Theo quan sát, tính đến nay, đã có nhiều công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với những con số kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm chung của các công ty này là các mảng kinh doanh đều có sự cải thiện nhờ thị trường chung tốt lên về thanh khoản và điểm số. Trong đó, mảng hồi phục mạnh nhất là tự doanh cùng với doanh thu môi giới và cho vay ký quỹ (margin) đều chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu.
TOP 10 DOANH NGHIỆP CHỨNG KHOÁN CÓ LỢI NHUẬN LỚN NHẤT QUÝ 3/2023
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý 3/2023 của các công ty chứng khoán có thể thấy bức tranh kết quả kinh doanh tương đối rõ ràng với nhiều gam màu tích cực. Quý 3 vừa qua là khoảng thời gian thị trường chứng khoán giao dịch sôi động nhất trong vòng một năm rưỡi trở lại đây.
Nhờ đó, tổng lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong quý 3 vừa qua ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 23% so với quý 2 trước đó và gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây.
Trong đó, Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) dẫn đầu lợi nhuận ngành chứng khoán trong quý 3 với 1.148 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 108% so với quý 2/2023 và 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế lãi trước thuế 9 tháng năm 2023 của TCBS đạt hơn 2.148 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm (107%).
Vị trí á quân lợi nhuận thuộc về Chứng khoán SSI với lãi trước thuế quý 3 đạt 880 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.204 tỷ và 1.780 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Theo sau là mức lợi nhuận trước thuế 788 tỷ đồng đang ghi nhận tại VNDirect, mức lãi này cao gấp gần 7 lần so với quý 3/2022. Sự tăng trưởng chủ yếu nhờ hoạt động tự doanh khởi sắc. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, VNDirect ghi nhận doanh thu 4.629 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 1.490 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 13% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng nằm trong các công ty chứng khoán top đầu, Chứng khoán VPS báo lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 đi ngang so với cùng kỳ năm trước, đạt 332 tỷ đồng. So với hai công ty chứng khoán dẫn đầu là SSI và TCBS, mức lợi nhuận này vẫn còn thấp hơn đáng kể.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết lợi nhuận trước thuế trong quý 3 năm nay tăng 10% so với quý 3/2022, đạt 301 tỷ đồng do vốn điều lệ tăng 6.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời công ty đa dạng hóa danh mục đầu tư, tăng thị phần và quy mô cho vay… dẫn đến số lượng khách hàng tăng lên đáng kể doanh thu từ tất cả các hoạt động.
Ngoài ra, công ty tăng cường hoạt động vay vốn, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, dẫn đến tăng mạnh chi phí tài chính thêm 39,8 tỷ đồng, cùng với đó tăng chi phí hoạt động khoảng 276% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Chứng khoán HSC công bố lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 đạt 266 tỷ đồng, tăng 36% so với quý 2/2023 và là mức cao nhất trong 5 quý liền kề gần đây. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, HSC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 617 tỷ đồng, hoàn thành 68% kế hoạch năm 2023.
Tại Công ty Chứng khoán VIX ghi nhận lãi trước thuế trong quý 3 này đạt mức 248 tỷ đồng, tăng mạnh 143% so với cùng kỳ, xếp ở vị trí thứ 7 trong bảng so sánh lợi nhuận các công ty chứng khoán. Liền kề VIX là Chứng khoán SHS với mức lợi nhuận gần đạt 247 tỷ đồng, tăng 131% so với quý 3/2022 nhờ các mảng hoạt động chính là tự doanh, môi giới và cho vay đều khởi sắc.
Ấn tượng hơn cả là mức tăng trưởng của Chứng khoán FPT (FPTS) với doanh thu hoạt động trong quý 3 đạt 325 tỷ đồng, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của FPTS trong quý 3/2023 là 211 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 36 tỷ đồng. Đây là kết quả tốt nhất của đơn vị này trong 6 quý, kể từ sau quý 1/2022 (lãi 213 tỷ đồng).
Đứng ở vị trí chót bảng là Chứng khoán Vietcap khi mang về 210 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 37% so với năm trước. Mặc dù tình hình kinh doanh quý 3 khởi sắc, song, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, kết quả của công ty vẫn đi lùi so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu hoạt động và lãi trước thuế lần lượt 1.667 tỷ đồng và 421 tỷ đồng, giảm 29% và 59%.
Ngoài Top 10 công ty chứng khoán có mức lợi nhuận trước thuế cao nhất, theo thống kê, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3 này. Trong đó, những chứng khoán báo lãi trước thuế trên 100 tỷ đồng quý vừa qua còn có Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Chứng khoán KIS Việt Nam, Chứng khoán BIDV (BSC), Chứng khoán ACBS và Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)…
ĐỘNG LỰC GIÚP LỢI NHUẬN CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TĂNG TRƯỞNG?
Đà tăng trưởng của các công ty chứng khoán được hỗ trợ tích cực bởi diễn biến tương đối khởi sắc của thị trường trong quý 3. Trước khi quay đầu giảm mạnh, có những thời điểm hồi đầu tháng 9, VN-Index leo lên mức cao nhất trong vòng 1 năm.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 28/9/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.140,50 điểm, giảm 6,8% so với cuối tháng trước và tăng 13,25% so với cuối năm 2022; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 15/9/2023) đạt 6.349 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5% so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu cũng tăng mạnh trong thời gian qua, giúp hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán đạt kết quả tích cực, nhất là ở nhóm top 10 nêu trên.
Điển hình như Chứng khoán SSI, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) trong quý 3 đạt 765 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL ở mức 161 tỷ đồng. Theo đó, SSI lãi gộp đến hơn 600 tỷ từ hoạt động tự doanh, gấp hơn 2 lần cùng kỳ.
Tương tự, doanh thu hoạt động của Chứng khoán VNDirect đạt hơn 1.751 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm tới hơn phân nửa cơ cấu doanh thu, đạt 925 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Ngược lại, lỗ từ FVTPL lại giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức 281 tỷ đồng. Như vậy, công ty chứng khoán này lãi gộp từ tự doanh đến 644 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ ở mức 24 tỷ đồng.
Hay doanh thu hoạt động của TCBS tăng 44% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.700 tỷ đồng. Đóng góp lớn nhất vào mức tăng doanh thu là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) với gần 670 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Trong khi lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ 24 tỷ đồng, do đó lãi gộp từ tự doanh của TCBS là 646 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nhiều công ty chứng khoán có kết quả từ hoạt động tự doanh không cao, thậm chí chuyển thành lỗ. Tuy nhiên các mảng môi giới và cho vay lại khởi sắc giúp lợi nhuận của doanh nghiệp không bị sụt giảm. Nổi bật nhất trong nhóm này là Chứng khoán VPS. Trong quý 3, lãi từ FVTPL của công ty chứng khoán này đạt 418 tỷ đồng trong khi lỗ từ các tài sản này là 482 tỷ đồng, dẫn đến lỗ gộp tự doanh 64 tỷ đồng. Đổi lại doanh thu môi giới của VPS đạt 953 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ; lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 32% lên mức 406 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận doanh nghiệp trong kỳ này không thay đổi nhiều so với cùng quý 3/2023
Không chỉ VPS, đa phần các công ty chứng khoán đều ghi nhận tăng trưởng trong mảng môi giới và cho vay. Theo thống kê, ước tính tổng doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán quý 3 đạt hơn 4.200 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng lãi gộp tăng trưởng đến 55% so với quý 3/2022, lên mức 1.070 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng lãi từ cho vay và phải thu quý 3/2023 cũng tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 4.800 tỷ đồng.
Trên thực tế, thanh khoản trên thị trường sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động môi giới và cho vay của các công ty chứng khoán và quý 3 vừa qua lại là giai đoạn thị trường sôi động nhất trong khoảng một năm rưỡi trở lại đây.
Lượng tài khoản mở mới trong 3 tháng của quý 3 đều trên 150.000 đơn vị, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung giai đoạn trước. Giá trị khớp lệnh trên HOSE trong phần lớn thời gian của quý 3 duy trì trên 20.000 tỷ đồng. Thậm chí, ở thời điểm giao dịch bùng nổ, thanh khoản thị trường còn chạm ngưỡng tỷ USD, trong những ngày đầu tháng 9/2023.
Lượng nhà đầu tư mới gia tăng cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng đòn bẩy. Theo số liệu từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, trong 9 tháng, nhà đầu tư đã mở mới thêm 926.200 tài khoản, đưa tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 7,8 triệu tài khoản, tăng 13,4% so với cuối năm 2022.
Mặt khác, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ở thời điểm cuối quý 3/2023 theo thống kê tăng 15.000 tỷ lên ngưỡng 165.000 tỷ đồng, tương đương giai đoạn cuối quý 3 năm ngoái. So với đầu năm nay, con số này đã tăng 43.000 tỷ đồng. So với mức đỉnh hồi cuối quý 1 năm ngoái, con số còn kém khoảng 35.000 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ cho vay chủ yếu đến từ việc cho vay margin với 159.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17.000 tỷ so với cuối quý 2, còn lại là ứng trước tiền bán cho nhà đầu tư. Đây là quý thứ 2 liên tiếp, dư nợ margin có sự gia tăng so với thời điểm cuối quý trước.
Có thể nhận thấy rõ, quý 3 vừa qua là khoảng thời gian thuận lợi với nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường cũng như kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán. Thế nhưng, “bệ đỡ” này đang dần lung lay khi thị trường bước vào giai đoạn khó khăn với thanh khoản sụt giảm. Đợt điều chỉnh mạnh của thị trường cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023 đã lấy mất gần như toàn bộ nỗ lực đi lên của các chỉ số chứng khoán trong hai tháng đầu quý 3. Trong bối cảnh đó, kỳ vọng vào KRX và nâng hạng thị trường vẫn là câu chuyện ở tương lai.
Song, khi bàn luận về nhóm ngành dự kiến tăng trưởng lợi nhuận trong những tháng cuối năm, tại một tọa đàm được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng chứng khoán vẫn là nhóm ngành đầy triển vọng tỏa sáng.
Cụ thể, nhóm chứng khoán liên quan tới thanh khoản và đà phục hồi của thị trường gia tăng trở lại. Trong ba năm trở lại đây, nhóm chứng khoán vẫn là nhóm có lượng tăng vốn tốt nhất trên thị trường. 9 tháng đầu năm, nhìn về thanh khoản trên thị trường thì đây là một cú hích với ngành chứng khoán và là ngành duy nhất có mức tăng trưởng tốt ba quý đầu năm.
Yếu tố thứ hai là sức ép từ đầu tư trong 9 tháng qua khi lãi suất ở mức thấp, bất động sản “đóng băng” và các kênh đầu tư khác không hiệu quả. Vì vậy, khi nhà đầu tư gia nhập vào kênh chứng khoán sẽ phải lựa chọn một nhóm ngành có câu chuyện cơ bản nhất và chứng khoán có thể là nhóm cổ phiếu được nhà đầu tư hướng đến.