Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 27/10, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) khen ngợi chính sách dưỡng sức dân, dưỡng sức DN thời gian qua.
Tuy nhiên, ĐB đoàn Bến Tre cũng nêu một số “vết nhám” trong bức tranh nền kinh tế Việt Nam. Đơn cử, chính sách hỗ trợ DN còn thiếu minh bạch, chưa đảm bảo công bằng, nhiều rào cản, thủ tục. Dẫn ra trường hợp một DN ở Thanh Hóa, đã báo cáo Thủ tướng 2 lần, nhưng địa phương vẫn không thực hiện điều chỉnh. Hay DN ở Khu công nghiệp Việt Hưng, 3 bộ đều xác nhận họ làm ăn tốt, đảm bảo môi rường, công nghệ tốt, nhưng tỉnh vẫn không đồng ý cho họ làm, dù họ đã đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.
Một dẫn chứng khác thể hiện sự bất cập được ĐB Lưu Bình Nhưỡng dẫn ra là: “Một cựu chiến binh khi kinh doanh đã từng nói với tôi rằng: Ngày xưa chúng tôi đánh Mỹ như thế, mà giờ làm kinh tế khó thế”.
Về cổ phần hóa, ĐB đoàn Bến Tre quan ngại trước thực tiễn năm 2018 chỉ thoái vốn được 18 trong số 85 DN trong kế hoạch. 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương vẫn giẫm châm tại chỗ. Đi khảo sát tơ sợi Đình Vũ, mỗi tấn tơ sợ lại lỗ, hiện mỗi năm hết 550 tỷ tiền khấu hao. Có cần thiết giữ lại hay không? Hay dự án gang thép Thái Nguyên, đã có chỉ đạo của nhiều ngành, nhưng kiên quyết không cổ phần hóa.
"Tôi đề nghị dự án nào mà kém hiệu quả cho phá sản ngay. Còn dự án nào hiệu quả thì phải cổ phần hóa", ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
ĐB đoàn Bến Tre cũng cảnh báo rằng, có hiện tượng để đó cho giảm khấu hao, cho rẻ, để mua lại. Cài cắm một số nhân sự vào DN, có thể tạo ra “Vũ nhôm” khác. Do đó, ĐB đề nghị cần báo cáo và xem xét cụ thể, hoàn thiện về thể chế, bịt các lỗ hổng.
Cụ thể, ĐN Nhưỡng cho rằng, cần tăng cường quá trình kiểm toán. Nếu không tăng cường kiểm toán thanh tra sẽ thất thoát rất nhiều. Cũng tăng cường tư pháp, như bà đỡ của nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Bá Sơn quan tâm đến hiệu quả của quá trình cổ phần hóa. Sau khi cổ phần hóa liệu một số DN có hoạt động hiệu quả hay không. Đặc biệt, tiến độ xử lý một số công trình chậm tiến độ, yếu kém đến đâu rồi?
Còn ĐB Hà Sĩ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, báo cáo của Chính phủ cho thấy tình hình kinh tế-xã hội khả quan hơn năm 2017, củng cố niềm tin cho dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao và nhiều khả năng vượt mục tiêu 6,7%.
Tuy vậy, ngành nông nghiệp không còn giữ được tốc độ cao như 2 quý đầu năm, kết quả triển khai nông nghiệp công nghệ cao chưa được như ý muốn để tăng trưởng 4-5%/năm; ngành du lịch chịu tác động bởi cạnh tranh thương mại quốc tế. Ngành xây dựng tăng trưởng cho thấy việc tháo gỡ các nút thắt trong đầu tư công đã có ý nghĩa tốt. ĐB đoàn Quảng Trị đề nghị cần có chính sách cho một số DN đầu tàu.
Theo Hồ Hạ/Kinh tế đô thị