“Cơ quan thuế đang chờ Uber và Grab hoàn tất thủ tục chuyển nhượng theo đúng nguyên tắc pháp lý, sau đó sẽ tiến hành nắm bắt và yêu cầu các đối tượng này thực hiện nghĩa vụ thuế” – đại diện Cục thnayfTP.HCM thông tin vào ngày 11/4.
Liên quan đến quy trình chuyển nhượng phần vốn của Uber tại Việt Nam cho Grab, Cục thuế TPHCM cho biết: Về nguyên tắc thủ tục pháp lý, các đơn vị này phải đăng ký lên Sở Kế hoạch Đầu tư về việc mua lại phần vốn của Uber tại Việt Nam. Sau đó, Sở mới cấp phép điều chỉnh thay đổi và thông báo cho Cục Thuế TP.HCM, đồng thời Grab phải đăng ký với cơ quan thuế, để căn cứ trên kết quả kinh doanh sẽ làm nghĩa vụ thuế.
Theo nguyên tắc chuyển nhượng, sáp nhập thì bên nhận sáp nhập sẽ kế thừa những quyền lợi và nghĩa vụ, trong đó có cả nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, do Grab chưa cung cấp hợp đồng chuyển nhượng thỏa thuận nên cơ quan thuế cũng chưa thể tiến hành những bước tiếp theo.
“Đối với việc quản lý của cơ quan thuế, trách nhiệm thuế là cố định, còn đối tượng thực hiện thì tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên. Việc chuyển nhượng này, hai bên cứ thực hiện theo đúng các thủ tục pháp lý. Đến khi nào họ hoàn tất thủ tục, cơ quan thuế sẽ xem nghĩa vụ của Uber trong chuyển nhượng này ra sao. Thời gian tới, nếu hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng ghi rõ Grab nhận nộp thuế thay thì họ phải đóng, còn không Uber vẫn là đối tượng thực hiện nghĩa vụ thuế” – Cục Thuế TP.HCM thông tin.
Tuy nhiên, khẳng định với báo chí, đại diện Grab Việt Nam cho rằng đơn vị này không có trách nhiệm về khoản truy thu thuế của Uber. “Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam. Do đó Uber phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề về nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế”, phía Grab nói.
Trước đó, Cục thuế TPHCM đã truy thu Uber số tiền thuế gần 70 tỷ đồng. Sau nhiều lần trì hoãn, Uber chỉ đóng 13,3 tỷ đồng. Số tiền còn lại, Uber chẳng những không đóng mà còn nộp đơn khởi kiện Cục thuế TPHCM ra tòa án.