Cuộc chiến xe điện EU - Trung Quốc: Lịch sử có lặp lại?

61078536_605.jpg

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen mở màn cuộc chiến xe điện EU-Trung Quốc với quyết định điều tra trợ cấp xe điện của Trung Quốc. Quyết định này khiến các hãng xe "cựu lục địa" khấp khởi nhưng đồng thời cũng gợi lại những ký ức cay đắng về cuộc đối đầu giữa Brussels và Bắc Kinh một thập kỷ trước trong lĩnh vực pin mặt trời. Cuộc chiến mà Liên minh châu Âu đã bị khuất phục.

NỖI ĐAU ĐÁNH ĐỔI

Chắc chắn rằng sau vụ pin mặt trời, đã có những bài học được rút ra trước khi lãnh đạo EU tỏ ra rất quyết đoán trong một cuộc xung đột mà nguy cơ rủi ro thương mại cao hơn rất nhiều. Chấp nhận mất ngành công nghiệp pin mặt trời tương đối nhỏ là một chuyện, nhưng thất bại trong cuộc chiến chuyển đổi xanh của ngành công nghiệp ô tô là không thể được phép xảy ra.

Đó không chỉ là quan điểm của EU mà còn là mong muốn của người đã chịu thua hơn một thập kỷ trước: Cựu giám đốc thương mại EU - Karel De Gucht.

Karel De Gucht.jpg
Karel De Gucht

Ông Karel De Gucht là người thúc đẩy các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc vì đã bán phá giá vào thị trường châu Âu các sản phẩm tấm pin mặt trời và thiết bị viễn thông vào năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, các nước EU sau đó đã quay ra chống lại nhau để cuối cùng chấp nhận thua trong cuộc chiến mà chính họ đã khơi mào.

“Không có sự đồng thuận nào trong Ủy ban Châu Âu về các tấm pin mặt trời vào thời điểm đó. Có rất nhiều áp lực từ Trung Quốc đối với các quốc gia thành viên, những người lo sợ bị trả thù”, Karel De Gucht chua chát nhớ lại thất bại trong nhiệm kỳ 2010-14 của ông.

“Vì vậy, cho tới khi chúng tôi sẵn sàng hành động, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở châu Âu hầu như không còn gì. Các biện pháp cũng không đủ mạnh vì thiếu sự đồng thuận trong Ủy ban.”

Có tới 18 nước EU đã phản đối De Gucht trong việc áp thuế. Và kết cục là EU chấp nhận giải pháp thương lượng.

Tuy nhiên, khi được hỏi về quyết định điều tra chống trợ cấp với xe điện Trung Quốc lần này của EU, ông Karel De Gucht khẳng định “Sẽ có sự khác biệt lớn.”

THỜI THẾ ĐÃ THAY ĐỔI?

Sau thông báo của bà von der Leyen, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm: Với sự ủng hộ của EU, đã tới lúc bà von der Leyen phải chấp nhận rằng sẽ không còn khả năng duy trì mối quan hệ thương mại bình thường với Trung Quốc. Thay vào đó, đã đến lúc EU phải tăng cường an ninh kinh tế của mình và tránh việc quá phụ thuộc về mặt kinh tế vào Trung Quốc.

Marie-Pierre Vedrenne, đại biểu Nghị viện châu Âu, đảng viên Đảng phục hưng Pháp của ông Emmanuel Macron, cho biết: “Chúng tôi chắc chắn đã học được bài học từ quá khứ".

Von der Leyen cũng đã đề cập đến sự mất mát của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời châu Âu trong bài phát biểu vào tuần trước. Bà nói với các nhà lập pháp châu Âu: “Chúng ta không quên các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến ngành năng lượng mặt trời của chúng ta như thế nào. Nhiều doanh nghiệp non trẻ đã bị đẩy ra ngoài bởi các đối thủ Trung Quốc được trợ cấp quá mức”.

historic-dip-in-chinese-solar-module-prices-set-to-boost-indias-solar-capacity-addition.jpg
Năm 2012, Ủy ban Châu Âu đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với việc nhập khẩu tấm pin mặt trời của Trung Quốc; năm sau, họ áp thuế gần 50% đối với những mặt hàng nhập khẩu đó. Quyết định đó đã đẩy EU vào cuộc tranh chấp thương mại lớn nhất với Trung Quốc. Bắc Kinh đe dọa trả đũa thuế đối với rượu vang và ô tô hạng sang. Ủy ban Châu Âu đã từ bỏ các đề xuất ban đầu của mình, thay vào đó đồng ý mức giá sàn cho các tấm pin mặt trời với Bắc Kinh, bất chấp sự phản đối của giới vận động hành lang cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời ở Châu Âu.

Trên thực tế, khi phát động "cuộc chiến xe điện" bà Von der Leyen chắc chắn hiểu rằng rủi ro lần này còn cao hơn nhiều: Doanh số bán xe điện toàn cầu được dự báo sẽ tăng gần 1/3 chỉ riêng vào năm 2023 lên hơn 14 triệu chiếc - trị giá 560 tỷ USD.

Elvire Fabry, một chuyên gia tại Viện Jacques Delors, Paris cho biết: “Phản ứng từ phía châu Âu diễn ra nhanh hơn đối với xe điện, chính xác là vì chúng tôi đã có tiền lệ về tấm pin mặt trời và chúng tôi đang đối phó với một lĩnh vực đóng vai trò lớn hơn nhiều trong nền kinh tế châu Âu”.

Ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang đứng trước một thử thách lớn. Có thể đã quá muộn vì sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện đã được hình thành hơn một thập kỷ. Không có chuỗi cung ứng pin được phát triển riêng để thay thế động cơ đốt trong, chính sách công nghiệp thân thiện với khí hậu của EU không thể phát huy lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc trong ngành ô tô.

