CTCP Tập đoàn Đạt Phương: Nợ vay gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu, nhiều dự án trọng điểm bị thu hồi

Tính đến cuối năm 2021, số dư nợ vay tài chính của CTCP Tập đoàn Đạt Phương ở mức 2.706 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm và chiếm hơn 45% tổng tài sản, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu.
CTCP Tập đoàn Đạt Phương có nợ vay gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu.(Ảnh: Int)
CTCP Tập đoàn Đạt Phương có nợ vay gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu.(Ảnh: Int)

Theo báo cáo tài chính quý 4/2021, CTCP Tập đoàn Đạt Phương lãi ròng 147 tỷ đồng, giảm 9,1% trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 106 tỷ đồng, giảm 11% so với cũng kỳ năm trước.

Lợi nhuận quý 4 giảm

Theo báo cáo tài chính quý 4/2021, CTCP Tập đoàn Đạt Phương (HOSE: DPG) ghi nhận doanh thu hơn 1.010 tỷ đồng, tăng 35%. Trong đó, doanh thu hợp đồng xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 450 tỷ đồng, tăng 20,6%. Đầu tư bất động sản đóng góp 355 tỷ đồng, cao hơn 80% so với cùng kỳ trong khi doanh thu bán điện tăng 16% lên 204 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng 5% so với cùng kỳ đạt hơn 9 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng lãi tiền gửi có kỳ hạn. Tiền thu phát sinh từ thanh lý tài sản cố định 2,4 tỷ đồng và 7,2 tỷ đồng hoàn nhập các khoản bảo hành công trình xây dựng, dẫn đến lợi nhuận khác tăng từ 763 triệu lên hơn 10 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 3% so với cùng kỳ xuống 44,7 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng, lần lượt 171% và 25% do tăng chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí cho nhân viên.

Sau khi trừ chi phí, Đạt Phương lãi ròng 147 tỷ đồng quý 4/2021, giảm 9,1% so với cùng kỳ. Trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 106 tỷ đồng, giảm 11% so với cũng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2021, DPG ghi nhận doanh thu đạt 2.546 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 450 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,2% và 90,7% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện 92% kế hoạch doanh thu và vượt 27% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trong năm qua, Đạt Phương đã bất ngờ thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc thay đổi tên công ty. Theo đó, công ty đã chính thức được cổ đông thông qua việc đổi tên từ CTCP Đạt Phương sang CTCP Tập đoàn Đạt Phương.

Nợ vay gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Đạt Phương đạt 5.959 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền tăng 51% lên 1.046 tỷ đồng, trong đó tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng chiếm đến 69% với 716,6 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn chiếm 31% với 327,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Đạt Phương còn nắm giữ 14.598 cổ phiếu của BIDV với giá gốc là 205,4 triệu đồng trong khi giá trị hợp lý của khoản đầu tư này tại thời điểm 31/12/2021 là 541,5 triệu đồng, tương đương mức thặng dư 163%.

Về nguồn vốn, người mua trả tiền trước tăng từ 572 tỷ lên 822 tỷ đồng, phần lớn là tiền trả trước của ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thông tại tỉnh Quảng Nam, tiền trả trước để mua căn hộ, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Phú Quốc...

Đạt Phương cũng được biết đến là doanh nghiệp thường xuyên duy trì nợ vay tài chính ở mức cao. Số dư nợ vay tài chính tính đến cuối năm 2021 ở mức 2.706 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm và chiếm hơn 45% tổng tài sản, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu.

Khoản nợ dài hạn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản này là 1.293 tỷ đồng từ VietinBank - Chi nhánh 12 từ năm 2011, thời hạn vay 11 năm, lãi suất thả nổi, để thực hiện dự án Nhà máy thủy điện sông Bung 6. Đồng thời, một hợp đồng tín dụng khác được lập vào năm 2015 để đầu tư nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A và 1B với lãi suất thả nổi, thời hạn 186 tháng.

Bị thu hồi dự án, câu hỏi về năng lực?

Trở lại vấn đề đổi tên của doanh nghiệp này, không lâu sau khi đổi tên, CTCP Tập đoàn Đạt Phương đã bị UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi, hủy bỏ Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (Bình Dương, Thăng Bình) do công ty làm chủ đầu tư.

Lý do được UBND tỉnh Quảng Nam nêu ra là Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 214/QĐSKHĐT ngày 14/10/2021 về việc chấm dứt hoạt động của dự án. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 9/11/2021 về việc thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Theo tìm hiểu, đây là một dự án quy mô 183,87 ha, trong đó đất dự án khoảng 179,3 ha và đất hạ tầng tuyến đường Thanh niên ven biển khoảng 4,57 ha. Dự án do Đạt Phương làm chủ đầu tư với tính chất là khu vực phát triển dân cư, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và dịch vụ thương mại tổng hợp.

Việc Đạt Phương bị thu hồi dự án ngay trên “sân nhà” đã khiến không ít người bất ngờ bởi cả 4 dự án bất động sản do doanh nghiệp này phát triển đều nằm tại Quảng Nam bao gồm Khu đô thị Đồng Nà có diện tích 6,4ha; Khu đô thị Cồn Tiến trên diện tích 30 ha; Khu đô thị Bình Dương trên diện tích 183 ha; Quần thể Biệt thự nổi Sinh thái Casamia có tổng diện tích 15,6 ha.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...