Cục thuế Hà Nội vừa công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền thuê đất tháng 5/ 2019 bao gồm cả các doanh nghiệp được nêu tên lần đầu và những doanh nghiệp nợ từ năm 2015-2018. Tổng số đơn vị trong danh sách công khai nợ thuế tháng 5/2019 là 202 với số nợ hơn 1.126 tỷ đồng.
Theo đó, trong danh sách nợ công bố lần đầu, tính đến hết tháng 3/2019, có 91 doanh nghiệp nợ gần 22 tỷ đồng thuế, phí. Đứng đầu là CTCP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 với tổng nợ là gần 4,6 tỷ đồng.
Tiếp sau là Công ty TNHH Kết cấu và Xây dựng Kimeco Vina và CTCP Phát triển Công nghệ Tây Hồ với khoản nợ lần lượt là 3,012 tỷ đồng và 1,831 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 7 doanh nghiệp nợ tiền thuế, phí ở mức từ 500 đến 700 triệu đồng.
Ngoài ra, đứng đầu danh sách nợ tiền sử dụng đất là Công ty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung với gần 47 tỷ đồng. Cũng trong danh sách này, có 4 chủ đầu tư nợ tiền thuê đất với tổng số tiền là hơn 31 tỷ đồng bao gồm : CTCP Sỹ Ngàn (hơn 15 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đại Dương (gần 8,5 tỷ đồng), CTCP xây dựng Khu Bắc (hơn 6,5 tỷ đồng) và CTCPĐầu tư Xây dựng Đông Sơn (hơn 1,4 tỷ đồng).
Bên cạnh những cái tên mới là 106 đơn vị đã được công khai trong giai đoạn 2015-2018 có dấu hiệu “chây ỳ” với tổng số nợ lên đến hơn 1.000 tỷ đồng thuế, phí và các khoản liên quan đến đất.
Cụ thể, có 94 doanh nghiệp nợ 588,2 tỷ đồng thuế, phí. Đứng đầu danh sách này là Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy với số nợ là là 168,4 tỷ đồng (tính đến ngày 31/3/2019); CTCP Constrexim-Meco nợ gần 26 tỷ đồng; Công ty CP SIC hơn 25 tỷ đồng; Công ty CP Xây lắp và Trang trí nội thất Việt Nam nợ 24 tỷ đồng.
Trong danh sách công khai lại có 5 đơn vị nợ 13 tỷ đồng tiền thuê đất. Đứng đầu danh sách này là CTCP Xây dựng số 12 Thăng Long với số nợ là là 8 tỷ đồng (tính đến ngày 31/3/2019); Công ty xây dựng số 8 Thăng Long nợ 2,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 7 đơn vị nợ 424,8 tỷ đồng tiền sử dụng đất (số nợ tính đến ngày 30/4/2019). Đứng đầu danh sách này là Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà với số nợ là là 164,3 tỷ đồng; CTCP Lilama và Công ty TNHH đá quý Thế Giới cùng nợ hơn 69 tỷ đồng; Công ty TNHH Kim Anh nợ hơn 42 tỷ đồng.
Được biết Constrexim-Meco thành lập ngày 17/12/2002, hiện có trụ sở tại địa chỉ tại nhà HH2, phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
"Doanh nghiệp này từng bị tố liên quan đến sai phạm tại Dự án Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah thuộc địa phận 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư.
Cụ thể, Constrexim Meco đảm nhiệm hạng mục đập tràn Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 11/2004, hạng mục thi công xây dựng đập tràn công trình thủy điện nói trên có một số dấu hiệu sai phạm, đáng chú ý có khoản tiền hơn 16 tỷ đồng được ứng trực tiếp từ Ban điều hành tổ hợp, được cho là sai nguyên tắc quản lý kinh tế của Nhà nước.
Trước đó, Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, đề xuất các cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế quyết liệt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư có nguồn tiền nhưng cố tình chây ỳ, không hoàn thành nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước.
Theo ý kiến của một luật sư, trong trường hợp doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế, mặc dù đã bị cưỡng chế bằng hình thức ngưng sử dụng hoá đơn nhiều lần mà vẫn không nộp thuế, căn cứ Điều 3, Thông tư 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, ngoài việc trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong toả tài khoản… thì có thể kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, cũng có thể thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ. Hoặc cơ quan chức năng có thể thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
>> Hà Nội: Bêu tên 96 doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế