Loạt cổ phiếu UPCoM bị đình chỉ giao dịch từ đầu tháng 6

Do không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch trước đó, hàng loạt cổ phiếu đã bị HNX đưa vào diện đình chỉ giao dịch từ ngày 3/6/2024. Đáng lưu ý, nhiều mã từng là cổ phiếu có thị giá cao và khối lượng giao dịch lớn cách đây 10 năm trước...

Loạt cổ phiếu UPCoM bị đình chỉ giao dịch từ đầu tháng 6

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố quyết định đình chỉ giao dịch hàng loạt cổ phiếu đang được niêm yết trên sàn UPCoM từ ngày 3/6/2024.

Trong đó, bao gồm KSH của Công ty Cổ phần Damac GLS, NHP của Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP, PSG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn, DPS của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sóc Sơn, PVA của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An, SJC của Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01, CLG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà đất Cotec, TBH của Công ty Cổ phần Tổng Bách Hóa và PPI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương.

Lý do là các doanh nghiệp này không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch trước đó. Trong đó, có công ty không họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2 năm tài chính gần nhất kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính; ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ 1 năm trở lên; vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán các năm trước; tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính; chậm nộp các báo cáo tài chính đã được soát xét hoặc là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định.

Nhiều cổ phiếu bị hạn chế giao dịch từ nhiều năm nay, như NHP bị hạn chế giao dịch từ giữa năm 2021, trước đó cổ phiếu này bị hủy niêm yết trên sàn HNX. SJC hay DPS cũng ở tình trạng tương tự, còn CLG rời sàn HOSE từ tháng 4/2021.

Đáng chú ý, đây từng là các cổ phiếu được mua bán sôi động hơn chục năm về trước, có lúc khối lượng mua bán trung bình mỗi phiên đạt con số hàng triệu. Tuy nhiên đến nay, thị giá của nhóm này đã phải “dừng chân” tại mức vài trăm đồng/cổ phiếu, ngoại trừ SJC (3.900 đồng/cổ phiếu) và TBH (13.100 đồng/cổ phiếu). Vốn hóa theo đó vỏn vẹn trong khoảng 10-30 tỷ đồng.

Điển hình như cổ phiếu KSH, vào thời hoàng kim cách đây chục năm trước, cổ phiếu này từng được giao dịch ở mức 85.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch trung bình lên đến khoảng 1,7 triệu cổ phiếu/phiên trong giai đoạn 2014-2019. Còn thời điểm “bong bóng” năm 2021-2022, thanh khoản cũng lên tới 10 triệu cổ phiếu/phiên. Quỹ ngoại America LLC từng nắm đến 11,84% vốn sở hữu tại KSH. Song đến nay, thị giá mã này chỉ còn 500 đồng/cổ phiếu.

Tương tự KSH, hai quỹ ngoại Pyn Fund Elite và Mutual Fund Elite (Non-Ucits) từng nắm tổng cộng hơn 10% vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC (mã chứng khoán: CLG).

Còn tại Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (mã chứng khoán: PVA), ban lãnh đạo quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh 1 năm từ giữa năm 2022 do gặp khó khăn và không còn khả năng duy trì hoạt động.

Cổ phiếu CLG và PVA từng lên đỉnh năm 2010, lần lượt quanh 40.000 đồng/cổ phiếu và 87.000 đồng/cổ phiếu. Hai cổ phiếu này lúc này được giao dịch sôi động, trung bình khoảng 500 nghìn cổ phiếu/phiên đối với CLG và 2 triệu cổ phiếu/phiên đối với PVA.

Đồng cảnh ngộ, cổ phiếu TBH mới được giao dịch trên sàn trong 3 năm trở lại và từng lên đến 112.000 đồng/cổ phiếu - gấp gần 10 lần giá hiện tại,

Trong danh sách này, cái tên đáng chú ý nhất có lẽ là Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 (mã chứng khoán: SJC). Đây là tổ chức có liên quan tới bà Vũ Thị Thúy và ca sĩ Khánh Phương. Được biết, từ tháng 6 đến tháng 10/2022, ca sĩ Khánh Phương đã bắt đầu mua hơn 3 triệu cổ phiếu SJC, tăng tỷ lệ nắm giữ từ 0% lên đến 45,5%. Ngoài ra, ông còn tham gia Hội đồng quản trị của công ty vào cuối năm 2022.

Cùng với đó, Sông Đà 1.01 cũng quyết định bổ nhiệm bà Vũ Thị Thúy – vợ ca sĩ Khánh Phương trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của công ty, mặc dù chỉ nắm giữ vỏn vẹn 22 cổ phiếu SJC. Đáng nói là quyết định này đã được thông qua từ ngày 31/12/2022 nhưng sau 8 tháng, Sông Đà 1.01 mới công bố.

Sau hơn 1 năm gia nhập, hiện nay ông Phương đã không còn sở hữu cổ phiếu nào. Ngoài ra, công ty mà vợ ca sĩ Khánh Phương giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị là Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam cũng đã thoái sạch vốn và không còn là cổ đông của Sông Đà 1.01.

Động thái thoái vốn khỏi Sông Đà 1.01 của vợ chồng ca sĩ Khánh Phương diễn ra chỉ ít ngày trước khi bà Vũ Thị Thúy bị Công an thành phố Hà Nội tạm giữ khẩn cấp vào tháng 9/2023 vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 74 Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra cho thấy bà Vũ Thị Thúy, người từng có tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã quảng cáo sai sự thật về các dự án và cam kết trả lãi suất từ 34 - 46% để thu hút người dân đầu tư vào công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Sau đó, bà Thúy sử dụng tiền của người sau để trả lãi cho người trước. Với thủ đoạn trên, Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 cá nhân, với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

SJC được giao dịch sớm từ cuối năm 2007 và cũng là lúc giá lên mức cao nhất gần 45.000 đồng/cổ phiếu trước khi tuột dốc không phanh hơn 15 năm tiếp theo.

Cùng thời điểm, HNX cũng có quyết định đưa vào diện hạn chế giao dịch đối với 9 cổ phiếu gồm: LCM của Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai, RIC của Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia, SQC của Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn, PEC của Công ty Cổ phần Cơ khí Điện lực, TGG của Công ty Cổ phần The Golden Group, TTB của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ, DZM của Công ty Cổ phần Cơ điện Dzĩ An, IBC của Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings và KLF của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS.

Nguyên nhân do các doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định. Theo đó, các cổ phiếu trên sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần, áp dụng kể từ ngày 29/5.

Riêng các mã TGG, TTB, DZM, IBC và KLF được áp dụng kể từ ngày các cổ phiếu này được đưa ra khỏi diện bị đình chỉ giao dịch. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, các công ty phải có văn bản gửi HNX giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...