Diễn biến giá cổ phiếu QCG phiên giao dịch sáng nay 23/6/2017
Đây có thể xem là cổ phiếu có mức tăng trưởng thần kỳ nhất thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay bởi cách đây tròn 3 tháng, cổ phiếu QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã nằm ở đáy 4.300 đồng nhiều năm.
Bắt đầu từ ngày 22/3, QCG có khởi đầu với 7 phiên tăng trần với khối lượng giao dịch đạt thấp nhất 156.920 đơn vị/phiên (tương đương 1 tỉ đồng) và cao nhất là 1,485 triệu cổ phiếu/phiên (tương đương hơn 7,3 tỉ đồng).
Thị trường đã bắt đầu cảnh báo rủi ro với cổ phiếu này sau chuỗi 7 phiên tăng trần liên tiếp, tuy nhiên, QCG khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi kinh ngạc trước một đợt sóng mới, khi tăng trần 16 phiên liên tiếp từ ngày 26/4 đến 19/5.
Sự tăng giá bất thường của QCG diễn ra trong bối cảnh, hồi cuối tháng 3, Quốc Cường Gia Lai cho biết đã nhận tạm ứng tổng cộng 50 triệu USD (hơn 1.100 tỉ đồng) từ Công ty Cổ phần Đầu tư Sunny Island để tất toán nợ vay với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Trước đó, Quốc Cường Gia Lai đã ký với Sunny Island biên bản thoả thuận chuyển nhượng 100% quyền sở hữu một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho chính Sunny Island.
Dự án khu dân cư Phước Kiển được Quốc Cường Gia Lai thực hiện từ năm 2010, gồm khu phức hợp biệt thự, nhà phố, trung tâm thương mại và chung cư cao tầng với diện tích 93ha tại huyện Nhà bè, TP HCM. Dự án chưa được triển khai trong nhiều năm, khiến Quốc Cường Gia Lai gặp gánh nặng về lãi vay ngân hàng.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng dòng tiền về sẽ giúp Quốc Cường Gia Lai thực hiện một cuộc tái cơ cấu và lấy lại hào quang năm xưa.
Thời gian qua, kết quả kinh doanh của công ty rất lẹt đẹt dù quy mô vốn điều lệ gần 3.000 tỉ đồng, mà lợi nhuận sau thuế 2,41 tỉ đồng trong quý 1/2017, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016.
Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai đạt trên 8.200 tỉ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm 5.892 tỉ đồng (riêng dự án Phước Kiển chiếm 4.300 tỉ)
Năm 2016, Quốc Cường Gia Lai có doanh thu 1.507 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 44,6 tỉ đồng. Tính đến 31/12/2016, công ty có tổng tài sản 8.216 tỉ nhưng tổng nợ phải trả lên tới 4.209 tỉ, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Hiện tại, cổ phiếu QCG đang được không ít nhà đầu tư lớn trên thị trường “nhòm ngó”. Ông Lê Quốc Hưng (thường được gọi là Hưng Gimiko – một nhà đầu tư nổi tiếng trên thị trường chứng khoán) cùng vợ là bà Lê Thị Ngọc Nữ vừa trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này vào ngày 9/6/2017.
Vợ chồng ông Hưng và bà Nữ hiện đang sở hữu 14.055.000 cổ phiếu QCG, tương đương 5,11%. Trước đó, họ chỉ sở hữu gần 4,7 triệu cổ phiếu QCG (tương đương 1,71%).
Ông Hưng có tên trong danh sách cổ đông lớn của nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, như KSB của Công ty Khoáng sản và xây dựng Bình Dương, hay TCM của Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công. Đại gia này còn từng là cổ đông lớn của nhiều cổ phiếu TNT, ASM, TDC, CVT... - những cổ phiếu luôn có “sóng lạ” được giới đầu cơ để mắt.
Kết thúc phiên giao dịch 22/6, QCG tăng 700 đồng (2,4%) lên 29.300 đồng, vốn hóa thị trường Quốc Cường Gia Lai đạt 8.061 tỷ đồng.
>> Quốc Cường Gia Lai bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường