Covid-19 và các gói hỗ trợ của ngân hàng: Vẫn chủ yếu để... truyền thông?

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, thậm chí là các khách hàng cá nhân đã và đang đặt thẳng vấn đề đối với các gói hỗ trợ của khách hàng mang tính truyền thông nhiều hơn là hỗ trợ thực tế.
Covid-19 và các gói hỗ trợ của ngân hàng: Vẫn chủ yếu để... truyền thông?

Thời gian qua, trước sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đến đời sống kinh tế - xã hội, không khó để tìm kiếm trên các phương tiện truyền thông những nội dung như “ngành ngân hàng vượt khó hỗ trợ khách hàng”, “ngành ngân hàng tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19”, “các ngân hàng thương mại đồng hành cùng khách hàng vượt qua mùa dịch”...

Thực tế thì những chính sách hỗ trợ đã được triển khai với những con số trên báo cáo rất khả quan. Rõ ràng, sự ưu tiên các doanh nghiệp lớn – trụ cột của nền kinh tế là điều đương nhiên, nhưng các doanh nghiệp nhỏ hay nhóm khách hàng cá nhân chẳng lẽ không phải là khách hàng của ngân hàng?

Nỗ lực của nhà điều hành

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) , Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng cho biết, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai thực hiện.

Theo đó, đã có nhiều kết quả đang kể như, cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện cho 166.544 khách hàng, với dư nợ là 62.835 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ là 14.368 khách hàng, với dư nợ là 12.319 tỷ đồng; thực hiện hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho khách hàng là 289.204 khách hàng, với dư nợ là 948.407 tỷ đồng; số lãi dự kiến hạ cho khách hàng là 3.530 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi 146.571 khách hàng, với doanh số cho vay là 511.230 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã gia hạn nợ 102.930 khách hàng, với dư nợ là 2.815 tỷ đồng; thực hiện cho vay mới 516.688 khách hàng, với dư nợ là 18.825 tỷ đồng.

Theo đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu của các TCTD. “Vừa qua, NHNN cùng các TCTD trên toàn quốc đã vào cuộc quyết liệt nhưng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa để đưa được những giải pháp chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN đi vào cuộc sống, tháo gỡ kịp thời tất cả khó khăn vướng mắc phát sinh của các doanh nghiệp, người dân”, Thống đốc nói.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng yêu cầu, trong thời gian tới, toàn hệ thống quyết liệt hơn trong việc triển khai các giải pháp chỉ đạo đồng bộ của Chính phủ và NHNN. “Các TCTD cần xác định, hỗ trợ cho khách vay vốn, triển khai hỗ trợ đó là có tác dụng cho cả hệ thống ngân hàng lẫn khách hàng vay vốn, là trách nhiệm của chúng ta với hệ thống, nền kinh tế”, Thống đốc nhấn mạnh.

Doanh nghiệp vẫn than khó

Nhìn vào kết quả trên có thể thấy, bên cạnh sự nỗ lực của các nhà điều hành thì “công lao” và "khổ lao" của các ngân hàng thương mại là rất lớn bởi tất cả các biện pháp hỗ trợ khách hàng hoàn toàn là tiền huy động từ dân cư không phải từ tiền ngân sách.

Tuy nhiên, cũng nhìn vào những kết quả được báo cáo có thể thấy, lượng khách hàng của hỗ trợ cũng không nhỏ nhưng có chăng do được quyền quyết định các đối tượng khách hàng được hưởng chính sách nên các ngân hàng đang có sự ưu tiên các khách hàng lớn?

Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp than khó tiếp cận gọi tín dụng của các ngân hàng đưa ra. Lý giải về cái sự khó này, TS Nguyễn Chí Hiếu cho biết “cái doanh nghiệp đang cần hiện nay là vốn lưu động để trả các khoản chi phí từ thuê nhà xưởng cho đến lương nhân viên, chứ không chỉ là chi phí lãi vay. Mà đa phần các ngân hàng giảm lãi vay, giãn nợ như vậy cũng là chưa đủ, mà cần phải có dòng tiền để sống sót qua giai đoạn khó khăn hiện nay”.

Do đó, nhiều ngân hàng đặt tiêu chuẩn “giải cứu” khá cao, như lịch sử, hồ sơ tài chính ở mức tốt. Nhưng trong bối cảnh không có doanh thu như hiện nay, hàng tồn kho tăng lên, doanh nghiệp ngừng sản xuất thì sức khỏe tài chính của hầu như tất cả doanh nghiệp đều đã đi xuống. Sự đối lập này xuất hiện ngay từ khâu giải quyết hồ sơ nên việc chậm chạp giải quyết cũng là điều dễ hiểu.

Cũng theo ông Hiếu, doanh nghiệp còn trăm khoản chi phí khác, chứ không chỉ là chi phí lãi vay ngân hàng. Dòng tiền doanh nghiệp ở mức âm mới là điều khiến các ông chủ doanh nghiệp đứng ngồi không yên, nên rất cần ngân hàng “bơm” thêm thanh khoản để tồn tạ

Tại buổi tọa đàm “Chiến lược quản lý khủng hoảng” do Endeavor Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital, nhận định rằng ngoài việc “đóng băng” các khoản nợ hiện hữu là điểm nhấn quan trọng, thì những chính sách ngân hàng còn lại vẫn chưa thực sự rõ nét.

