Công nhân nghỉ "Tết sớm" vì làn sóng cắt giảm nhân sự

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng thiếu vốn, không nhận được đơn hàng, đứt gãy nguồn cung ứng do tỷ giá tăng cao. Vì vậy, thị trường lao động Việt Nam đang cực kỳ phức tạp, các công ty tiến hành cắt giảm nhân sự, hoạt động cầm chừng.
Công nhân nghỉ "Tết sớm" vì làn sóng cắt giảm nhân sự

Thời điểm này, đáng ra là lúc các công nhân phải làm việc nhiều hơn để phục vụ cho lượng hàng trước và sau Tết nguyên đán. Tuy nhiên, tại các bến xe khách từ Nam ra Bắc lại thấy nườm nượp công nhân trở về quê.

Người lao động buồn...

Anh Phan Hải (20 tuổi - Hà Tĩnh) là nhân viên của công ty gỗ ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Công ty của anh thường xuyên nhận hàng gia công từ các đầu mối nước ngoài, do đó lượng công việc khá nhiều. Bình thường anh làm ngày 8 tiếng và tăng ca đều mỗi tuần, thu nhập khá ổn định để vừa gửi tiền về cho bố mẹ và chi tiêu cá nhân. Cách đây 2 tháng, công ty thông báo nhận được rất ít đơn hàng, vì vậy quyết định cắt giảm nhân sự và thời gian làm việc của người lao động xuống. Theo thông báo, anh Hải và các đồng nghiệp chỉ còn làm được 3 ngày/tuần đồng nghĩa với việc thu nhập của anh công nhân cũng vì thế mà giảm theo. 

“Sau 1 tháng giảm giờ làm, tôi quyết định nghỉ việc về quê ăn Tết sớm. Bởi tiền lương nhận được còn không đủ chi tiêu. Tiền trọ, tiền ăn, tiền xăng xe đi lại rồi cả cưới hỏi… khiến tôi sạch túi”, anh Hải tâm sự. 

Còn chị Ngọc Quý (26 tuổi - Bình Dương) vẫn quyết định bám trụ tại công ty dệt may tại khu công nghiệp Mỹ Phước - Bến Cát - Bình Dương, dù bị giảm giờ làm. Thời gian trước một tháng chị tăng ca ít nhất được 30 - 40 tiếng, còn bây giờ không những không được tăng ca, mà giờ làm chính cũng bị rút bớt lại. 

Chị Quý chia sẻ, một tuần giờ chỉ còn làm được 3 - 4 ngày, thời gian còn lại ở trọ không. Chị vẫn phải cố gắng vì nghỉ việc thì không biết làm gì, phải bám lấy công ty dù đồng lương ít ỏi nhưng vẫn đủ sinh hoạt gia đình. 

Ít nhất, anh Hải và chị Quý còn được cơ quan duy trì công việc hoặc có thể tự đưa ra quyết định. Công nhân tại nhiều khu công nghiệp khác phải mất việc vì công ty tuyên bố phá sản và chấm dứt hợp đồng, trong khi tết chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa. 

Anh Duy Ngọc (25 tuổi, ở Bắc Giang) là công nhân trong khu công nghiệp Yên Phong – Bắc Ninh, gắn bó được với công ty nhựa gần 5 năm trời, nhưng vừa rồi do gặp vấn đề khó khăn đầu vào nên anh bị giảm thời gian làm việc xuống còn 3 ngày/1 tuần. Không may mắn như anh, chị Kim Ngân vợ của anh phải nghỉ tết sớm vì công ty hết đơn hàng dệt may. Trước đây, tăng ca và lương thu nhập 2 vợ chồng khoảng 20 đến 25 triệu, đủ chi tiêu và chăm lo cho con nhỏ. Nhưng giờ đây mọi gánh nặng đổ dồn lên vai người bố trẻ, trong khi đó giờ làm bị cắt lương cũng chỉ được 4 đến 5 triệu.

Chị Ngân mặt buồn bã, nhìn về đứa con thơ: “Tết nhất đến rồi, tiền lương bố đủ sữa, tã cho con thôi, tôi thì thất nghiệp không biết làm gì. Nghĩ chừng nào buồn chừng đấy, ở đây đủ thứ tiền phải tiêu. Trước tôi còn gửi con đi trẻ mất mấy triệu một tháng, giờ thất nghiệp ở nhà trông con, vừa thương chồng vừa lo cái tết tới chưa biết như thế nào”.

Doanh nghiệp cũng chẳng vui

Viễn cảnh trên diễn ra do hàng loạt công ty bị thua lỗ nặng bởi các vấn đề về đơn hàng, nguyên liệu, xuất hàng đầu ra kém.... và việc chẳng đành là phải cắt giảm nhân sự hàng loạt.

Điển hình, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III cũng đã ghi nhận kết quả kinh doanh sau thuế lỗ 567,3 tỷ đồng. Thua lỗ khiến VNSTEEL phải gửi thông báo đến cán bộ nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngưng sản xuất dài ngày từ tháng 10 đến 12/2022. 

Các doanh nghiệp sản xuất giày dép, dệt may cũng gặp tình trạng tương tự. Gần nhất, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam là một công ty con thuộc Tập đoàn Pou Chen (Đài Loan, Trung Quốc), có hệ thống hàng chục công ty con sản xuất, gia công giày dép, túi xách tại Việt Nam dự kiến sẽ cho 20.000 công nhân các xưởng thuộc khối sự nghiệp nghỉ luân phiên trong 3 tháng và hưởng lương 180.000 đồng/ngày trong thời gian nghỉ.

Cắt giảm nhân sự
Hàng nghìn công nhân đối diện với khả năng giảm giờ làm. Ảnh minh họa

Vẫn biết, việc cắt giảm nhân sự chỉ là biện pháp tạm thời để các doanh nghiệp trên duy trì hoạt động. Và chắc chặn họ cũng hiểu rằng sẽ có phản ứng phụ. Đó là việc nếu kinh tế phục hồi thì nguồn nhân lực đang có không thể đáp ứng các đơn hàng mới, nguy cơ mất thị phần cho đối thủ mạnh hơn. Tuy nhiên, như đã nói, đây là việc "chẳng đành".

Thế nhưng rủi ro, nguy cơ cho doanh nghiệp chỉ là ở tương lai, chưa chắc đã xuất hiện. Còn hiện tại, đối tượng chắc chắn bị ảnh hưởng trực tiếp chính là những công nhân bị cắt giảm. 

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay số lao động tạm ngưng hợp đồng khoảng 28.000 người. Đặc biệt là trong tháng 10, số lượng người lao động nghỉ việc không lương tăng đột biến, khoảng 14.000 người. Theo thống kê lao động bị giảm giờ làm có khoảng 240.000 người. Riêng số lao động thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết tháng 9/2022, có khoảng 70.000 người. 

"Trước mắt, với những lao động nào phải nghỉ việc thì cơ quan liên quan chi trả bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ kịp thời để họ trang trải cuộc sống", ông Tuyên nói và nhấn mạnh: "Đây là hiện tượng khá nhức nhối, cần sự can thiệp, chỉ đạo của nhà nước các bộ ban ngành để tìm ra giải pháp phù hợp, giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động. Trong khi Tết nguyên đán 2023 đã đến gần, hàng nghìn công nhân mất việc, chưa biết đi đâu về đâu, gánh nặng kinh tế càng tăng thêm cho những “nhân công giá rẻ”.

Có thể bạn quan tâm