
“Cơn lốc” mang tên thuế đối ứng từ phía Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những phiên đầy biến động. Tâm lý nhà đầu tư bất ổn đẩy VN-Index vào trạng thái dao động mạnh mẽ. Chỉ số chính có lúc rơi sâu nhưng sau đó lại kịp phục hồi phần nào nhờ lực cầu bắt đáy xuất hiện ở một số nhóm ngành.
Đáng chú ý, làn sóng bán tháo không chỉ giới hạn ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ mà lan rộng cả sang nhóm cổ phiếu thuộc rổ VN30 – nơi quy tụ những doanh nghiệp đầu ngành, thanh khoản cao. Việc nhiều mã lớn bị kéo về sát giá sàn, thậm chí liên tiếp trong nhiều phiên khiến hàng tỷ đồng vốn hóa của các doanh nghiệp “đội nón ra đi”, gây thiệt hại trực tiếp đến túi tiền nhà đầu tư.
DOANH NGHIỆP VUNG TIỀN GIẢI CỨU CỔ PHIẾU
Trước cơn chấn động mạnh từ thị trường một số doanh nghiệp đã chủ động đăng ký mua vào cổ phiếu, động thái này được xem như một "liều thuốc trấn an" nhà đầu tư giữa lúc thị trường lao dốc.
Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Gemadept (mã chứng khoán: GMD) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 chậm nhất đến ngày 30/6, nhằm đảm bảo đủ thời gian cho việc chuẩn bị và hoàn thiện tài liệu.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Gemadept cũng thông qua chủ trương trình đại hội xem xét và phê duyệt phương án mua lại cổ phiếu của chính mình (cổ phiếu quỹ), để đảm bảo quyền lợi của cả công ty và các cổ đông trong tình hình thị giá cổ phiếu GMD đang ở mức thấp, không phản ánh đúng hiệu quả hoạt động kinh doanh và giá trị thực của Gemadept.
Gemadept sẽ ủy quyền cho Chủ tịch Hội đồng quản trị chỉ đạo Tổng giám đốc, nghiên cứu và xây dựng phương án mua lại cổ phiếu quỹ để trình đại hội cổ đông phê duyệt và triển khai.

Những động thái này của Gemadept diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu GMD đã có nhiều phiên nằm sàn, từ ngày 3/4 đến ngày 9/4. Bốn phiên giảm sàn liên tiếp đã khiến GMD lao thẳng từ mức 56.300 đồng/cổ phiếu về mức 42.200 đồng/cổ phiếu. Dù GMD đã ghi nhận sự phục hồi, tuy nhiên sự thận trọng của Gemadept là điều dễ hiểu, khi mà những biến động vĩ mô vẫn còn trong thời gian tới.
Đánh giá nhanh về việc áp thuế đối ứng, CEO Gemadept Nguyễn Thanh Bình nhận định ban đầu rằng việc tăng thuế có thể dẫn đến các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm nguồn cung thay thế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và có khả năng tác động nhất định đến hoạt động công ty.
Hàng hóa đi Mỹ chỉ chiếm dưới 10% trong tổng sản lượng của cụm cảng Nam Đình Vũ, trong khi tỷ trọng tại cảng nước sâu chiến lược Gemalink hiện đã giảm xuống khoảng 25%.
Gemadept đang chủ động trao đổi với các hãng tàu và khách hàng xuất nhập khẩu để đẩy nhanh các đơn hàng sớm; phối hợp với cơ quan ban ngành để bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp cận nhóm khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ...
Tương tự, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) vừa bổ sung tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 liên quan tới phương án mua lại cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ.
Cụ thể, PNJ dự kiến mua lại tối đa khoảng 8 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương 2,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Mục đích mua lại nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động mạnh của thị trường chứng khoán.
Công ty dự kiến nguồn vốn thực hiện lấy từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu. Phương thức giao dịch dự kiến là khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
Hội đồng quản trị sẽ được ủy quyền quyết định thời điểm mua cụ thể sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, tùy thuộc vào diễn biến thị trường. Sau khi hoàn tất việc mua lại, công ty sẽ làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng.

