Kết thúc phiên 9/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 197,07 điểm (+0,59%) lên 33.604,65 điểm. S&P 500 thêm 27,16 điểm (+0,63%) thành 4.335,66 điểm và Nasdaq Composite tăng 52,90 điểm (+0,39%) ở mức 13.484,24 điểm.
Sau khi tăng cao tới 19,6 điểm trong phiên, chỉ số biến động CBOE, thường được gọi là "thước đo nỗi sợ hãi" của Phố Wall, kết thúc ở mức 17,70.
Một số tài sản trú ẩn an toàn truyền thống vẫn có nhu cầu, với vàng tăng 1,6% trong khi chỉ số USD từ bỏ mức tăng trước đó và giảm 0,18%.
Giá dầu tăng đã thúc đẩy ngành năng lượng, kết thúc phiên tăng 3,5% và trở thành ngành tăng mạnh nhất trong số 11 ngành công nghiệp chính của S&P 500. Halliburton, Marathon Oil Corporation và Hess Corporation là những mã tăng lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng. Chevron Corp tăng hơn 3% sau khi có thông báo rằng chính phủ Israel đã ra lệnh cho tập đoàn dầu mỏ ngừng sản xuất khí đốt tự nhiên tại giàn khoan Tamar ở Địa Trung Hải trong bối cảnh lo ngại về độ an toàn.
United Airlines, Delta Air Lines và American Airlines đều giảm hơn 4% do ảnh hưởng từ giá dầu. Nhiều hãng hàng không đã đình chỉ các chuyến bay thẳng đến Tel Aviv. Điều này gây áp lực lên chỉ số S&P 500 Passenger Airlines, giảm 3,7%.
Cổ phiếu của hàng loạt công ty quốc phòng đã phục hồi sau tin tức từ Israel, với chỉ số S&P 500 Aerospace & Defense kết thúc tăng 5,6%, mức tăng phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2020. Cổ phiếu tăng điểm lớn nhất là Northrop Grumman, thêm 11,4% và L3Harris Technologies tăng 9,96%.
Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) có liên quan đến Israel đều đang chịu cảnh bán tháo, với iShares MSCI Israel ETF giảm 7% trong khi ARK Israel Innovative Technology ETF mất 5%.
Tesla kết thúc phiên giảm nhẹ do dữ liệu từ Hiệp hội Xe Trung Quốc cho thấy doanh số bán hàng của hãng xe điện Mỹ tại quốc gia tỷ dân trong tháng 9 đã giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc và đối thủ cạnh tranh của Tesla là BYD đã chứng kiến doanh số bán hàng của mình tăng 42,8% lên 286.903 chiếc vào tháng trước.
8,71 tỷ cổ phiếu đã được giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ, thấp hơn so với mức trung bình 10,68 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.
Bên cạnh sự thúc đẩy của cổ phiếu năng lượng, các chỉ số chứng khoán đã đảo ngược được đà giảm trước đó nhờ những bình luận ôn hòa hơn của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
“Thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư cũng đang tập trung vào hai điều, nền kinh tế và thu nhập. Nền kinh tế Mỹ không chậm lại và thu nhập dự kiến sẽ thoát khỏi suy thoái với các báo cáo bắt đầu từ tuần này”, ông John Augustine, giám đốc đầu tư tại Ngân hàng Quốc gia Huntington cho biết.
Ông Augustine cũng tin rằng những yếu tố cơ bản đó có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trên thị trường so với các tiêu điểm địa chính trị cũng như báo cáo việc làm mạnh mẽ và những lo lắng về Fed vào cuối tuần trước.
Thị trường trái phiếu Mỹ đã đóng cửa vào thứ Hai để kỷ niệm Ngày Columbus, còn được gọi là Ngày của người bản địa.
Sự gia tăng gần đây của lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán. Áp lực đó giảm bớt khi lợi nhuận trong Quỹ giao dịch trái phiếu Mỹ iShares Core kỳ hạn 10 năm trở lên và quỹ ETF trái phiếu kho bạc iShares kỳ hạn 20 năm trở lên cho thấy lợi suất có thể giảm vào 10/10.
Trong khi đó, các quan chức Fed chỉ ra rằng mức tăng gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, có thể khiến Fed không tăng thêm lãi suất trong ngắn hạn. Điều này đã làm giảm bớt một số lo ngại của các nhà đầu tư.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng 4% trong ngày 9/10 khi các cuộc đụng độ quân sự giữa Israel và lực lượng Hamas làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột rộng hơn có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ Trung Đông.
Dầu thô Brent tăng 3,57 USD, tương đương 4,2%, ở mức 88,15 USD/thùng. Dầu thô WTI đóng cửa ở mức 86,38 USD / thùng, tăng 3,59 USD hay 4,3%. Ở mức cao nhất trong phiên, cả hai mức chuẩn đều tăng hơn 4 USD, tương đương hơn 5%.
Tuần trước, dầu Brent giảm khoảng 11% và dầu WTI giảm hơn 8%. Đây cũng là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3, do triển vọng kinh tế vĩ mô u ám làm gia tăng lo ngại về nhu cầu toàn cầu.
Rebecca Babin, nhà kinh doanh năng lượng cấp cao tại CIBC Private Wealth US, cho biết: “Kết quả nghiêm trọng nhất đối với nguồn cung và giá dầu thô là xung đột leo thang và lan rộng thành một cuộc chiến khu vực”.
Các nhà phân tích cho rằng giá dầu cao do xung đột có thể thúc đẩy lạm phát, buộc phải tăng lãi suất và có thể làm giảm nhu cầu.