“Có một sự thay đổi hoàn toàn trong một ngành công nghiệp then chốt. Nếu châu Âu không cùng nhau hành động, họ sẽ mất vai trò dẫn đầu trong ngành đó”, Holger Hestermeyer, giáo sư luật tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Vienna, cho biết.

THUỐC THỬ CHO TÍNH ĐOÀN KẾT CỦA EU

EU đã bắt đầu cuộc chiến xe điện với rất nhiều quyết tâm. Đơn giản là đây không chỉ đơn giản là cuộc chiến xe điện. Nếu chiến thắng, EU sẽ có "thế" để tiếp tục nói chuyện với Trung Quốc trong nỗ lực giảm thâm hụt thương mại EU-Trung Quốc, vốn đã lên tới 396 tỷ euro vào năm ngoái. Con số mà Ủy viên thương mại EU mô tả là mức “thâm hụt thương mại cao nhất trong lịch sử nhân loại". Nhưng cũng không loại trừ trường hợp cuộc chiến xe điện sẽ kết thúc giống như tranh chấp về năng lượng mặt trời 10 năm trước: Chẳng đi đến đâu.

Nguy cơ trước mắt nhất là sự trả đũa thương mại của Trung Quốc, có thể gây áp lực chính trị lên Ủy ban châu Âu thông qua các nước EU.

John Clancy, một nhà tư vấn độc lập, người phát ngôn thương mại của Ủy ban tại thời điểm điều tra năng lượng mặt trời, nhớ lại chiến thuật "chia để trị" của Trung Quốc. “Họ nhắm vào tất cả các lĩnh vực nhạy cảm hơn ở các quốc gia thành viên. Trong trường hợp của Pháp, họ nhắm tới nông nghiệp và đặc biệt là xuất khẩu rượu vang cao cấp sang Trung Quốc," ông nói.

"Và Hiệp hội rượu vang Pháp là những người đầu tiên đập cửa Berlaymont (Trụ sở Ủy ban châu Âu - EC) và la hét đòi Chủ tịch Ủy ban hủy bỏ vụ việc”, John Clancy ngao ngán.

Tuy nhiên, cũng có những hi vọng khác về sự đoàn kết của EU. Như trường hợp Bắc Kinh chặn hầu hết thương mại với Lithuania, quốc gia thành viên EU vào năm 2021. Khi đó, các nước EU đã tập hợp lại để ủng hộ Lithuania, khiến cuộc tranh chấp đó giống một cuộc chiến giữa David và Goliath.

thị phần xe điện.jpg
Doanh số bán xe điện toàn cầu được dự báo sẽ tăng gần 1/3 chỉ riêng trong năm 2023 lên hơn 14 triệu chiếc - trị giá 560 tỷ USD

Đối với Fabry, cái mà bà hi vọng không chỉ là EU cần rút ra bài học từ vụ pin mặt trời mà còn là về một Liên minh châu Âu tự tin hơn.

“Cuối cùng chúng tôi đã có một Ủy ban quyết đoán hơn và sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Chính xác bởi vì chúng tôi đã học được bài học về vấn đề pin mặt trời, đó là sự thỏa hiệp chỉ có thể dẫn đến sự phụ thuộc lớn hơn” bà chia sẻ.

Tuy nhiên, hi vọng của Fabry cũng đang đứng trước rủi ro về thời gian.

Các cuộc điều tra chống trợ cấp thường mất ít nhất một năm, nghĩa là Ủy ban nhiệm kỳ tiếp theo mới là người sẽ quyết định có nên phát động một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc hay không.

Sự không chắc chắn này đã mang lại cho Trung Quốc nhiều cơ sở để đối phó hơn: “Thật kỳ lạ khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu lại công bố một biện pháp thương mại lớn như vậy vào cuối nhiệm kỳ của mình. Trong bất kỳ hành động nào, bạn phải là người có khả năng thực hiện được”, Clancy băn khoăn.

Về vấn đề này, De Gucht lập luận rằng vì tính thời điểm nên Ủy ban lẽ ra phải chọn một thủ tục khác thay vì điều tra chống trợ cấp. “Tất nhiên là có trợ cấp. Nhưng việc kết nối những khoản trợ cấp đó với vị thế yếu kém hiện tại của châu Âu trên thị trường đó là điều khó khăn hơn nhiều”. Ngoài ra, bản thân EU cũng đang trợ cấp rất nhiều cho ngành này, De Gucht cho biết.

Theo cựu ủy viên thương mại người Bỉ, một cuộc điều tra tự vệ có thể dẫn đến kết quả dễ dàng và nhanh chóng hơn. Nó cũng sẽ làm giảm cơ hội trả đũa, vì nó sẽ không buộc tội Trung Quốc mà chỉ đơn giản một hình thức kiểm soát thị phần của Trung Quốc trên thị trường xe điện châu Âu.

De Gucht cho biết, một cuộc điều tra về biện pháp tự vệ cũng sẽ buộc EU phải hành động: “Cần thống nhất rằng: Tình hình mà chúng ta đang phải đối mặt một phần là trách nhiệm của châu Âu. EU đã không nhận ra đủ nhanh rủi ro thị trường của xe điện là gì và giờ họ phải cố gắng sửa chữa sai lầm ấy”.

Thái Duy

Xem thêm

Động thái mới nhất của EU được xem như một nỗ lực để kìm hãm sự bành trướng của xe điện Trung Quốc

EU "ra đòn hiểm" đối với xe điện Trung Quốc

"Giá của chúng được giữ ở mức thấp một cách không tưởng nhờ những khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước. Điều này đang bóp méo thị trường của chúng tôi" Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…