Trong nội dung công văn mới ban hành, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt giá vé máy bay. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về giá.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, các hãng hàng không thực hiện nghiêm quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá và các chương trình bán vé theo quy định.
Đặc biệt vào thời gian cao điểm như dịp Lễ, mùa du lịch, nhất là Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hãng hàng không thực hiện dải giá vé linh hoạt, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá trên đường bay nội địa phù hợp với nhu cầu của người dân. Chủ động thực hiện kế hoạch bổ sung thêm tàu bay để tăng tải cung ứng phục vụ trong giai đoạn cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Đối với trường hợp phát hiện hành vi vi phạm quy định về giá sẽ bị xử lý nghiêm minh. Các hãng hàng không tích cực chủ động thông tin về hoạt động vận tải, bán vé của đơn vị, khuyến cáo cho hành khách khi mua vé trong giai đoạn cao điểm. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị về du lịch và địa phương tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu chương trình, điểm đến và sản phẩm du lịch... nhằm thúc đẩy du lịch, giảm giá vé.
Cục Hàng không Việt Nam báo cáo, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông cơ bản trên một số đường bay nội địa (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng có thời điểm tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, tập trung chủ yếu vào khung giờ đẹp trong các giai đoạn cao điểm (lễ, Tết). Tuy nhiên mức tăng vẫn nằm trong mức tối đa theo quy định dưới sự giám sát chặt chẽ của Cục Hàng không.
Giá vé máy bay của các hãng hàng không tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính từ yếu tố cung – cầu thị trường (sụt giảm quy mô đội tàu bay khai thác, nhu cầu đi lại tăng cao vào các dịp lễ, tết…) và yếu tố chi phí (biến động giá nhiên liệu bay, tỷ giá). Trong đó, chi phí nhiên liệu bay chiếm tỷ trọng từ 37% đến 42%. Đặc biệt, 80% chi phí của các hãng hàng không có liên quan đến gốc ngoại tệ (bao gồm chi phí nhiên liệu bay; chi phí liên quan đến thiết bị bay, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; chi phí nhân công nước ngoài).
Vietnam Airlines và Vietjet Air (2 hãng hàng không chiếm thị phần vận chuyển hàng không nội địa lớn nhất, hơn 76% vào năm 2023) báo cáo, yếu tố chủ yếu tác động đến giá thành dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với năm 2023 gồm: chi phí sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; chi phí thuê/ khấu hao thiết bị bay; chi phí nhiên liệu bay. Các chi phí này tăng cơ bản do đơn giá thuê/mua trên thế giới tăng và trung bình tỷ giá USD/VND 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,4% so với năm 2023.
Để chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm 2024 và sẵn sàng cho dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2025, Cục Hàng không đã chỉ đạo các hãng sắp xếp, cân đối nguồn lực vận tải, phối hợp với các đơn vị phục vụ mặt đất để bảo đảm nguồn cung tải phù hợp; triển khai mở bán sớm các vé máy bay phục vụ giai đoạn Tết để hành khách có thể lựa chọn, xây dựng kế hoạch di chuyển phù hợp; đẩy nhanh quá trình nhận tàu bay thuê/mua mới và đưa vào khai thác trở lại các tàu bay đã hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng động cơ từ nhà sản xuất
Thời điểm hiện tại, các hãng hàng không cũng đã mở bán vé Tết 2025, hành khách có thể sắp xếp lịch trình và đặt vé sớm, tránh tình trạng quá tải, hỗ trợ các đơn vị đáp ứng tốt nhất nhu cầu di chuyển của hành khách và điều tiết giá vé máy bay.