Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An: Dự án thương mại 'khoác áo' văn hóa?

Công viên văn hóa chủ đề 'Ấn tượng Hội An' (gọi tắt là Gami Hội An) do Công ty CP Gami Hội An làm chủ đầu tư được nhiều 'ưu ái' của tỉnh Quảng Nam mà dư luận cho rằng đây là dự án thương mại 'khoác áo
Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An: Dự án thương mại 'khoác áo' văn hóa?

Từ dự án thương mại đến công viên văn hóa

Tháng 3/2008, sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận, Cty CP Gami Hội An đã khởi công dự án Làng du lịch sinh thái Gami Hội An. Tổng diện tích quy hoạch của dự án này là hơn 11,3ha, bao gồm 1 cồn bãi lớn và 1 cồn nhỏ trên sông Hoài và một phần trên bờ thuộc phường Cẩm Nam và phường Cẩm Châu, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Dự án bao gồm tổ hợp các công trình dịch vụ du lịch và trung tâm hội nghị đa chức năng với diện tích 16.000m2, có thể phục vụ 800 - 950 người, khách sạn 5 sao quy mô 200 phòng, khu phố thương mại, khu biệt thự cao cấp và các hạng mục cây xanh, cảnh quan, bến du thuyền... Tổng vốn đầu tư 43 triệu USD.

Tuy nhiên, sau khi làm kè bê tông một đoạn ngắn, chủ đầu tư dự án này triển khai cầm chừng rồi dừng hẳn. Suốt thời gian dài đắp chiếu, bất chấp việc UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần hối thúc, năm 2015, dự án bị thu hồi giấy phép. Song đến tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép trở lại cho dự án bằng hình thức đầu tư công viên văn hóa với tên gọi “Ấn tượng Hội An”.

Gami Hội An đã biến một cồn nổi đẹp thành những khối bê tông, gây bức xúc và lo ngại trong dư luận Hội An. Người dân và cán bộ Hội An lo ngại công trình sẽ tạo ra các hệ lụy xấu như nước lũ bị đẩy về uy hiếp đôi bờ sông Hoài. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng bày tỏ lo ngại rằng Gami Hội An dựng lên một khối bê tông 25.000m2 chắn giữa dòng chảy con sông vốn nổi tiếng hung dữ về mùa lũ, hậu quả thế nào, ai cũng có thể biết. Từ trước đến nay, vào mùa lũ nước sông Hoài dâng cao có thể thoát qua cồn bắp, hai bên bờ sông ít ảnh hưởng. Còn bây giờ, khi Gami Hội An xây bờ kè lấn ra mặt sông, lấn át dòng chảy khiến dân cư hai bên bờ lo lắng khi mưa lũ đến.

Xung quanh cồn Gami hiện được kè cứng bằng những khối bê tông lớn. Hệ thống kè này lấn mạnh ra mặt sông, cắt đứt mạch chảy của sông Hoài về hai bên và đã bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sụt lún song chưa kết luận được nguyên nhân. Trao đổi với PV báo NNVN, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An khẳng định trên đường Huyền Trân Công Chúa đã xảy ra đoạn lún sụt dài khoảng 20m.

Phòng TN-MT TP Hội An còn phát hiện hệ thống nước thải từ trên cồn Gami xả thải trực tiếp xuống sông Hoài. Ông Nguyễn Đình Hùng - Trưởng phòng TN-MT TP Hội An, cho biết đơn vị này đã lấy mẫu nước xả thải chuyển đến cơ quan chuyên môn để phân tích, đánh giá xem mức độ ô nhiễm. “Khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo cáo UBND TP Hội An”, ông Hùng nói.

Tạm ứng… giấy phép

Trong giấy phép xây dựng Dự án Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An”, Sở Xây dựng Quảng Nam phê duyệt rõ chiều cao, diện tích các hạng mục như: khán đài ngoài trời có tổng diện tích xây gần 8.000m2, chiều cao 16,3m; công trình khu thương mại có chiều cao 10,25m, hạng mục công trình đón tiếp... Đáng lưu ý là hạng mục khán đài ngoài trời có chiều cao 16,3m được chủ đầu tư gọi là “điểm nhấn” đã vượt ngưỡng Quy chế quản lý, bảo tồn và sử dụng di tích Khu phố cổ Hội An (2008).

Có mặt tại Hội An, chúng tôi bất ngờ khi được biết giấy phép xây dựng Gami Hội An được ký vào ngày 20/3 nhưng thực tế công trình xây dựng trên cồn bắp phường Cẩm Nam đã được bắt đầu từ trước, khi có giấy phép thì các tòa nhà của hạng mục thứ nhất (trong tổng số 14 hạng mục) đã mọc lên giữa dòng sông Hoài. Và đêm diễn đầu tiên của thực cảnh nghệ thuật “Ký ức Hội An” đã diễn ra trước đó vào tối 18/3. Như vậy, hoạt động xây dựng Gami Hội An đã được tiến hành trước đó theo kiểu… tạm ứng giấy phép.

Để làm rõ những nội dung xung quanh dự án, PV báo NNVN đã nhiều lần liên hệ với phía chủ đầu tư nhưng Cty CP Gami Hội An không phản hồi.

“Ưu ái” doanh nghiệp

“Ký ức Hội An” được coi là giai đoạn 1 của dự án. Giai đoạn 2 và 3 gồm các làng nghề văn hóa, khu lưu trú, mua sắm… Dự kiến, tháng 6/2018, khu công viên văn hóa chủ đề bao gồm các làng văn hóa còn lại được hoàn tất. Tới tháng 6/2019, dự kiến khu lưu trú, shop house sẽ hoàn tất và đưa dự án đi vào hoạt động tổng thể.

Gami Hội An nằm trong khu vực II-B của Di sản văn hóa thế giới Hội An. Ông Đỗ Lai – Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Hội An cho biết việc xây dựng tại đây phải tuân theo Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích Khu phố cổ Hội An (2008). Điều 11 Quy chế này quy định: Trong khu vực II-B, theo quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng đô thị, công trình xây dựng cao không quá 13,5m.

Như trên chúng tôi đã nhắc đến, “điểm nhấn” hạng mục khán đài ngoài trời của Gami Hội An có chiều cao 16,3m là “vượt ngưỡng” quy chế. Lý giải điều này, ông Đỗ Lai cho biết dự án được tỉnh Quảng Nam quyết định và phê duyệt.

Trước đó, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng UBND tỉnh Quảng Nam cũng như UBND TP Hội An đã ưu ái để doanh nghiệp xây dựng “vượt ngưỡng”, còn nhà dân bị khống chế xây dựng chỉ được cao 13,5m: “Cả một quy chế bảo tồn di sản đã bị coi thường. Sao lại ưu ái đến mức độ vi phạm cả một quy chế? Đừng để một dự án mà ảnh hưởng đến cả một khu di sản, ảnh hưởng đến không gian sống của Hội An”.

"Núi sông bên ngoài biên giới"

Đó là chia sẻ của ông Mai Soái Nguyên, cha đẻ của kịch thực cảnh, CEO của Sơn Thủy Thịnh Điền, tổng đạo diễn “Ký ức Hội An” trên tờ Tân Hoa xã.

Đạo diễn Mai Soái Nguyên cho biết, trong lễ ra mắt ông đã cùng ông Nguyễn Tiến Dũng, CEO tập đoàn Gami tới dự “Ký ức Hội An”.

Ông Mai Soái Nguyên tiết lộ đây là lần đầu tiên kịch thực cảnh được đưa ra nước ngoài, tác phẩm được các nghệ sĩ 2 nước Trung Việt cùng nhau thực hiện, dùng phương thức của Trung Quốc diễn giải câu chuyện của Việt Nam.

Cha đẻ của kịch thực cảnh còn chia sẻ thêm: “Ký ức Hội An” là bước đầu tiên để “dùng phương thức Trung Quốc kể câu chuyện thế giới” tại nước ngoài. “Sau này chúng tôi sẽ đi theo con đường tơ lụa trên biển để có bước đi chiến lược, tiến tới Singapore, Malaysia, Campuchia…”.

Theo Nông Nghiệp

baomoi.com/s/c/25679844.epihttps://baomoi.com/s/c/25679844.epi

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...