Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tiến hành hoạt động khảo sát thường niên về tình hình ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp trong cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang cùng lúc triển khai 4 hình thức thương mại điện tử với mức độ hiệu quả khác nhau.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2025 được VECOM đưa ra cho thấy, hiện có 4 hình thức thương mại điện tử được các doanh nghiệp triển khai gồm:
Thứ nhất, website doanh nghiệp với 46% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có xây dựng website riêng để phục vụ hoạt động quảng bá và kinh doanh.
Trong vòng hai năm trở lại đây, một xu hướng rõ rệt đang định hình lại cách các doanh nghiệp tiếp cận thương mại điện tử: sự ưu tiên tích hợp tính năng đặt hàng trực tuyến trực tiếp vào website chính thức của mình. Thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử trung gian hay mạng xã hội, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra giá trị của việc sở hữu một "cửa hàng trực tuyến" độc lập, nơi họ có toàn quyền kiểm soát trải nghiệm khách hàng và dữ liệu.
Trong số các doanh nghiệp có website thì 75% doanh nghiệp cho biết hiện nay đã tích hợp tính năng tương tác trực tuyến (Zalo, Facebook...) với khách hàng của mình trên chính các nền tảng website đó. Việc tích hợp liền mạch quy trình mua sắm vào website tạo ra một hành trình khách hàng liền mạch, từ khám phá sản phẩm đến hoàn tất giao dịch, góp phần nâng cao tỷ lệ chuyển đổi và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh trực tuyến.
Thứ hai, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, 52% doanh nghiệp cho biết có kinh doanh qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...) trong năm 2024. Đáng chú ý, tỷ lệ này cũng có giảm đi so với các năm trước đó. Cụ thể năm 2022, 65% doanh nghiệp vẫn tiến hành kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, năm 2023 giảm xuống còn 58% trên tổng số doanh nghiệp.
Nguyên nhân của sự thay đổi này xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm sự cạnh tranh ngày càng gay gắt để thu hút sự chú ý của người dùng, những thay đổi liên tục trong thuật toán khiến việc tiếp cận khách hàng tự nhiên trở nên khó khăn hơn, và cả những lo ngại về hiệu quả thực tế so với chi phí đầu tư.
Thứ ba, việc tham gia các sàn thương mại điện tử đang trở thành xu hướng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. 26% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, hoạt động của các nền tảng này cũng dần được cộng đồng quan tâm nhiều hơn cả về khía cạnh chính sách thực thi và hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt trong nửa cuối năm 2024 xu hướng kinh doanh qua sàn thương mại điện tử được đông đảo doanh nghiệp ưu tiên.
Thực tế cho thấy rõ một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cách thức bán hàng của doanh nghiệp, với các phiên live trên các sàn thương mại điện tử như Shopee và TikTok Shop đang trở thành lựa chọn ưu tiên hơn so với các kênh bán hàng truyền thống.
Cuối cùng, kinh doanh trên nền tảng di động 15% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã xây dựng các ứng dụng thương mại điện tử (app) trên thiết bị di động, giảm nhiều so với tỷ lệ này của các năm trước đó. Trong đó 46% cho biết Doanh nghiệp có cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên ứng dụng di động.
Sự phát triển của thương mại điện tử luôn luôn gắn chặt với phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực phân phối, công nghệ thông tin và truyền thông, logistics và xuất nhập khẩu. VECOM ước tính quy mô thương mại điện tử nước ta năm 2024 đạt 32 tỷ USD và đạt tốc độ tăng trưởng 27%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 22,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước. Như vậy, thương mại điện tử chiếm khoảng 12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 10% của năm 2023.
Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain&Company, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 36 tỷ USD, trong đó bán lẻ trực tuyến là 22 tỷ USD, gọi xe công nghệ, du lịch trực tuyến và truyền thông số tương ứng đạt 4, 5 và 6 tỷ USD.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá năm 2024 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt trên 25 tỷ USD nhưng không đưa ra thông tin về quy mô của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến và các lĩnh vực khác.
Trước những diễn biến mới của lĩnh vực thương mại điện tử, chuyên gia của VECOM nhận định, năm 2025 là năm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới – giai đoạn phát triển thứ tư của thương mại điện tử nước ta. Giai đoạn này sẽ bắt đầu từ năm 2026 và là giai đoạn phát triển nhanh và bền vững.
Những thay đổi sâu sắc và toàn diện về xây dựng và thực thi chính sách và văn bản pháp luật sẽ có ý nghĩa quyết định tới giai đoạn phát triển nhanh và bền vững của thương mại điện tử nước ta, đặc biệt là Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, Luật Thương mại điện tử, pháp luật về thuế, xuất khẩu trực tuyến, thống kê thương mại điện tử.