Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 46,8% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 38,3%; gạo nếp chiếm 8,4% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 5,9%. Về gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc chiếm 53%; Philippines chiếm 19,6%.
Trong 6 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 33,7% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Bờ Biển Ngà, tăng 67%, Hong Kong (Trung Quốc) tăng 60% và Ả rập Xê út tăng 38%. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 431 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018.
năm nay nông sản toàn cầu đều giảm về giá từ 5 - 15%; trong đó đặc biệt là lúa gạo. Giá lúa gạo giảm sâu, giảm nhiều trên tất cả các phân khúc.
Nguyên nhân là sau tác động của El Nino (cuối 2015, nửa đầu 2016) làm cho sản lượng lương thực chung toàn cầu giảm. Các nước buộc phải cân đối lại kho dự trữ nên thị trường lúa gạo năm 2018 rất tốt, cả về sản lượng và giá trị. Giá gạo Việt Nam đã đạt kỷ lục bình quân hơn 500 USD/tấn. Tuy nhiên, năm 2019 nguồn cung dự trữ kho của các nước lớn, đều đã dự trữ cân đối đủ.
Thời gian tới, xuất khẩu gạo cần được tiếp tục đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến thị trường yêu cầu sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao. Qua đó, góp phần xây dựng cơ sở cho công tác tổ chức sản xuất trong nước với cơ cấu, yêu cầu chất lượng sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường.
Đồng thời, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và khai thác các thị trường truyền thống, các thị trường tiềm năng gắn với xây dựng thương hiệu. Trong đó, tập trung xác định các thị trường mục tiêu, chủng loại mục tiêu và cách thức phối hợp, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại.