Trung Quốc "phản pháo" quyết định điều tra chống trợ cấp của EU với xe điện

9477f76c-92e1-4075-9ee9-0025d4aa2e52.jpeg
Bắc Kinh cảnh báo điều tra chống trợ cấp của EU sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ 2 phía.

Bắc Kinh đã chỉ trích cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc là “hành động bảo hộ trắng trợn” và cảnh báo rằng nó sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ hai phía.

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ bảo vệ “quyền hợp pháp” của các công ty nước này và nhắc nhở EU về sự hiện diện mạnh mẽ và lịch sử lâu dài của các nhà sản xuất châu Âu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT LỊCH SỬ?

"Đây là một hành động bảo hộ trắng trợn sẽ làm gián đoạn và bóp méo nghiêm trọng chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, bao gồm cả ở EU, đồng thời sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU” Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố cuộc điều tra vào thứ Tư, khởi động một trong những cuộc chiến nghiêm trọng nhất với Bắc Kinh trong nỗ lực của khối nhằm “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc.

Xe điện Trung Quốc vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường trong khối, nhưng chúng đang tăng nhanh và có thể đạt 15% trong vòng hai năm. Sự trỗi dậy của họ đã khiến EU lo lắng, vốn đã chứng kiến thị trường pin mặt trời do các nhà sản xuất Trung Quốc thống trị hơn một thập kỷ trước.

Ô tô chở khách chạy bằng động cơ đốt trong là nguồn gây ô nhiễm lớn, chiếm hơn 60% tổng lượng khí thải CO₂ từ vận tải đường bộ của EU.

Đối với Trung Quốc, ngành công nghiệp xe điện là một điểm sáng trong nền kinh tế đang chật vật thoát khỏi đại dịch. Bắc Kinh đang hướng tới công nghệ tiên tiến và quá trình chuyển đổi xanh để giúp nền kinh tế Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản đang gặp rất nhiều vấn đề, từ Evergrande đến Country Garden và gần nhất là việc tập đoàn Sino-Ocean thông báo ngừng trả các khoản vay nước ngoài.

Bản thân các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc cũng đang gặp phải vấn đề dư cung. Xuất khẩu sang EU là một trong những niềm hy vọng lớn cho ngành này sau khi Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận bằng cách đánh thuế nặng đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đồng thời đưa ra trợ cấp cho xe điện sản xuất trong nước.

Các thương hiệu ô tô Trung Quốc được dự đoán sẽ lần đầu tiên chiếm hơn 50% thị trường nội địa trong năm nay và quốc gia này đang trên đà trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, thay thế Nhật Bản.

Stephen Dyer, đối tác và giám đốc điều hành của công ty tư vấn AlixPartners ở Thượng Hải, cho biết: “Đây thực sự là buổi bình minh của kỷ nguyên sản xuất ô tô Trung Quốc. “Không có gì ngạc nhiên khi EU đã chú ý đến điều này.”

EU risks trade war with China over electric vehicles – POLITICO.jpg
Trung Quốc đang gặp vấn đề dư nguồn cung xe điện

Dyer cho biết các công ty Trung Quốc mong muốn xuất khẩu sang châu Âu để tăng cường sử dụng công suất và tăng trưởng doanh thu cũng như giành được sự nhận diện thương hiệu bằng cách bán hàng tại các thị trường châu Âu trưởng thành.

Ông cho biết, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã được hưởng lợi từ một loạt khoản trợ cấp của chính phủ trung ương trong 5 năm tính đến năm 2022 với tổng trị giá 57 tỷ USD - gần gấp 5 lần tổng số tiền mà Mỹ chi cho các ưu đãi cho ngành trước Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden.

Không chỉ nhận hỗ trợ từ nhà nước, chính quyền các địa phương của Trung Quốc cũng cung cấp các khoản trợ cấp và các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xe điện. Điều này khiến các nhà sản xuất ô tô Đức, vốn đã có được vị thế vững chắc trên thị trường ô tô Trung Quốc nhưng gần đây cũng đã phải chịu áp lực từ sự bùng nổ doanh số bán xe điện từ các nhà sản xuất tại thị trường Trung Quốc.

Trong phản ứng của mình, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng "nhắc nhở" rằng: “Các công ty ô tô EU đã đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc trong nhiều năm và thị trường Trung Quốc đã trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất đối với nhiều công ty ô tô EU” đồng thời cũng khẳng định rằng ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đã đạt được khả năng cạnh tranh “nhờ làm việc chăm chỉ”.

“Trung Quốc sẽ hết sức chú ý đến xu hướng bảo hộ và các hành động tiếp theo của EU, đồng thời bảo vệ chắc chắn các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc” Bộ Thương mại Trung Quốc.

Bill Russo, người sáng lập công ty tư vấn Automobileity có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết các biện pháp chống trợ cấp của EU “có thể tạo ra một con hào xung quanh châu Âu, giống như các biện pháp bảo hộ ở Mỹ cũng đã làm”.

Russo cho biết, điều này sẽ buộc người tiêu dùng châu Âu phải trả nhiều tiền hơn cho xe điện từ các nhà sản xuất không phải của Trung Quốc và đồng thời cho biết thêm rằng điều đó cũng sẽ "làm chậm tốc độ áp dụng xe điện vì chúng sẽ có giá cao hơn và ít cạnh tranh hơn từ Trung Quốc".

Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã giảm ngay sau khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố về cuộc điều tra, trong đó BYD, được Warren Buffett hậu thuẫn, công ty bán ô tô chạy pin và plug-in hybrid lớn nhất thế giới, giảm 1,4% tại Hồng Kông.

Cổ phiếu Geely có trụ sở tại Hàng Châu, công ty sở hữu Volvo và Lotus, giảm 0,3%. Công ty khởi nghiệp xe điện Nio giảm 0,8%, trong khi Xpeng tăng 0,5%.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CUỘC ĐIỀU TRA CỦA EU

Cuộc điều tra của EU sẽ áp dụng với việc nhập khẩu xe điện chở khách chạy bằng pin mới được sản xuất tại Trung Quốc, bất kể chúng là thương hiệu Trung Quốc hay châu Âu.

Cuộc điều tra xe điện trên thực tế vẫn chưa được chính thức triển khai. Một khi điều đó xảy ra, Ủy ban châu Âu (European Commission - EC) sẽ xem xét phản ứng từ chính phủ Trung Quốc và các công ty liên quan. Sau đó, Ủy ban sẽ chứng minh liệu các nhà xuất khẩu ô tô có nhận được trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc trong một khoảng thời gian cụ thể hay không và liệu những khoản trợ cấp này có gây hại cho ngành công nghiệp châu Âu hay không. Nếu đúng như vậy, Ủy ban châu Âu có thể áp dụng thuế nhập khẩu, được gọi là thuế đối kháng trong thuật ngữ thương mại của EU.

Khi cuộc điều tra được bắt đầu các mức thuế tạm thời có thể được áp dụng trong vòng 9 tháng. Mọi mức thuế chính thức phải được ấn định trong vòng 13 tháng kể từ khi bắt đầu điều tra.

chinese-electric-cars-in-europe---cover-graphic.jpg
Thuế nhập khẩu ô tô điện hiện tại của châu Âu là 10%, thấp hơn hầu hết các thị trường lớn khác. Thuế của Mỹ đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới khoảng 27,5%.

Sau cuộc điều tra, Ủy ban có thể áp thuế đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc để hạn chế thiệt hại cho ngành công nghiệp châu Âu. Mức thuế này cao đến mức nào tùy thuộc vào kết quả của cuộc điều tra về quy mô trợ cấp của Trung Quốc. Các cuộc điều tra trợ cấp trước đây thường dẫn tới việc áp thuế bổ sung từ 10 đến 20%.

Thuế nhập khẩu ô tô điện hiện tại của châu Âu là 10%, thấp hơn hầu hết các thị trường lớn khác. Thuế của Mỹ đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới khoảng 27,5%.

Về mặt pháp lý, Brussels không coi động thái của mình là khiêu khích đối với Trung Quốc. Việc tiến hành điều tra chống trợ cấp vì mục đích phòng vệ thương mại là phù hợp với các quy định thương mại toàn cầu. Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc phản đối bất kỳ mức thuế nào trong tương lai thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới, EU vẫn tin rằng họ có thể giữ vững lập trường về mặt pháp lý. .

Kể cả khi EU muốn áp đặt bất kỳ mức thuế nào, về mặt lý thuyết, các nước thành viên vẫn có thể phản đối quyết định đó. Trong trường hợp đó, các quốc gia phản đối sẽ cần tập hợp được đa số đủ tiêu chuẩn đại diện cho 55% các nước thành viên EU và 65% dân số của khối.

Trên thực tế, việc phản đối mức thuế áp đặt sẽ không dễ dàng vì Pháp là quốc gia ủng hộ đề xuất điều tra này. Trong khi đó, quan điểm của chính phủ Đức vẫn chưa rõ ràng. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck hoan nghênh quyết định điều tra, nhưng quyết định chính thức lại phụ thuộc vào chính phủ liên minh ba đảng ở Berlin hay không.

Đây không phải là lần đầu tiên Brussels cố gắng ngăn chặn Trung Quốc trong việc tác động tới giá thị trường châu Âu. Khoảng một thập kỷ trước, Brussels đã thực hiện các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với việc nhập khẩu các tấm pin mặt trời và thiết bị viễn thông của Trung Quốc. Nhưng chính các quốc gia thuộc khối, với các lợi ích riêng đã khiến EU buộc phải dừng các biện pháp này.

Xem thêm

Động thái mới nhất của EU được xem như một nỗ lực để kìm hãm sự bành trướng của xe điện Trung Quốc

EU "ra đòn hiểm" đối với xe điện Trung Quốc

"Giá của chúng được giữ ở mức thấp một cách không tưởng nhờ những khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước. Điều này đang bóp méo thị trường của chúng tôi" Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm