Nỗi bất an mang tên Hà Nội Garden City: Người mua nhà “dài cổ” chờ chủ đầu tư thực hiện lời hứa

Dự án Hà Nội Garden City bị trì hoãn kéo dài, chủ đầu tư liên tục thất hứa gây thiệt hại tài chính và tâm lý cho người mua nhà suốt nhiều năm...

ktijqhpdrhwfzvxsrcmruhazepmiqo.jpg

Dự án khu dân cư và thương mại Berjaya - Handico 12 (hay còn gọi là Dự án Hà Nội Garden City) từng được kỳ vọng là một khu đô thị hiện đại, nay đang trở thành cơn ác mộng đối với hàng chục người dân sau nhiều năm chờ đợi trong vô vọng.

NGƯỜI MUA NHÀ BỊ BỎ RƠI?

Dự án Hà Nội Garden City do liên doanh giữa Tập đoàn Berjaya (Malaysia) và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 12 (Handico 12) đầu tư, từng được kỳ vọng sẽ trở thành một khu đô thị hiện đại tại khu Đông Hà Nội.

Tuy nhiên, người mua nhà tại đây cho biết, họ đã ký hợp đồng đặt cọc từ năm 2020 nhưng đến nay dự án không có bất kỳ tiến triển rõ ràng nào.

Anh Nguyễn Ngọc Dương, người đại diện cho nhóm cư dân mua căn hộ với chủ đầu tư tại dự án thành phần 88 Central, thuộc dự án Hà Nội Garden City chia sẻ, kể từ khi ký hợp đồng đặt cọc, phía chủ đầu tư không tổ chức họp, không thông báo về tiến độ và cũng không có bất kỳ động thái nào để khẳng định trách nhiệm của mình đối với người mua nhà. Ngoại trừ một văn bản gửi vào năm 2022, trong đó viện dẫn lý do dịch Covid-19 khiến dự án chậm tiến độ và hứa sẽ ký hợp đồng chính thức trong năm 2023.

Song, theo anh Dương, lời hứa trên không được chủ đầu tư thực hiện. Phải đến ngày 30/5/2025, sau rất nhiều kiến nghị và phản ánh, đại diện chủ đầu tư mới có một buổi gặp ngắn với cư dân.

Tại đây, họ tiếp tục đưa ra cam kết rằng toàn bộ thủ tục pháp lý như thuế, giấy phép xây dựng đã hoàn tất, dự án sẽ ký hợp đồng chính thức trong tháng 12/2025 hoặc chậm nhất là tháng 1/2026. Tuy nhiên, khi cư dân đề nghị cung cấp biên bản cuộc họp có đóng dấu xác nhận thì chủ đầu tư lại thoái thác. Từ đó tiếp tục không có thêm bất kỳ hồi âm nào.

Đáng chú ý, diễn biến trở nên phức tạp hơn khi nhóm cư dân phát hiện trên truyền thông Malaysia thông tin Berjaya đã chuyển nhượng tới 80% cổ phần tại dự án này cho hai pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Green Hill và Công ty Cổ phần Đông Thịnh Phát Land.

"Việc chuyển nhượng này chưa được công bố tại Việt Nam và phía người mua nhà cũng chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ chủ đầu tư. Ngoài ra, các bên mua lại cổ phần cũng chưa có động thái kế thừa nghĩa vụ pháp lý từ hợp đồng đã ký với khách hàng", anh Dương nói.

Sau đó, nhóm cư dân nhiều lần đến văn phòng đại diện của chủ đầu tư tại Khu đô thị mới Thạch Bàn, Long Biên để đối thoại. Tuy nhiên, văn phòng đại diện tại khu vực dự án gần như không còn hoạt động, chỉ còn một nhân viên tiếp nhận thông tin với câu trả lời quen thuộc: “Tôi sẽ ghi nhận thông tin, nhưng không có nắm được tình hình cụ thể. Tôi sẽ báo lại cho phía công ty”.

Hiện tại, chưa rõ thông tin dự án Hà Nội Garden City bị chuyển giao có đúng hay không. Thế nhưng chỉ việc ký hợp đồng đặt cọc đã gần 5 năm mà người mua nhà vẫn chưa "biết mặt" bản hợp đồng mua bán chính thức đã cho thấy năng lực của chủ đầu tư thực sự có vấn đề.

Đồng thời, theo một chuyên gia tài chính, việc chủ đầu tư dự án Hà Nội Garden City thiếu minh bạch trong công bố thông tin khiến người mua nhà thiệt hại cả về tài chính lẫn tinh thần.

Thực tế, anh Dương chia sẻ, phần lớn những người mua nhà đều dốc toàn bộ tiền tiết kiệm, thậm chí vay mượn ngân hàng để đặt cọc. Thế nhưng, sau nhiều năm, không có nhà để ở, họ buộc phải thuê nhà tạm, vừa tốn chi phí, vừa sống trong cảnh bấp bênh.

DỰ ÁN KÉO DÀI GẦN 20 NĂM, NHIỀU HẠNG MỤC VẪN CÒN BỎ HOANG

Theo hồ sơ, Hà Nội Garden City là tên thương mại của Dự án Khu dân cư và thương mại Berjaya - Handico12 do Công ty TNHH Berjaya - Handico 12 làm chủ đầu tư. Hai cổ đông sáng lập là Công ty Handico 12 (chiếm 20% - đã bán lại phần vốn góp cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức) và Công ty Berjaya Leisure (Cayman) Limited (là công ty của Malaysia, chiếm 80%).

Dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ tháng 6/2004 và cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 2/2007. Dự án có quy mô gần 32 ha, dân số dự kiến hơn 5.700 người.

Mặc dù thời gian thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày cấp phép, nhưng đến nay, sau gần hai thập kỷ, chỉ có một vài hạng mục như chung cư CT4 và khu biệt thự Arden Park - Garden Villas được triển khai. Phần lớn diện tích khác như các tòa nhà cao tầng CT1, CT2, CT3, CT5; nhà thấp tầng tại TT1, TT2; các công trình công cộng, trung tâm thương mại, trường học… vẫn còn là những ô đất bỏ hoang, cỏ mọc dày đặc, không có dấu hiệu thi công.

3-min-6940.jpg
Dự án được phát triển bởi Berjaya - Handico 12

Trao đổi với Thương gia, luật sư Trịnh Ngọc Bảo Kiên (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, Công ty TNHH Berjaya - Handico 12 có dấu hiệu vi phạm hàng loạt quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản và dân sự. Trong đó, đáng chú ý là hành vi huy động vốn không đúng quy định theo Điều 68 của Luật Nhà ở năm 2014.

Cụ thể, luật quy định chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đảm bảo đầy đủ điều kiện pháp lý, hình thức huy động phải phù hợp với loại hình nhà ở. Việc nhận tiền đặt cọc từ người dân trong khi chưa hoàn thành các điều kiện pháp lý có thể khiến các thỏa thuận không có giá trị pháp lý. Đồng thời, luật cũng yêu cầu vốn huy động phải được sử dụng đúng mục đích phát triển nhà ở chứ không được dùng cho mục đích khác.

Luật sư Kiên cũng đặt nghi vấn liệu nguồn tiền huy động từ người dân có bị sử dụng sai mục đích hay không, đặc biệt là trong bối cảnh dự án gần như không thi công trong nhiều năm.

Bên cạnh đó, theo ông Kiên, nếu thông thông tin cư dân cung cấp đúng về việc chủ âm thầm bán cổ phần, thì đây có thể là dấu hiệu “ve sầu thoát xác”, né tránh nghĩa vụ với khách hàng cũ.

"Với những hành vi này, không loại trừ khả năng chủ đầu tư bị xem xét về hành vi chiếm dụng vốn trái phép, thậm chí là lừa đảo nếu không chứng minh được mục đích sử dụng tiền minh bạch. Điều đáng lo ngại hơn là cơ quan quản lý vẫn chưa có phản hồi hay động thái nào dù người dân liên tục gửi đơn kêu cứu", luật sư Kiên bày tỏ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản Hải Phòng được ví như “TP.HCM 15 năm trước”

Bất động sản Hải Phòng được ví như “TP.HCM 15 năm trước”

Hạ tầng phát triển đồng bộ, công nghiệp bùng nổ, cộng thêm tiềm năng giá còn thấp đã giúp thị trường bất động sản Hải Phòng duy trì sức hút mạnh mẽ suốt từ đầu 2023 đến nay. Đây được xem là một trong những thị trường hiếm hoi có sức bật đồng đều trên nhiều phân khúc...