Nhiều dự án liên quan Novaland bị Thanh tra CP “điểm mặt”, dàn lãnh đạo được tăng lương giữa lúc hàng loạt nhà thầu kêu cứu vì nợ

Mắc kẹt với số nợ hàng tỷ đồng chưa được thanh toán, nhiều nhà thầu tại các dự án của Novaland lâm vào cảnh suy kiệt, lao đao…

gioi-thieu-tap-doan-novaland-7.jpg

Các nhà thầu tại dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, mã chứng khoán: NVL) đang kiệt quệ tài chính, chật vật với khoản nợ hàng tỷ đồng chưa được thanh toán. Trái ngược với tình cảnh đó, loạt lãnh đạo tập đoàn này lại hưởng mức lương tăng mạnh trong năm 2024.

Không chỉ chậm thanh toán công nợ cho nhà thầu, hệ sinh thái Novaland còn liên tục bị Thanh tra Chính phủ nêu tên trong các kết luận thanh tra về sai phạm của nhiều dự án, đơn vị.

NHÀ THẦU SỐNG DỞ CHẾT DỞ, NHƯNG SẾP NVL ĐƯỢC TĂNG THU NHẬP

Không chỉ dừng lại ở sai phạm, nhiều nhà thầu tại dự án của NVL phải trầy trật, gánh tiền lãi, tiền công… khi không được thanh toán công nợ cho các công trình đã thi công. Thương gia đã nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh về vấn đề này.

Đơn cử, một công ty thi công 4 gói thầu các công trình dự án của Novaland cho đối tác Công ty Cổ phần Green Mark Construction, thời gian thi công các gói thầu rải rác từ năm 2021 – 2023.

Đến nay, Green Mark Construction không thực hiện công tác quyết toán và thanh toán công nợ còn lại của 4 gói thầu cho đơn vị thi công này, tổng số nợ còn lại gần 7 tỷ đồng.

Để thực hiện 4 hợp đồng đơn vị thi công phải vay vốn để đầu tư thiết bị máy móc, trả tiền nhân công xây dựng... rất lớn và phải gánh lãi hàng tháng. Tuy nhiên, mặc dù các hạng mục xây dựng đã hoàn thành từ lâu song đến thời điểm hiện tại, Green Mark Construction vẫn chưa chịu thanh toán số công nợ còn lại gây ra nhiều khó khăn cho nhà thầu, khả năng doanh nghiệp này phá sản là rất cao. Và đây chỉ là một trong số hàng loạt nhà thầu chung cảnh ngộ, đang sống dở chết dở vì nhận hợp đồng thi công cho các dự án của Novaland và hiện đang "mắc kẹt", chưa biết đến khi nào mới được Novaland trả nợ...

Theo tìm hiểu, Green Mark Construction là thành viên thuộc Tổng Công ty Nova Industry. Mà Nova Industry là doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Nova Group, do ông Bùi Thành Nhơn sáng lập. Hiện nay, vị này là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Nova Group và Novaland.

Trớ trêu và khôi hài thay, dù tìm mọi cách lần lữa, trây ỳ, không chịu thanh toán công nợ cho nhà thầu và khách hàng, khiến họ sống dở, chết dở khi không đòi được tiền, song loạt lãnh đạo của Novaland lại tăng thu nhập trong năm 2024.

ong-nhon-novaland.jpg
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland nhận thù lao năm 2024 là 1,2 tỷ đồng

Cụ thể, năm 2024, thù lao của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland là 1,2 tỷ đồng, tăng 100 triệu đồng so với mức 1,1 tỷ đồng của năm 2023.

Ông Hoàng Đức Hùng, thành viên độc lập cũng có mức thù lao tăng trong năm nay, năm 2024, ông Hùng có mức thù lao 600 triệu đồng, tăng 184% so với năm trước đó.

Còn ông Ng Teck Yow trên cương vị Tổng Giám đốc đến ngày 1/11/2024 có mức lương lên gần 4,3 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2023 (năm 2023 là gần 3,3 tỷ đồng). Ở vị trí thành viên Hội đồng quản trị NVL, ông Ng Teck Yow cũng nhận về 200 triệu tiền lương, tăng 139,6 triệu đồng so với năm 2023.

Giữ vị trí Tổng Giám đốc từ ngày 1/1/2024, chỉ trong 2 tháng ông Dương Văn Bắc cũng nhận về 678 triệu đồng tiền lương. Trước khi làm ở vị trí này, ông Bắc nắm chức vụ Phó Tổng giám đốc, kiêm Giám đốc tài chính, từ đầu năm đến ngày 1/1/2204 mức thù lao của ông Bắc là gần 2,6 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2023.

