Cơn bão thuế quét qua: F0 và cái giá của "bài học đầu tiên"

Vừa háo hức gia nhập thị trường chứng khoán trong kỳ vọng sóng tăng mới, nhiều nhà đầu tư F0 đã sớm phải đối mặt với hiện thực nghiệt ngã khi cơn bão thuế từ Mỹ ập đến, thổi tan mộng tưởng chỉ trong vài phiên giao dịch...

Cơn bão thuế quét qua: F0 và cái giá của "bài học đầu tiên"

Chứng khoán tiếp tục được kỳ vọng là kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn trong năm 2025. Theo dữ liệu mới nhất từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong 3 tháng đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán đã tăng thêm gần 388 nghìn tài khoản.

Sự xuất hiện ồ ạt của nhiều nhà đầu tư mới (F0) đã góp phần thổi bùng kỳ vọng về một thị trường sôi động trong tháng 4. Trước đó, nhiều tổ chức nhận định VN-Index sẽ tiếp tục tăng trưởng, có cơ hội chinh phục mốc 1.330 điểm nhờ dòng tiền mới, môi trường lãi suất thấp và tâm lý tích cực từ mùa đại hội cổ đông doanh nghiệp…

Tuy nhiên, thị trường chưa kịp bùng nổ thì đã phải đối mặt với một cú sốc lớn. Đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo, trong đó có Việt Nam.

Nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước “cú sốc” thuế đối ứng khi chỉ số VN Index có phiên giao dịch “mất mát" nhất lịch sử ngày 3/4 với 88 điểm giảm. Đà giảm tiếp tục kéo dài sang ngày 4/4 với gần 20 điểm. Như vậy, chỉ sau 2 phiên, VN Index “bốc hơi” 108 điểm, thổi bay mọi thành quả từ đầu năm.

Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài cũng “giẫm đạp” bán tháo thay vì tranh thủ gom hàng khi thị trường giảm sâu. Theo thống kê, trong 2 phiên giảm điểm này, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục 6.800 tỷ đồng, nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu năm 2025 đến nay lên xấp xỉ 35.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cú sốc thuế quan còn đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam vào làn sóng bán giải chấp, đặc biệt là ở nhóm bất động sản và xây dựng. Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, ngay cả những người ở “tuyến đầu” như lãnh đạo doanh nghiệp và người thân cũng không thoát khỏi sức ép này.

Cú rơi mạnh của thị trường khiến tâm lý của nhà đầu tư F0 nhanh chóng chuyển từ kỳ vọng sang hoảng loạn. Chỉ trong vài phiên, nhiều F0 chứng kiến tài khoản "bốc hơi" 10–20% giá trị, trong khi kinh nghiệm ứng phó với những cú sốc thị trường gần như bằng không.

Không còn sự tự tin như những ngày đầu, hành động phổ biến của F0 là bán tháo trong nỗi lo thị trường còn giảm sâu. Các lệnh cắt lỗ diễn ra ồ ạt, nhiều nhà đầu tư quyết định bán bằng mọi giá, chấp nhận mức thua lỗ nặng để rút khỏi thị trường.

Anh Nguyễn Văn Khánh (Hà Nội), một nhà đầu tư mới tham gia từ tháng 2, chia sẻ: "Tôi đầu tư 300 triệu đồng, chủ yếu vào cổ phiếu bất động sản và chứng khoán. Đầu tháng 4 còn lãi gần 10%, tôi rất kỳ vọng. Nhưng chỉ sau một tuần, tài khoản tụt xuống còn hơn 250 triệu. Quá lo sợ, tôi bán tháo gần như toàn bộ để giữ lại tiền. Cảm giác khi nhìn tài khoản giảm từng ngày thực sự rất áp lực."

Một số nhà đầu tư F0 khác cố gắng trụ lại thị trường, nhưng cũng chịu sức ép tâm lý rất lớn. Anh Phạm Minh Hoàng (Đà Nẵng), một nhân viên văn phòng, tâm sự: "Tôi vẫn giữ danh mục, chưa bán ra, nhưng mỗi ngày mở app chứng khoán đều cảm thấy như “gió thổi lạnh sống lưng”. Không biết giữ tiếp có đúng không, nhưng bán ra thì lại tiếc. Thật sự rất bối rối".

Không chỉ nhóm F0, ngay cả những nhà đầu tư đã kinh qua nhiều biến động lớn của thị trường như giai đoạn đại dịch Covid-19 năm 2020 hay khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp năm 2022, cũng không khỏi choáng váng trước cú sụt giảm bất ngờ lần này.