Áp lực trả nợ đúng hạn đối với nhóm khách hàng cá nhân đang rất lớn dù các ngân hàng vẫn liên tiếp "tung" gói hỗ trợ trên truyền thông
Áp lực trả nợ đúng hạn đối với nhóm khách hàng cá nhân đang rất lớn dù các ngân hàng vẫn liên tiếp "tung" gói hỗ trợ trên truyền thông

Cá nhân “khóc ròng”

Theo đại diện từ các ngân hàng phát biểu với truyền thông, những biện pháp như giảm lãi, điều chỉnh lãi suất, áp dụng lãi suất hỗ trợ, giãn nợ, gia hạn nợ không chỉ dành cho các khách hàng doanh nghiệp mà còn áp dụng đối với cả các khách hàng cá nhân.

Không rõ, các ngân hàng đang hỗ trợ nhóm khách hàng này đến đâu nhưng khi hỏi 10 người hiện đang có các khoản vay tại ngân hàng thì tất cả đều trả lời rằng “ngân hàng chẳng tha cho ngày nào?”. Tức là ở đây, thậm chí đến chính sách giãn thời gian trả nợ nhiều khách hàng cá nhân vẫn còn chưa nhận được.

Theo chị Huyền Trang (Hà Nội), bản thân chị là nhân viên của một ngân hàng và cũng đang có khoản vay mua nhà tại nơi mình làm việc nhưng cũng không được chậm trễ trả nợ. Trong khi đó, theo sự phân công của ngân hàng, chị Trang phải làm việc tại nhà, lương thưởng bị cắt giảm tới 40% so với thời kỳ trước dịch.

Không chỉ riêng chị Trang mà nhiều đồng nghiệp của chị cũng đang phải chịu những áp lực nói trên. “Ngân hàng hiểu rõ nhất tình trạng thu nhập của nhân viên bị cắt giảm nhiều như thế sẽ ảnh hưởng tới khả năng trả nợ nhưng không thấy hỗ trợ gì”, chị Trang chia sẻ thêm.

Tương tự, anh P.X.V – nhân viên tư vấn du học, trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, học sinh đi du học không có, anh gần như không có nguồn thu, trong khi đang có một khoản vay mua nhà khá lớn tại ngân hàng M.

“Trong khoảng 2 tháng qua, dù rất khó khăn nhưng tôi cũng cố gắng xoay sở, trả trước cho ngân hàng phần gốc là hơn 7 triệu đồng, và có đề xuất với ngân hàng cho giãn thời gian trả lãi để bán nhà tất toán khoản vay bởi không biết tình trạng không có thu nhập còn kéo dài đến khi nào. Tuy nhiên, nhiều ngày qua bộ phận thu hồi nợ liên tục gọi điện nói rằng không chấp nhận đề xuất của chi nhánh và yêu cầu tôi phải thanh toán khoản lãi quá hạn qua ngay lập tức nếu không sẽ tiến hành thu hồi tài sản. Bất chấp việc tôi đã trình bày thủ tục chuyển nhượng của tôi chắc chắn sẽ hoàn thiện sau đợt nghỉ lễ 30/4 1/5, tôi sẽ thanh toán toàn bộ dư nợ tại ngân hàng”, anh V chia sẻ thêm.

Cũng chung hoàn cảnh với anh V, một khách hàng cá nhân của Sacombank cho biết, cơ sở kinh doanh bị đóng cửa gần 1 tháng, không có nguồn thu nên đang bị quá hạn khoản vay hơn 10 ngày khoản, tức là đã bị nhảy nhóm nợ sang nhóm 2, ngay lập tức chiếc thẻ tín dụng vừa được cấp của anh đã bị ngân hàng tự động khóa với lý do “khách hàng nợ quá hạn, ngân hàng được khóa mà không cần phải thông báo”.

"Lúc ngân hàng mời chào mở thẻ, sử dụng dịch vụ, đóng tiền đúng hạn thì vui vẻ, nói chuyện dễ nghe nhưng đến lúc khách hàng xin được hỗ trợ vì khó khăn thì thái độ thay đổi 180 độ", vị khách hàng này bức xúc.

Thời gian qua,  những cụm từ hoa mỹ như “ngân hàng vượt khó hỗ trợ khách hàng”, “ngân hàng thắt lưng buộc bụng hỗ trợ khách hàng”, “ngân hàng đồng hành với khách hàng cá nhân” gần như chỉ mang tính chất nói cho hay so với thực tế kể trên.

Được biết, nhiều năm qua, các ngân hàng tập trung đẩy mạnh mảng bán lẻ và luôn đánh giá nhóm khách hàng cá nhân là tiềm năng, thế nhưng lúc khó khăn thì “tiềm năng” này lãnh đủ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...