LIÊN TỤC BỊ THANH TRA CHÍNH PHỦ ĐIỂM MẶT

Thời gian qua, nhiều dự án liên quan đến Novaland bị Thanh tra Chính phủ điểm mặt. Mới đây nhất là dự án Richstar Residence, nằm trong kết luận thanh tra về trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng của UBND TP.HCM.

Theo đó, tại dự án Richstar Residence của Công ty Nova Richstar, UBND TP.HCM điều chỉnh quy hoạch nhưng không tính toán tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung mà đồng ý cho Tập đoàn Novaland tạm nộp tiền sử dụng đất (8 dự án trên địa bàn thành phố), tạm tính là 1.083,8 tỷ đồng.

Trong đó có dự án Richstar Residence của Công ty Nova Richstar với số tiền là 242,5 tỷ đồng theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường là thiếu căn cứ, cơ sở, không đúng quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường chậm tính tiền sử dụng đất theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM (tại thông báo số 51/TB-HĐTĐGĐ ngày 2/4/2019 của Hội đồng thẩm định giá đất thống nhất giá trị quyền sử dụng đất của Nova Richstar phải nộp là 688,7 tỷ đồng), giá trị còn phải nộp tiền sử dụng đất dự kiến 446,2 tỷ đồng.

Việc chậm xác định tiền sử dụng đất theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường là do chưa thống nhất được việc áp dụng quy định của pháp luật, cần phải rà soát, tính toán thống nhất đảm bảo không làm thiệt hại tài sản nhà nước.

Được biết, Công ty Nova Richstar là công ty con của NVL, với tỷ lệ biểu quyết là 99,77%

UBND quận Tân Phú nhận bàn giao từ Nova Richstar 2 lô đất có tổng diện tích là 6.618,1m2 được hoán đổi từ đất khu ở, nhưng 2 lô đất nêu trên không phù hợp với Văn bản số 138/SQHKT-QHKV2 ngày 11/1/2023 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, do đó cần phải được rà soát đảm bảo các chỉ tiêu quy hoạch ở khu ở theo đúng quy định.

Dự án Richstar Residence của Công ty Nova Richstar được UBND Thành phố điều chỉnh quy hoạch nhưng không tính toán tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung mà đồng ý cho NVL tạm nộp tiền sử dụng đất theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường là thiếu căn cứ, không đúng quy định.

Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Công ty Nova Richstar thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, với số tiền tạm tính khoảng 446 tỷ đồng.

du-an-richstar-residence.jpg
Phối cảnh dự án Richstar Residence

Trước đó, tại kết luận việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra sai phạm liên quan đến Novaland.

Cụ thể, ở nhà đất tại số 108-112B-114 đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM của Công ty Cổ phần dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco), Bộ Giao thông vận tải và UBND TP.HCM để Sasco hợp tác, liên doanh với Novaland thực hiện dự án khu thương mại căn hộ cao cấp khi Sasco chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điều này, chưa thực hiện đúng theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai số 45/2013/QH ngày 29/11/2013.

Đồng thời, UBND TP.HCM chậm xác định tiền sử dụng đất, Công ty TNHH Nova Sasco chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước nhưng đã chuyển nhượng các căn hộ, sản phẩm của dự án cho khách hàng là chưa thực hiện đúng quy định.

Như vậy, dự án xây dựng khu thương mại căn hộ cao cấp chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và xác định giá đất, chưa nộp tiền sử dụng đất đã hợp tác liên doanh và đầu tư xây dựng, bán căn hộ cho người dân và người dân đã vào ở là chưa chấp hành đúng trình tự đầu tư xây dựng theo quy định.

Hồi tháng 10/2024, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an có văn bản gửi UBND thành phố Cần Thơ về việc cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác điều tra dấu hiệu vi phạm xảy ra tại 6 dự án sử dụng đất trên địa bàn. Trong đó, có dự án khu đô thị du lịch Cồn Ấu của Novaland. Trong bài tiếp theo, chúng tôi sẽ thông tin về thực trạng Novaland cố tình mập mờ về tình trạng pháp lý của các dự án khiến hàng trăm nhà đầu tư "dính đòn" phải ngậm trái đắng do đã trót đầu tư mua sản phẩm tại các dự án của tập đoàn này. Tương lai nào cho một doanh nghiệp từ "ễnh ương thành bò" trong thời gian ngắn...

Xem thêm

VIAC chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư No Va

Novaland khởi kiện Sài Gòn Co.op

VIAC chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Novaland, buộc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng...

Có thể bạn quan tâm