Tạm tính theo thị giá đóng cửa phiên 14/4 là 71.700 đồng/cổ phiếu, PNJ có thể cần chi ra gần 590 tỷ đồng để hoàn tất việc mua lại tối đa lượng cổ phiếu đã đăng ký.
Động thái của doanh nghiệp diễn ra sau khi cổ phiếu PNJ liên tục trồi sụt trong vòng hơn 1 tuần qua dưới áp lực điều chỉnh của thị trường chung. Thị giá giảm mạnh 5 phiên (3 phiên giảm sàn) sau đó quay đầu hồi phục khi tăng kịch trần 2 phiên liên tiếp cuối tuần. Tại mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của PNJ vượt mức 24.900 tỷ đồng.
Liên quan tới Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến diễn ra ngày 26/4 tới đây, PNJ dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 31.607 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2024. Tương ứng, kế hoạch lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, giảm 7% so với mức kỷ lục năm qua.
Ban lãnh đạo PNJ nhận định thị trường năm nay dự kiến gặp nhiều thách thức. Riêng ngành trang sức sẽ có thể đối mặt với những khó khăn chưa từng có của một "cơn bão kép" đến từ cả hai đầu cung và cầu. Trong đó, nguồn nguyên vật liệu khan hiếm do giá vàng tăng trong khi sức mua chưa phục hồi và mức tăng trưởng ngành bán lẻ hàng xa xỉ suy giảm. Nhiều doanh nghiệp ngành vàng đã đóng cửa, hoạt động cầm chừng, chuyển ngành.
Theo PNJ, thông thường khi thị trường gặp khó, các công ty sẽ không đầu tư. Tuy nhiên, PNJ vẫn đầu tư mở rộng song song bảo toàn lợi nhuận cho Công ty.
Theo tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa công bố, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) đã tiết lộ kế hoạch mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Cụ thể, công ty dự kiến mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu MWG (tương đương khoảng 0,68% lượng cổ phiếu đang lưu hành) nhằm mục đích giảm vốn điều lệ, qua đó gia tăng giá trị cho cổ đông hiện hữu.
Nguồn vốn thực hiện dự kiến lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ trên báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất. Thời điểm thực hiện giao dịch sẽ diễn ra sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Hội đồng quản trị sẽ quyết định thời điểm cụ thể phù hợp với tình hình thị trường.
Trước đó, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 2/2025, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đức Tài đã từng chia sẻ về ý định mua cổ phiếu quỹ trong năm 2024 nhưng chưa thể triển khai do vướng mắc thủ tục. Vị chủ tịch cho biết: “Dự kiến trong năm 2025 này, công ty quyết tâm sẽ tiến hành mua cổ phiếu quỹ và đã chuẩn bị kỹ càng các thủ tục cần thiết”.

Nhằm có biện pháp dự phòng để bảo vệ lợi ích của cổ đông trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) đã chốt phương án mua lại 50 triệu đến 100 triệu cổ phiếu quỹ bằng nguồn thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và/hoặc các nguồn khác theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen chia sẻ, biện pháp mua cổ phiếu quỹ chỉ là dự phòng trong trường hợp giá cổ phiếu giảm sâu nữa thì mua để bảo vệ lợi ích cổ đông. Nếu không có biến động lớn thì chưa chắc đã Tập đoàn đã mua cổ phiếu quỹ.
Vừa qua, Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (mã chứng khoán: TPC) đã thông qua kế hoạch mua lại tối đa 30% tổng số cổ phần đang lưu hành, tương đương 6,75 triệu cổ phiếu TPC. Công ty sẽ lấy tiền từ bán nhà xưởng để thực hiện thương vụ, ước tính cần khoảng 79 tỷ đồng chiếu theo thị giá hiện nay
Chia sẻ về lý do mua cổ phiếu quỹ thay vì mở rộng đầu tư, ông Phạm Trung Cang, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong mảng bao bì nhựa, đặc biệt từ Trung Quốc, đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của TPC những năm gần đây.
Sự xuất hiện dày đặc của hàng giá rẻ buộc công ty phải liên tục điều chỉnh giá bán để giữ chân khách hàng, kéo theo biên lợi nhuận sụt giảm đáng kể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ lớn trong năm 2023 và kéo theo lỗ lũy kế đến cuối năm 2024.
