, với nhiều kế hoạch kinh doanh tham vọng được công bố. Những con số ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận phản ánh kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ sau một năm đầy biến động...

Việt Nam lên hạng chứng khoán: Lợi cả trăm bề

Việt Nam lên hạng chứng khoán: Lợi cả trăm bề

Khi thời điểm công bố báo cáo giữa kỳ của FTSE Russell về kết quả xếp hạng thị trường đang đến gần, thị trường đang xôn xao trở lại về khả năng Việt Nam được nâng hạng từ thị trường "cận biên" lên thị trường "mới nổi" trong năm 2025...

Thị trường phân hóa, áp lực điều chỉnh gia tăng

Thị trường phân hóa, áp lực điều chỉnh gia tăng

VN-Index điều chỉnh sau chuỗi tăng mạnh, kết phiên ngày 26/3 giảm 5,83 điểm xuống 1.326 điểm, VN30 giảm 7,32 điểm còn 1.381 điểm. Thị trường phân hóa rõ nét, thanh khoản giảm, khối ngoại tiếp tục bán ròng 515 tỷ đồng, trong khi các chuyên gia khuyến nghị thận trọng và ưu tiên quản trị rủi ro...

FTSE Vietnam 30 Index chốt sổ: DIG bị loại, VPI lọt rổ

FTSE Vietnam 30 Index chốt sổ: DIG bị loại, VPI lọt rổ

FTSE Vietnam 30 Index vừa hoàn tất kỳ đánh giá quý 1/2025, loại bỏ DIG và bổ sung VPI vào danh mục của Fubon ETF. Sự thay đổi này phản ánh chiến lược điều chỉnh của các quỹ ETF ngoại, ảnh hưởng đến dòng vốn và xu hướng thị trường...