Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho rằng, chúng ta không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn phục vụ được cho xuất khẩu.
Trước đó, trả lời về điều hành phân phối, xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho biết: Bộ Công Thương đã chuẩn bị tất cả kịch bản lưu thông phân phối hàng hóa, không để thiếu cục bộ bất kỳ chỗ nào. Mặt khác, vụ lúa của Việt Nam gieo trồng nhanh, trong thời gian ngắn có thể phục hồi đáp ứng yêu cầu. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, Việt Nam vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Theo Lãnh đạo Bộ Công Thương, với sản lượng hiện nay chúng ta đã thu hoạch ở ĐBSCL khoảng 9 triệu tấn thóc, tương đương hơn 4 triệu tấn gạo, có thể khẳng định sẽ không bao giờ thiếu.
Còn theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sản xuất lúa năm 2020 dự kiến đạt 43,5 triệu tấn tóc. Nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 29,96 triệu tấn, xuất khẩu dự kiến 13-13,4 triệu tấn thóc (tương đương 6,5-6,7 triệu tấn gạo).
Báo cáo kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2020, Bộ NN-PTNT cho hay đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo kế hoạch sản xuất lúa năm nay.
Cụ thể, vụ Đông Xuân sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc, dự kiến thu hoạch xong trước 30/6.
Riêng vụ vụ Hè Thu, sản lượng ước lúa cả nước đạt 11 triệu tấn thóc, dự kiến thu hoạch từ 15/6-30/9. Vụ Thu Đông tại các tỉnh vùng ĐBSCL diện tích gieo cấy dự kiến 750 nghìn ha, thời gian tập trung thu hoạch từ 15/9-15/11, sản lượng ước đạt 4,2 triệu tấn thóc.
Vụ Mùa sản lượng ước đạt 8,2 triệu tấn thóc, dự kiến tập trung thu hoạch từ 15/9-31/12.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, tháng 2, giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng về cuối tháng trong bối cảnh thu hoạch lúa Đông Xuân được mùa, được giá. Tuy có chịu tác động ít nhiều từ hạn mặn vùng ven biển, nhưng phần lớn nông dân trúng mùa, giá lúa tăng lên so với đầu vụ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn cung toàn cầu giảm do tác động của biến đổi khí hậu, giá lúa gạo sẽ có lợi cho nông dân ĐBSCL.
Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước là 29,96 triệu tấn thóc. Trong đó, tiêu thụ của người dân khoảng 14,26 tiệu tấn thóc (tương đương 9,27 triệu tấn gạo); phục vụ chế biến 7,5 triệu tấn thóc, chăn nuôi 3,4 triệu tấn thóc; dùng làm giống, giống dự phòng 1 triệu tấn thóc.
Đặc biệt, trong 29,96 triệu tấn thóc này đã bao gồm dự trữ trong nước khoảng 3,8 triệu tấn thóc.
Riêng về phần xuất khẩu, Bộ NN-PTNT thông tin, tính đến 15/3, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 1,298 triệu tấn, tăng 26,5% và giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Dự báo, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5-6,7 triệu tấn (tương đương 13-13,4 triệu tấn thóc).
Chuyên gia ngành lúa gạo GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, Việt Nam bị hạn mặn, song chỉ ảnh tới tới 28.000 ha (trong khi đó diện tích đất lúa chiếm tới 4,1 triệu ha (PV)). Nhờ đó, nguồn cung gạo vẫn rất dồi dào, chưa kể hai vụ lúa liên tiếp vừa qua đều được mùa, sản lượng tăng mạnh. Riêng về các giống lúa, Việt Nam có lợi thế sở hữu những giống lúa ngắn ngày, cho thu hoạch nhanh, chất lượng gạo tốt. Thế nên, chúng ta có thể sản xuất 2-3 vụ/năm.
Ngày 25/3, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiểm tra đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định.