Kết thúc phiên 3/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 430,97 điểm (-1,29%) thành 33.002,38 điểm, S&P 500 mất 58,94 điểm (-1,37%) còn 4.229,45 điểm và Nasdaq Composite trượt 248,31 điểm (-1,87%) xuống 13.059,47 điểm.
Chỉ số Dow Jones và Nasdaq ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 31/5.
Trong khi chỉ số Dow Jones giảm 0,4% trong năm nay thì Nasdaq vẫn tăng khoảng 25% kể từ ngày 31/12/2022 nhờ sự nhiệt tình đối với trí tuệ nhân tạo.
Chỉ số biến động CBOE, “thước đo nỗi sợ hãi” của Phố Wall, đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 24/5.
Trong ngày, tất cả - trừ duy nhất lĩnh vực tiện ích thuộc S&P 500 - đều đi xuống, nhiều nhất là mảng hàng tiêu dùng và công nghệ.
Cổ phiếu của Amazon.com và Microsoft giảm sau khi Reuters đưa tin cơ quan quản lý truyền thông Ofcom của Anh sẽ thúc đẩy một cuộc điều tra chống độc quyền về sự thống trị của các công ty này trên thị trường điện toán đám mây ở Anh.
McCormick & Company Incorporated mất hơn 8% dù cho đã nâng dự báo thu nhập cả năm, bất chấp doanh thu quý 3 giảm nhẹ so với ước tính của các nhà phân tích.
Cổ phiếu ngành năng lượng giảm chưa đến 1% do giá dầu phục hồi đã phần nào giúp kiểm soát đà giảm trước cuộc họp giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ vào 4/10. Valero Energy Corporation, Phillips 66 và Marathon Petroleum Corp là những cổ phiếu mất giá nhiều nhất.
Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 11,16 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,57 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Các nhà đầu tư đang sẵn sàng cho đợt báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 trong những tuần tới, với một số hy vọng kết quả có thể cung cấp những tín hiệu tích cực cho thị trường.
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu mới được công bố cho thấy cơ hội việc làm tại Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 8, làm dấy lên lo ngại về thị trường lao động thắt chặt. Một báo cáo quan trọng khác về thị trường việc làm sẽ được đưa ra vào cuối tuần này.
Các nhà đầu tư cũng tiếp tục theo dõi chặt chẽ lợi suất trái phiếu kho bạc chuẩn, ghi nhận mức cao nhất trong 16 năm vào 3/10.
Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments nhận xét: “Kịch bản mà hầu hết các nhà đầu tư đều mong đợi là Fed cuối cùng sẽ phải cắt giảm lãi suất ngắn hạn và chúng ta sẽ quay trở lại môi trường lãi suất thuận lợi. Nhưng viễn cảnh lãi suất cao trong thời gian dài hơn dường như chưa thể chấm dứt”. Chi phí vay cao hơn là một điều tiêu cực đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong một bình luận riêng biệt, chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết ngân hàng trung ương không cần phải vội vã để tăng lãi suất chính sách thêm một lần nữa, nhưng có thể sẽ còn rất lâu mới đến lúc phù hợp để cắt giảm lãi suất.
Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester tiết lộ bà sẵn sàng ủng hộ việc tăng lãi suất một lần nữa, có thể là tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 11.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu phục hồi vào 3/10 sau khi giảm xuống mức thấp nhất của ba tuần do áp lực bởi đồng USD và các tín hiệu kinh tế toàn cầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 21 cent lên 90,92 USD/thùng, sau khi có mức thấp nhất trong phiên là 89,50 USD.
Dầu thô WTI của Mỹ tăng 41 cent ở mức 89,23 USD/thùng. Mức thấp nhất trong phiên là 87,76 USD.
Vào đầu phiên, giá dầu đã có xu hướng đi xuống khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng so với các rổ tiền tệ chủ chốt khác.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group phân tích: “Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đáng kinh ngạc của lợi suất trái phiếu và USD, điều đó làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu đối với nhiên liệu trong tương lai”.