Công nghiệp ôtô – tìm cơ hội trong chuỗi giá trị toàn cầu

Sau 20 năm kể từ khi một loạt liên doanh ôtô được cấp phép thành lập, Việt Nam vẫn chưa thể có được một ngành công nghiệp ôtô thực thụ.
Công nghiệp ôtô – tìm cơ hội trong chuỗi giá trị toàn cầu

Thời điểm thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ giảm còn 0-5% vào năm 2018 đã rất cận kề, câu hỏi liệu Việt Nam có kịp xây dựng được ngành công nghiệp này lại được đặt ra.

Đứng trên khu đất đang thi công của Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ôtô Chu Lai – Trường Hải, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco Group), khoát tay cho biết, ông sẽ xây dựng mới khu nhà xưởng sản xuất ôtô bus cho dù nhà xưởng cũ ở ngay bên hiện vẫn đang sản xuất tốt với tỉ lệ nội địa hóa hơn 50%.

 Những kẻ ngược dòng

 Vì sao phải gấp rút đầu tư một xưởng mới, với những đổi mới trong dây chuyền sản xuất như sơn nhúng nguyên khối? Câu trả lời của ông Dương đơn giản là làm công nghiệp ôtô không thể dừng đầu tư, không thể không đổi mới công nghệ được. Với cả những phân khúc khác như xe tải và xe con, ông chủ Dương cũng vạch ra nhiều kế hoạch đầu tư tăng trưởng đầy kỳ vọng. Điều đó có phần nào đi ngược với tâm lý lo ngại sẽ có cuộc “tháo chạy” của một loạt các nhà máy do các tập đoàn ôtô nước ngoài đầu tư khi mà thuế suất giảm theo các cam kết hội nhập. Cũng phải nói rằng, khoảng 3 năm trở lại đây, đại diện nhiều liên doanh vẫn thường để ngỏ khả năng chuyển hoàn toàn sang nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) nếu các chính sách không ban hành đủ nhanh và đủ mạnh theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nghiệp ôtô phát triển.

Với ông Dương, khi quyết liệt đầu tư vào một vùng cát trắng của Quảng Nam, từ hơn 10 năm trước để biến nó trở thành khu công nghiệp lớn, thủ phủ của sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, và cho đến thời điểm này, ông vẫn tự tin khẳng định sức sống của ngành công nghiệp ô tô là có vì tiềm năng thị trường lớn với dân số 90 triệu người và vài năm nữa sẽ lên đến 100 triệu. Ông cũng tự tin vào hướng xuất khẩu sang các nước ASEAN”.

Rõ ràng, công nghiệp ôtô vẫn được coi là ngành có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế và bản thân các doanh nghiệp cũng không hề muốn từ bỏ mặc dù còn đang vấp phải vô số những khó khăn từ nội tại đến ngoại cảnh. Nhưng làm thế nào để công nghiệp ôtô phát triển lại là câu hỏi khó có lời giải trọn vẹn. Liệu chăng để DN kịp lớn trước thời điểm hội nhập sẽ lại phải cần tới nhiều hơn nữa những ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam? Chẳng hạn như, trong bối cảnh thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á sắp giảm về 0%, Việt Nam cũng cần giảm thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng về mức tương ứng, kể cả nguồn linh kiện từ các nước ngoài khối ASEAN. Hay như thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe lắp ráp trong nước (CKD), cụ thể là tính trên giá linh kiện nhập khẩu thay cho cách tính trên giá xuất xưởng hiện nay. Bởi nếu tính thuế trên giá CIF cho xe lắp ráp trong nước (CKD) thì doanh nghiệp nào càng nội địa hóa nhiều càng giảm được giá thành, giảm được tỷ trọng linh kiện nhập khẩu và theo đó sẽ khuyến khích nội địa hóa.

Sau 25 năm, Việt Nam vẫn chưa thể có một ngành công nghiệp ôtô đúng nghĩa. Với những bất cập trong chinh sách, những “cái chết” như của Vinaxuki có thể sẽ không còn là cá biệt

Ở góc độ của người làm trực tiếp, ông Dương cho rằng, cần nuôi cho thị trường phát triển đến giai đoạn ổn định, đủ lớn, doanh nghiệp sẽ đủ mạnh để tăng nội địa hóa, giảm giá xe xuống, không còn tình trạng cao hơn 20% so với xe sản xuất trong khu vực nữa. Tuy nhiên, ưu đãi chính sách thuế luôn được đặt ra hàng đầu trong các đề nghị chính sách vẫn là chưa đủ. Điều các DN hiện còn chưa làm được chính là việc đẩy mạnh hợp tác với nhau để tạo nên những đầu tàu đủ sức phát triển và tạo nên hệ thống, mạng lưới DN vệ tinh cùng phát triển.

Tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu

25 năm hình thành, 2 bản chiến lược kèm theo nhiều ưu đãi, hàng chục liên doanh với các tập đoàn ôtô nước ngoài được thành lập và đồng thời, cũng hàng chục doanh nghiệp ôtô nội địa ra đời, công nghiệp ôtô Việt Nam đã không ít lần được trao cơ hội phát triển. Thế nhưng, cho đến giờ, từ bỏ dần lắp ráp trong nước để chuyển sang nhập khẩu không còn là xu hướng mà đã trở thành một dòng chảy ngày càng siết hơn. Bài toán kinh doanh đối với mỗi doanh nghiệp luôn được hướng đến một đáp án cuối cùng là lợi nhuận. Vì vậy, khi chính sách còn khó khăn, khi thị trường còn nhỏ bé và khi xe CBU từ các nước ASEAN đang nắm lợi thế thì rõ ràng, dòng chảy mới sẽ được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.

Trong bối cảnh ấy, muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô, phải chăng cần đền một cách tư duy khác về ngành nghề mang tính đặc thù này. Có không ít DN đặt ra câu hỏi, liệu chúng ta có cần phải tạo ra thương hiệu ôtô dưới 10 chỗ của mình? Nếu nhìn sang sự suy sụp của công ty Xuân Kiên với tham vọng tạo nên xe mang thương hiệu Việt sẽ thấy rõ sự trả giá lớn thế nào? Còn nếu nhìn sang Thái Lan, vốn được coi là một trong những trung tâm công nghiệp ôtô lớn trên thế giới, sẽ thấy nước này không có thương hiệu ôtô nào của họ. Hướng đi đúng lúc này, có lẽ là làm sao để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sản xuất ôtô với tỷ lệ nội địa hóa từ 40% thì đã là thành công, đã có thể coi là có ngành công nghiệp ôtô phát triển. Và mức này cũng đủ bảo đảm cho xe lắp ráp tại Việt Nam sẽ xuất khẩu ra các nước ASEAN theo mức thuế suất 0%.

Ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam bấy lâu nay vẫn bó trong những nút thắt về hạ tầng, về thuế suất, về thị trường, về cả xác định hướng đi…

Muốn vậy, thì cần phải tăng nguồn lực đầu tư để tạo nên những đầu tàu của ngành này. Không phải ngẫu nhiên mà ông Dương đã tính đến việc sẽ chuyển Trường Hải qua hoạt động theo mô hình tập đoàn, mời gọi các nhà đầu tư thành lập các công ty liên doanh, lựa chọn đối tác phù hợp để thực hiện M&A nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, mở rộng chuỗi giá trị hướng đến mục tiêu tập đoàn đa ngành lấy sản xuất kinh doanh ôtô làm nền tảng. 

Ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam bấy lâu nay vẫn bó trong những nút thắt về hạ tầng, về thuế suất, về thị trường, về cả xác định hướng đi… Giờ cách thời điểm hội nhập không còn xa, những quyết tâm lội ngược dòng của những DN sản xuất trong nước có thể mang lại cơ hội hay không, chúng ta sẽ sớm có câu trả lời. Tầm nhìn của nhà xây dựng chính sách và tầm nhìn của DN có thể tạo nên những giá trị rất thật, để vẫn có thể đặt niềm tin vào một ngành công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn như công nghiệp ôtô!

Thảo Minh

>> Xe nhập khẩu theo dạng cho, biếu tặng bị "soi"

Có thể bạn quan tâm

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Theo một báo cáo mới đây từ Bloomberg, các nhà chức trách tại Trung Quốc đang cân nhắc về khả năng bán TikTok Mỹ cho tỷ phú Elon Musk…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Gần 2 triệu thiết bị Masstel bán ra, Masscom hỗ trợ người dân dễ dàng chuyển đổi số

Gần 2 triệu thiết bị Masstel bán ra, Masscom hỗ trợ người dân dễ dàng chuyển đổi số

Công ty Cổ phần Masscom Việt Nam công bố những kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024 khi tăng trưởng vượt mục tiêu 20% với hàng triệu sản phẩm được bán ra, trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong công nghệ di động, giải pháp công nghệ giáo dục và sản phẩm công nghệ trẻ em…