Anh Trần Đức Thắng (Hà Nội) - nhà đầu tư có gần 8 năm kinh nghiệm, chia sẻ: "Tôi từng trải qua những cú giảm sâu của thị trường năm 2020 và 2022 nên nghĩ mình đã đủ bản lĩnh. Nhưng cú sốc thuế quan lần này đến quá nhanh, lại đúng lúc tâm lý nhà đầu tư đang hưng phấn cao độ, khiến ngay cả người dày dạn như tôi cũng bị bất ngờ. Tôi phải nhanh chóng cơ cấu lại danh mục, giảm margin về mức tối thiểu để phòng thủ."

Tương tự, chị Nguyễn Bảo Anh (38 tuổi, TP.HCM), nhà đầu tư lâu năm, cho biết: "Những cú điều chỉnh trước đây thường có dấu hiệu báo trước, còn lần này tin tức quốc tế ập tới quá đột ngột. Tôi không lỗ quá nặng vì đã quen chia nhỏ danh mục, nhưng cũng không tránh khỏi tâm lý hoang mang trong những phiên thị trường giảm trắng bảng bên mua”.

Theo các chuyên gia, cú sốc thuế quan lần này không chỉ là một bài kiểm tra tâm lý với nhà đầu tư mới, mà còn cho thấy thị trường chứng khoán luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBankS nêu quan điểm, VN-Index có khoảng 2 sóng lớn trong một năm. Ngoài những câu chuyện về 2 sóng lớn, khả năng các nhịp giao dịch (trading) gặp thua lỗ là rất lớn.

Quy luật 20:80 cũng cho thấy khả năng lãi của nhà đầu tư thường là 20%, nhưng 80% lệnh còn lại có thể lỗ. Điều quan trọng là việc quản trị rủi ro. "Nếu thấy rằng mỗi năm thị trường chỉ có 2 sóng lớn, nhà đầu tư cần tận dụng hai thời điểm này. Phần trading với cổ phiếu với tỷ trọng vừa và nhỏ sẽ nằm ở 80% còn lại", ông Sơn chỉ rõ.

Trên thực tế, không phải lúc nào cũng đủ an toàn và hấp dẫn cho hoạt động trading. Ví dụ, vào đầu năm, có thời điểm mua vào rất tốt khi thị trường tăng từ khoảng 1.100 điểm lên 1.300 điểm. Sau đó, thị trường có nhịp sụt giảm và đang hồi phục. Trong một năm, những sóng giảm mở ra cơ hội, nhưng thời gian còn lại, ngoài sóng giảm, nếu không trong uptrend, cơ hội có lãi sẽ không cao.

Khi phân bổ vốn, nhà đầu tư cần chú trọng sự hiệu quả. Với những lệnh có xác suất 50:50, nhà đầu tư có thể mua thăm dò, mua thử. Trong nhiều lần làm việc với nhà đầu tư trên thị trường, ông Sơn nhận ra rằng họ cũng sai rất nhiều. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng chia sẻ quan điểm rằng phần được khi đúng phải nhiều hơn phần mất khi sai.

Do vậy, nhà đầu tư trading cần phải theo dõi thị trường, những giai đoạn ổn định, có thông tin hỗ trợ thì nên tăng tỷ lệ giải ngân, hoặc thậm chí dùng margin. Nhưng khi dự kiến thị trường gặp kháng cự hoặc nhiễu động không lường trước, cần đưa danh mục về mức thấp hoặc hợp lý để đảm bảo không bị ảnh hưởng nhiều và vẫn có thể sửa sai.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

"Họ Vin” khởi đầu 2025 rực rỡ, lợi nhuận quý 1/2025 lập kỷ lục

"Họ Vin” khởi đầu 2025 rực rỡ, lợi nhuận quý 1/2025 lập kỷ lục

Sau một năm 2024 đầy biến động, hệ sinh thái Vingroup bước sang năm 2025 với khí thế bứt phá ngoạn mục, thể hiện rõ qua loạt báo cáo tài chính quý 1 từ các "trụ cột" trong tập đoàn (bất động sản, sản xuất đến bán lẻ0 đồng loạt ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng...

Công ty chứng khoán nào đang cho vay margin cao nhất?

Công ty chứng khoán nào đang cho vay margin cao nhất?

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2025 với cuộc đua margin sôi động chưa từng có, khi hàng loạt công ty chứng khoán như VPS, Kafi, SSI, VCBS và VPBankS liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới về tăng trưởng dư nợ...

S&P 500 tăng nhẹ trước thềm công bố các báo cáo quan trọng

S&P 500 tăng nhẹ trước thềm công bố các báo cáo quan trọng

S&P 500 đã có một phiên giao dịch đầy biến động do áp lực từ nhóm cổ phiếu công nghệ, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi loạt thông tin quan trọng về dữ liệu kinh tế và báo cáo lợi nhuận từ một số tập đoàn lớn nhất nước Mỹ…