Cú sốc đầu đời của những nhà đầu tư FO

Trong những phiên giao dịch giữa tháng 6, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhịp rung lắc đầu tiên sau 2 tháng tăng thẳng tắp nhờ dòng tiền của các "nhà đầu tư F0”.
Cú sốc đầu đời của những nhà đầu tư FO

Tất nhiên, những nhà đầu tư chưa từng trải qua các giai đoạn khủng hoảng này cũng có cú sốc đầu tiên tại sân chơi chứng khoán tưởng dễ kiếm tiền nhưng lại khó giữ được tiền.

Dữ liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong 3 tháng gần nhất (tháng 3 đến hết tháng 5), nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 102.000 tài khoản chứng khoán, tương đương với số tài khoản mở mới trong 7 tháng cuối năm 2019 (tháng 6 đến hết tháng 12). Có thể việc lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng giảm, trong khi TTCK giảm sâu bởi Covid-19 đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy.

Dòng tiền bắt đáy từ các“nhà đầu tư F0”đã giúp thị trường cân bằng trước áp lực bán ròng của khối ngoại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, từ tháng 3 tới hết tháng 5, khối ngoại đã ròng rã bán ròng hơn 14.000 tỷ đồng trên HoSE, tuy nhiên chỉ số VN-Index vẫn miệt mài hồi phục từ vùng đáy 650 điểm vào cuối tháng 3 và lên sát 900 điểm vào đầu tháng 6.

Bài học trả giá bằng tiền mặt

Thực tế, khi lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp thì thị trường chứng khoán trở thành nơi thu hút những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi. Chị Thanh Thuý (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tiền nhàn rỗi của gia đình chị chủ yếu đầu tư bất động sản lướt sóng một số dự án. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh bùng phát, bất động sản ảm đạm, nghe theo trào lưu của bạn bè chị Thuý cũng mở tài khoản đầu tư chứng khoán.“Tôi đặt ra tiêu chí khi lựa chọn cổ phiếu đó là những công ty nhỏ có dòng tiền tốt, cổ tức tốt, thị giá cổ phiếu không vượt quá 2x, chốt lời khi lãi trên 10% và cắt lỗ khi giảm 10%”, chị Thanh Thuý cho biết thêm.

Đặt ra tiêu chí là vậy nhưng không phải ai cũng có thể bỏ qua lòng tham để chốt lời khi thị trường đang trong trạng thái "mua là trúng"...

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra các phân tích về đặc tính giao dịch của các nhà đầu tư F0 cho rằng, nhóm nhà đầu tư này chưa từng bị tổn thương bởi nhịp rơi của thị trường nên sẽ không chốt lời quyết liệt mà thậm chí còn có khuynh hướng mua thêm. Thật vậy, khi tài khoản đã lãi hơn 20% vượt xa kỳ vọng ban đầu “thừa thắng xông lên” chị Thanh Thuý quyết định không chốt lời và chuyển thêm tiền vào tài khoản.Thế nhưng, thị trường chứng khoán là nơi luôn có những bất ngờ mà ngay cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng “khó đỡ” chưa nói gì đến F0. Mở màn cho cú sốc đầu tiên của các nhà đầu tư F0 là phiên giao dịch ngày 11/6 khi chỉ số Vn-Index giảm mạnh hơn 32,6 điểm về vùng 867.

Chưa kịp hoàn hồn các nhà đầu tư lại tiếp tục đón nhận thêm một phiên chao đảo ngày 15/6 với mức giảm 31,05 điểm, sắc đỏ bao trùm bảng điện tử thậm chí nhiều mã còn giảm sàn trắng bên mua.

Chị Thanh Thuý ngậm ngùi chia sẻ, “tổng số tiền mặt tôi bỏ ra là 800 triệu đồng vì có chút kinh nghiệm nên tự tin vay margin số tiền tương đương với lãi suất 9,8%/năm tăng số quỹ lên thành 1,8 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tài khoản của tôi đã âm 160 triệu đồng chưa kể những thiệt hại về thuế, phí lãi vay margin”.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, anh tham gia đầu tư từ thời điểm tháng 3. Thời điểm đó thị trường xuống đáy nên sang tháng 5 anh Nam đã có kha khá lợi nhuận. Tuy nhiên, trong khoảng hai tuần gây đây, tài khoản của anh đã “bay” gần hết số lợi nhuận đó.

Xác định rõ mục tiêu

Theo chia sẻ từ Công ty chứng khoán SSI, định danh của các nhà đầu tư F0 tham gia thị trường hiện nay là các chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bị “ứ đọng” tiền do hoạt động sản xuất kinh doanh bị đóng băng trong thời dịch, các nhà đầu tư bất động sản chuyển hướng và những nhà đầu tư trẻ có kiến thức, tích lũy hiểu công nghệ - đây cũng là những lực lượng chính của“làn gió mới”này. Sự đồng thuận của dòng tiền nhỏ nhưng đông đảo đã góp phần tạo nên 2 tháng “mua là thắng” của thị trường chứng khoán. Theo thống kê của chứng khoán Tân Việt, 80 – 90% các mã cổ phiếu trong tháng 4 và 5 đều tạo ra lợi nhuận.

Mặc dù dòng tiền từ các nhà đầu tư mới đã mang lại sự chuyển biến lớn cho thị trường trong thời gian qua nhưng khi nhìn lại lịch sử của thị trường thì những người quan sát lâu năm lại không khỏi băn khoăn.

“Những lần thấy một tâm lý hăm hở làm giàu trên thị trường chứng khoán như hiện nay là khi nào? Lần gần đây nhất là cuối năm 2017 đầu năm 2018 khi thị trường chuẩn bị lập đỉnh mọi thời đại hay xa hơn là giai đoạn “chơi là thắng” năm 2007”, ông Vũ Bằng, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đặt câu hỏi rồi
tự trả lời khi đề cập tới câu chuyện nhà đầu tư F0.

Theo ông Bằng, mẫu số chung của các đợt tăng giá này là sự lạc quan vượt ra khỏi các yếu tố cơ bản và sau đó là lao dốc bởi bản chất của đầu tư là khi những người chơi không chuyên ồ ạt đi mua thì nhiều khả năng là lúc những người biết đủ đi bán. Hiện, dòng tiền mới chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường chứng khoán nhất là khi các kênh đầu tư khác đang bị đánh giá là kém hấp dẫn, tương quan cung cầu - trên thị trường chứng khoán còn mạnh, khả năng tìm kiếm được lợi nhuận là vẫn còn.

Tuy nhiên, càng về sau mức độ đầu cơ của thị trường đang được đẩy lên cao hơn và với dòng tiền đầu cơ yếu tố cơ bản của thị trường không quan trọng bằng đặc tính vận động giá và yếu tố kỹ thuật của cổ phiếu. Hiện nay nhiều cổ phiếu dưới mệnh giá có thanh khoản cao đang là điểm đến của dòng tiền nhưng cần phải nhắc lại là một mã cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá thì về cơ bản đã là không ổn định chưa tính đến tác động của dịch bệnh.

Xem thêm

Chứng khoán Việt bao giờ được nâng hạng?

Chứng khoán Việt bao giờ được nâng hạng?

Trong Báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường kỳ tháng 6/2020 Global Market Accessibility Review vừa công bố, MSCI hầu như giữ nguyên các đánh giá của năm 2019. Các vấn đề về room ngoại tiếp tục nhận được nhiều ý kiến từ MSCI.

Có thể bạn quan tâm