Đằng sau con số tăng trưởng của ngành bất động sản

Tưởng chừng con số tăng trưởng cao hơn 40% so với cùng kỳ cho thấy ngành bất động sản đã qua mức “đỉnh khó khăn”. Song nếu nhìn kỹ, kết quả kinh doanh của Vinhome lại đang gồng gánh cả ngành…
bất động sản

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 của Công ty Cổ phần WiGroup cho biết, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán tiếp tục gây thất vọng khi giảm sâu hơn 20% và giảm hơn 50% so với cùng kỳ nếu không tính đến sự đóng góp của nhóm tài chính.

Cũng theo WiGroup, nếu xét theo nhóm ngành, 2 ngành có kết quả kinh doanh gây thất vọng nhất phải kể đến ngành hóa chất và môi giới chứng khoán. Ở chiều ngược lại, ngành bất động sản lại gây bất ngờ khi tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ.

bất động sản

Đà tăng thiếu bền vững

Không chỉ WiGroup, trong báo cáo chiến lược của thị trường vừa được công bố của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng chỉ ra, ngành bất động sản và du lịch đã có sự khởi sắc trở lại trong quý 1/2023 khi đóng góp tới 4,9 điểm phần trăm vào tăng trưởng lợi nhuận ròng của toàn thị trường.

Tuy nhiên, đó là bức tranh toàn cảnh. Thực tế, nếu “soi” kỹ vào kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang cho thấy hình ảnh “người lỗ đầm đìa, kẻ lãi khiêm tốn”.

Có thể lấy ví dụ như Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group, mã chứng khoán: DXG). Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, doanh thu của doanh nghiệp giảm sâu 79% so với cùng kỳ xuống 378 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 117 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 536 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) cũng kết thúc quý đầu năm 2023 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 410 tỷ đồng, doanh thu giảm gần 70% còn hơn 604 tỷ đồng.

Không ghi nhận lỗ nhưng kết thúc quý 1/2023, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) ghi nhận doanh thu giảm 69% và lợi nhuận giảm 67% so với cùng kỳ.

Điểm sáng duy nhất của ngành bất động sản trong quý vừa qua là Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.

Cụ thể, kết thúc quý 1/2023, Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 29.299 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 11.923 tỷ đồng trong quý I, tăng 152% so với cùng kỳ năm trước.

vinhomes

So với kế hoạch đề ra cho năm 2023 là doanh thu 100.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 30.000 tỷ đồng, Vinhomes đã thực hiện được 29% mục tiêu doanh thu và 40% lợi nhuận chỉ sau quý đầu năm.

Nhận xét về diễn biến này, WiGroup cho biết, dù có kết quả tăng trưởng ấn tượng, vượt ngoài kỳ vọng nhưng nếu loại trừ sự đóng góp của Vinhomes thì bức tranh lợi nhuận sau thuế của toàn ngành lại đang cho thấy sự sụt giảm đáng kể (50%).

“Điều này cho thấy về bản chất thì ngành bất động sản vẫn không nằm ngoài những khó khăn chung của thị trường mặc dù con số tăng trưởng chung được thể hiện tương đối khả quan”, WiGroup nhận định.

Gam màu ảm đạm vẫn tiếp tục bao phủ

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn chung của các doanh nghiệp bất động sản là thị trường không có giao dịch, dấu hiệu phục hồi chưa thực sự rõ nét. Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay không chỉ rơi vào trầm lắng mà còn khó khăn hơn thị trường của 10 năm trước đây.

Tại một tọa đàm "Tháo gỡ những điểm nghẽn cho thị trường bất động sản năm 2023", Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, gốc rễ của khó khăn hiện tại một phần do tắc nghẽn nguồn vốn. Bởi tín dụng không được khơi thông, lãi suất cho vay cao, room tín dụng không nới lỏng, cổ phiếu, trái phiếu làm mất niềm tin của khách hàng.

Thấu hiểu những khó khăn của ngành bất động sản, trong 3 tháng đầu năm, Chính phủ cũng đã ban hành các biện pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng như Nghị định 08/2023 về trái phiếu, Nghị quyết 33/NQ-CP, thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội của các ngân hàng thương mại, 5 quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và thông tin sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, đây mới chỉ là giai đoạn “trấn an tinh thần, chưa đủ để trở thành đòn bẩy khiến thị trường “quay đầu”, nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng lao đao, đối mặt với khủng hoảng và phá sản.

Theo kết quả khảo sát sức khỏe tín dụng của 50 công ty bất động sản, tỷ lệ Nợ/EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) đã tăng 1,53 lần, trong khi khả năng trả nợ giảm 1,78 lần so năm 2021. 

Tính đến ngày 17/4, thị trường ghi nhận 89 tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán với tổng giá trị 113.140 tỷ đồng, tăng 19,8% so ngày 17/3/2023. Trái phiếu mất khả năng thanh toán chủ yếu đến từ những doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tái cơ cấu, tăng 2,12 lần trong 1 tháng lên 11.450 tỷ đồng.

Trong khi đó, thời gian đáo hạn của nhiều lô trái phiếu cũ đang đến gần, việc phát hành trái phiếu mới cũng không còn dễ dàng, lãi suất ngân hàng neo ở mức cao.

“Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt đỉnh trong năm 2023 và 2024, với tổng giá trị đạt 650.319 tỷ đồng”, WiGroup cho biết.

Góp phần tạo nên sự “yếu đuối” trong “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp bất động sản là lực cản đến từ chính sách,nguồn cung mới không có, các dự án đang triển khai chưa thể thương mại.

Tất cả những vấn đề này sẽ là áp lực lớn cho các doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn tới.

Có thể bạn quan tâm