Trước bối cảnh đó, TPC quyết định tái cơ cấu sâu rộng, bao gồm bán tài sản không còn phù hợp, thu hẹp sản xuất và tinh gọn mô hình vận hành nhằm giảm chi phí cố định. Lãnh đạo cho rằng, việc mua cổ phiếu quỹ góp phần giảm áp lực tỷ suất lợi nhuận trên vốn, mở đường cho kế hoạch chia cổ tức trở lại từ năm nay.
LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP NỖ LỰC CỨU NGUY
Không chỉ từ phía doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo cấp cao cũng đã trực tiếp “ra tay giải cứu” khi cổ phiếu công ty lao dốc.
Theo thông tin đăng ký giao dịch, từ ngày 15/4 đến ngày 15/5, có tới 9 lãnh đạo và người có liên quan đã đăng ký mua vào tổng cộng 7,5 triệu cổ phiếu GMD. Ước tính theo thị giá tại thời điểm đăng ký, tổng giá trị lượng cổ phiếu này lên tới hơn 338 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Văn Nhân và Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Bình cùng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu mỗi người, các lãnh đạo khác đăng ký mua từ 500.000 đến 1 triệu cổ phiếu.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán: HQC) đăng ký mua 23 triệu cổ phiếu HQC để nâng sở hữu lên 25 triệu cổ phần (4,34% vốn điều lệ). Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 15/4 - 12/5.
Với thị giá hiện tại, ước tính ông Trương Anh Tuấn sẽ bỏ ra số tiền khoảng 58 tỷ đồng để mua vào 23 triệu cổ phiếu HQC. Điểm đáng lưu ý, từ ngày 3/4 - 9/4, cổ phiếu HQC đã trải qua 4 phiên giảm sàn liên tiếp.
Mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) thông báo sẽ bán giải chấp 2,9 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán: ANV) của ông Doãn Chí Thanh từ ngày 10/4 đến khi đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ.
Ông Doãn Chí Thanh đang giữ vị trí Giám đốc khối kinh doanh tại ANV, đồng thời cũng là con trai của ông Doãn Tới - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc ANV. Tại thời điểm ngày 31/12/2024, ông Thanh sở hữu hơn 34 triệu cổ phần ANV, tương ứng 12,87% vốn điều lệ.
Ở chiều ngược lại, từ ngày 11/4 - 10/5, ông Doãn Tới đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu ANV để nâng sở hữu lên 54,98% vốn điều lệ.
Sau khi cổ phiếu ANV liên tục bị bán tháo do lo ngại hoạt động xuất khẩu cá tra gặp khó khăn sau khi Mỹ công bố danh sách các quốc gia bị áp thuế đối ứng, ông Doãn Tới đã gửi thư trấn an tới cổ đông. Trong thư, ông Tới cho biết, Ban tổng giám đốc đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để đưa ra các phương án ứng phó.
Trong đó, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu tiềm năng của công ty ở hiện tại và tương lai, đặc biệt với hai sản phẩm chủ lực là cá tra và cá rô phi. ANV sẽ đẩy mạnh mở rộng các thị trường hiện có mà Nam Việt đang xuất khẩu, cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất, song song tự động hoá các công đoạn sản xuất.
“Hãy yên tâm nắm giữ cổ phiếu, không nên bán ra trong thời điểm này. Cổ phiếu ANV của Việt Nam là một cổ phiếu rất tiềm năng trong năm nay và cả những năm tới, tôi quyết định xuất trận để cứu nguy cho cổ phiếu”, ông Tới trấn an cổ đông.
Tương tự, bà Đoàn Hoàng Anh, con gái Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) Đoàn Nguyên Đức, đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu từ ngày 14/4, nhằm tăng sở hữu lên 18 triệu đơn vị (tỷ lệ 1,7% vốn công ty).
Hay Chủ tịch TDG Global (mã chứng khoán: TDG) Võ Anh Thái mới đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu công ty từ ngày 17/4 để tăng tỷ lệ sở hữu lên 13,56% vốn; tương tự Tổng giám đốc Lê Minh Hiếu muốn mua 1 triệu đơn vị sau khi cổ phiếu bị bán tháo vừa qua.