Theo IBM, tương lai của các doanh nghiệp chính là khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang tính cá nhân hoá. Điều này đang trở thành sự thật khi rất nhiều khách hàng trên thế giới và tại Việt Nam thu được những lợi ích từ các giải pháp điện toán biết nhận thức (Cognitive Computing) với IBM Watson. Đó là những dữ liệu phân tích chuyên sâu mà con người không bao giờ có khả năng xử lý.
Tổng Giám đốc IBM Việt Nam cho biết, có ba nguyên lý cơ bản định hướng cho việc phát triển Điện toán Biết nhận thức tạo ra sự khác biệt của IBM.
Với IBM, AI - trí tuệ nhân tạo (thực ra là Trí tuệ được Tăng cường - Augmented Intelligence, cũng viết tắt là AI) chính là các loại máy móc hoặc hệ thống có khả năng thúc đẩy và nhân rộng kiến thức, hiểu biết của con người, chứ không chỉ đơn giản là bắt chước trí tuệ của con người.
IBM cho rằng khả năng kiểm soát của con người đối với dữ liệu là điều quan trọng hàng đầu và đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của các tổ chức, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ cần một đối tác hiểu rõ ngành nghề và quy trình hoạt động, và hiểu rõ nền tảng nào là an toàn và có khả năng mở rộng, có thể đáp ứng quy mô toàn cầu.
Đưa ra ví dụ minh họa, ông Eric Yeo cho hay trong lĩnh vực y tế, gần đây tại Hàn Quốc, Trung tâm Y tế Gil thuộc đại học Gachan (bệnh viện lớn thứ 5 Hàn Quốc) đã sử dụng Watson của IBM để hỗ trợ các bác sĩ và bệnh nhân ung bướu đưa ra các lựa chọn điều trị bệnh ung thư.
Dựa trên các thông tin về bệnh nhân, Trung tâm Y tế Gil đã sử dụng IBM Watson từng được các bác sĩ ung bướu “đào tạo” tại Trung tâm Ung bước Memorial Sloan Kettering, Mỹ (đánh giá 15 triệu trang dữ liệu về điều trị y tế và phân tích bệnh nhân từ hàng nghìn ca) để giảm mạnh các sai sót trong chẩn đoán và sử dụng thuốc, cắt giảm chi phí y tế cho bệnh nhân.
Quan trọng hơn, trung tâm này đã triển khai các dịch vụ y tế chất lượng cao mang tính cá nhân hoá, và tạo điều kiện cho nhiều bệnh nhân tiếp cận dịch vụ y tế hơn, bất kể họ có hoàn cảnh kinh tế, xã hội như thế nào.
Hay trong lĩnh vực thời trang, tại sự kiện MET Gala 2016 nổi tiếng ở New York, trung tâm thiết kế thời trang Marchesa sử dụng công cụ chọn màu “cognitive” Watson’s Cognitive Color Tool, Watson đã phân tích hình ảnh của 200 chiếc váy do Trung tâm Marchesa thiết kế, rồi đưa ra đề xuất về chất liệu và màu sắc cho chiếc váy cognitive. Chiếc váy được kết 150 bông hoa đèn LED, phát ra các ánh sáng khác nhau dựa trên cảm xúc của khán giả trong khán phòng và các chia sẻ trên Twitter theo thời gian thực.
Một ví dụ khác, chương trình giáo dục nổi tiếng nước Mỹ Sesame Street và IBM Watson đã hợp tác để đổi mới việc giáo dục, đào tạo cho trẻ nhỏ. Việc học cho trẻ em đã được cá nhân hoá nhằm tạo điều kiện cho học sinh được học theo nhịp độ của mỗi cá nhân, theo cách phù hợp nhất với trẻ.
Hàng trăm giáo viên lớp 3 tại Mỹ đang thử nghiệm phần mềm cố vấn dành cho giáo viên với Watson nhằm cung cấp các bài giảng môn toán và các chiến lược giảng dạy cho giáo viên.
Đánh giá về tiềm năng của công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, ông Eric Yeo cho rằng không chỉ IBM, Microsoft, Google hay Amazon… quan tâm mà ngay cả các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam như FPT, Viettel… cũng nhảy vào muốn chiếm thị phần từ miếng bánh tiềm năng này trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, ngân hàng…
Mỗi nhà cung cấp có đặc điểm và cách tiếp cận thị trường riêng. Với IBM, hãng công nghệ này cung cấp nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát triển hệ sinh thái các nhà lập trình.
Với nền CNTT của Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ cao, và đất nước đang hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, IBM Watson Vietnam Summit hy vọng mang lại cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam những cách tiếp cận mới trong việc ứng dụng công nghệ đột phá để gặt hái thành công trong kinh doanh, củng cố quan hệ với khách hàng, tăng cường kiến thức chuyên môn và thúc đẩy sáng tạo để tăng trưởng.