Còn nhiều lãnh đạo DNNN cũ trong công ty cổ phần

Không khó để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa (CPH), song điều quan trọng hơn là chất lượng CPH, bởi còn lãnh đạo công ty cổ phần là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trước đây, nên hoạt động quản
Còn nhiều lãnh đạo DNNN cũ trong công ty cổ phần

Đó là chia sẻ của ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Ngoài 64 doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu theo kế hoạch, năm 2018, phải thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án CPH năm 2017 chuyển sang, nên nhiều người lo ngại năm 2018 khó hoàn thành kế hoạch?

Tôi cho rằng, hoàn thành kế hoạch CPH về mặt số lượng chỉ là chuyện nhỏ. Giai đoạn 2011 - 2015, theo kế hoạch, phải chuyển đổi sở hữu 508 doanh nghiệp, trong 3 năm đầu mới hoàn thành việc chuyển đổi sở hữu được 118 đơn vị, thậm chí, năm 2014 hoàn thành CPH 184 đơn vị, nhưng nhiều ý kiến vẫn lo ngại khó có thể đạt được kế hoạch. Nhưng cuối cùng, kế hoạch chuyển đổi 508 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần của giai đoạn 2011 - 2015 đã cán đích, vì chỉ riêng năm 2015 đã CPH được 206 doanh nghiệp.

Giai đoạn 2016 - 2020, theo kế hoạch, sẽ chuyển 137 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, về số lượng, chỉ bằng 66,5% số doanh nghiệp CPH năm 2015, nên việc chuyển 64 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần trong năm nay và xử lý nốt số doanh nghiệp năm 2017 có thể hoàn thành đúng kế hoạch.

Chuyện lớn hơn, ý ông muốn nói đến là chất lượng CPH?

Đúng vậy. Trong giai đoạn 2011 - 2015, theo phương án CPH 508 doanh nghiệp đã được phê duyệt, thì Nhà nước chỉ nắm giữ 65% vốn điều lệ; bán ra cho cổ đông bên ngoài qua hình thức đấu giá công khai 16,7%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 15,8%. Nhưng kết quả cuối cùng, mặc dù số lượng CPH hoàn thành, song về chất lượng, Nhà nước vẫn nắm giữ bình quân 81% vốn điều lệ tại 508 doanh nghiệp đã chuyển thành công ty cổ phần. Do Nhà nước vẫn giữ bình quân tới 81% cổ phần, nên sau khi trở thành công ty cổ phần, tổ chức bộ máy, hoạt động quản trị, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp hầu như không có gì thay đổi, vì có tới 80% lãnh đạo của công ty cổ phần nguyên là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trước đây.

Nói một cách tổng quát, chất lượng CPH chưa có dấu hiệu cải thiện, việc bán cổ phần nhà nước ra công chúng cũng như nhà đầu tư chiến lược chưa hết khó khăn. Số lượng doanh nghiệp do Nhà nước giữ cổ phần chi phối vẫn hiện diện ở các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ...

Trong hơn 2 năm qua, thị trường chứng khoán đã thực sự khởi sắc, các doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối đã niêm yết sao không bán tiếp cổ phần, thưa ông?

Cổ phần nhà nước chiếm khoảng 24% tổng số cổ phần đang lưu hành trên thị trường chứng khoán (không tính sàn UPCoM). Nếu thoái được số vốn này, Nhà nước sẽ thu được hàng triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, các công ty cổ phần mà Nhà nước vẫn sở hữu tỷ lệ vốn cao hơn phương án CPH có thoái vốn trên thị trường chứng khoán không, thoái bao nhiêu, thoái khi nào, thu được bao nhiêu, số tiền thoái vốn được sử dụng vào mục đích gì…, thì hiện nay, không tổ chức, cơ quan nào có đủ số liệu.

Hàng năm, Bộ Tài chính chỉ công bố tình hình hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, còn các doanh nghiệp do các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thì Bộ Tài chính không nắm được.

Vì vậy, việc các công ty cổ phần còn vốn nhà nước niêm yết trên thị trường chứng khoán đã thoái chưa, thoái được bao nhiêu, số tiền thoái vốn do cơ quan nào quản lý, thì không cơ quan nào có được đầy đủ số liệu. Nhưng tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp niêm yết chưa thoái vốn nhà nước, nếu có cũng không đáng kể.

Theo ông, vì sao công ty cổ phần đã niêm yết không chịu thoái vốn nhà nước trên thị trường chứng khoán?

Nếu thoái thì làm gì có chuyện 80% lãnh đạo công ty cổ phần nguyên là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước chuyển sang. Tôi cho rằng, các bộ, ngành, địa phương và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (lãnh đạo công ty cổ phần) không muốn thoái vốn là do lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Tuy nhiên, việc không bán hết cổ phần khi IPO hoặc công ty cổ phần không bán được vốn nhà nước khi đã niêm yết còn có nguyên nhân khách quan là còn không ít doanh nghiệp làm ăn “bết bát”. Với hàng ngàn mã cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, nhà đầu tư đương nhiên chỉ mua cổ phiếu của những doanh nghiệp hoạt động tốt, tình hình tài chính lành mạnh, kế hoạch kinh doanh sáng sủa.

Để đẩy mạnh thoái vốn nhà nước trên thị trường chứng khoán, theo ông, cần những giải pháp căn cơ nào?

Ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh chi phí liên quan đến đầu tư, kinh doanh để ngày càng có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Khẩn trương chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi tiếp nhận công ty cổ phần, SCIC tiến hành tái cơ cấu từ bộ máy quản trị đến hoạt động của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp làm ăn tốt lên, SCIC sẽ thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017, SCIC đã thoái vốn tại 40 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước 21.600 tỷ đồng). Sau khi toàn bộ doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trực thuộc các bộ, ngành, địa phương chuyển về SCIC, tôi tin rằng, hoạt động CPH không chỉ hoàn thành về số lượng, mà chất lượng chắc chắn sẽ được cải thiện.

Có thể bạn quan tâm