Danh tính những ông chủ đứng sau 4 đơn vị được Bộ Tài chính cấp phép kinh doanh xếp hạng tín nhiệm

S&I Ratings - Gương mặt mới vừa bước chân vào lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm có liên quan đến đại gia chứng khoán Nguyễn Duy Hưng, công ty chứng khoán SSI và Công ty TNHH NDH...

Hiện có 4 đơn vị được cấp phép kinh doanh xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam
Hiện có 4 đơn vị được cấp phép kinh doanh xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam

Thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến tháng 8/2024, đơn vị này đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đối với 4 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (Saigon Ratings); Công ty cổ phần FiinRatings (FiinRatings); Công ty cổ phần xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating); Công ty Cổ phần xếp hạng tín nhiệm S&I (S&I Ratings).

Về vai trò của xếp hạng tín nhiệm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, qua đó thúc đẩy các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững hơn.

Nếu các ngân hàng được tổ chức uy tín xếp hạng tín nhiệm cao sẽ giúp ngân hàng có nhiều lợi thế như: Huy động vốn, hoạt động nghiệp vụ, cho vay, hay vay vốn với lãi suất thấp từ các tổ chức trong nước và quốc tế.

Còn đối với các doanh nghiệp, nếu xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ giúp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhanh chóng với ưu đãi, cũng như giao dịch với đối tác trong và ngoài nước được ưu đãi về giá cả, dịch vụ.

Nói thêm về 4 công ty được Bộ Tài chính cấp phép, theo quan sát, mô hình hoạt động và cấu trúc cổ đông của các đơn vị cũng có phần khác biệt đáng kể.

Trong đó, VIS Rating hiện có quy mô vốn lớn nhất được thành lập năm 2021 và cấp phép tháng 9 năm ngoái. Hãng xếp hạng tín nhiệm này hoạt động theo mô hình liên doanh giữa tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là Moody’s với các đối tác trong nước như ACBS, Dragon Capital, VNDirect, VPS, NamABank và Công ty Tài chính TNHH TNEX.

Vốn điều lệ thực góp của VIS Rating là 103,14 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Moody’s Singapore Pte. Ltd. là 49%. 5 cổ đông là Dragon Capital, ACBS, NamABank, VPS và VNDirect có cùng tỷ lệ sở hữu là 8,84%. Công ty Tài chính TNHH TNEX sở hữu tỷ lệ nhỏ nhất với 6,8%.

Saigon Ratings đứng thứ hai về quy mô vốn điều lệ với 50 tỷ đồng và chịu chi phối chính bởi một cá nhân. Tỷ lệ sở hữu của ông Phùng Xuân Minh liên tục tăng sau một đợt Saigon Ratings nâng quy mô vốn.

Thời điểm tháng 7/2015, công ty có vốn thực góp 15 tỷ đồng với ba cổ đông là CTCP Đầu tư Sài Gòn Phát Thịnh (60%), Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Phát Thịnh (15%) và ông Phùng Xuân Minh (25%).

Tháng 5/2020, vốn chủ sở hữu của Saigon Ratings tăng lên 30 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu của ba cổ đông cũng có sự thay đổi. Cụ thể, ông Phùng Xuân Minh nắm 62,5%, kế đến là CTCP Đầu tư Sài Gòn Phát Thịnh (30%) và Tư vấn Kinh doanh Phát Thịnh (7,5%).

Theo cập nhật mới nhất trên website, kể từ ngày 25/5/2022, vốn chủ sở hữu của công ty là 50 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu của ông Phùng Xuân Minh tăng lên 77,5%. Hai cổ đông còn lại là Đầu tư Sài Gòn Phát Thịnh và Tư vấn Kinh doanh Phát Thịnh nắm lần lượt 18% và 4,5%.

Đứng thứ ba về quy mô vốn với 30 tỷ đồng là S&I Ratings. Hãng xếp hạng tín nhiệm này đặt trụ sở cùng tòa nhà với Chứng khoán SSI, hiện có 10 cổ đông, trong đó có 4 tổ chức. Tỷ lệ sở hữu không quá thiên lệch về một cổ đông giống như ba hãng còn lại trên thị trường.

Trong 4 tổ chức sở hữu vốn S&I Ratings, Chứng khoán SSI nắm giữ tỷ lệ lớn nhất với 14,99%. Ba tổ chức còn lại là Công ty TNHH Tư vấn NDH, CTCP AGON và CTCP Pallas cùng nắm 10%. 6 cổ đông cá nhân khác có Nguyễn Thị Hà Dương (9,5%), Vũ Thị Hồng Hạnh (9,4%), Lê Tuyết Lan (9,3%), Nguyễn Việt Hà (9%), Bùi Huy Phương (9%) và Tô Minh Đức (8,81%).

Tổ chức hiện có quy mô vốn nhỏ nhất là FiinRatings với 25 tỷ đồng. Tiền thân đây là CTCP FiinGroup thành lập tháng 3/2008. Tháng 3/2020, công ty được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Thời điểm cuối năm 2023, FiinRatings có ba cổ đông, trong đó CTCP FiinGroup Việt Nam nắm giữ tỷ lệ gần như tuyệt đối với 99,994%. Hai cổ đông còn lại là ông Nguyễn Quang Thuân và ông Nguyễn Hữu Hiệu cùng sở hữu 75 cổ phần, tương ứng 0,003% vốn.

Trên website của FiinRatings, đơn vị này giới thiệu trong năm 2023 có 8 khách hàng chiếm 62,2% doanh thu từ hoạt động xếp hạng tín nhiệm, trong đó có một số đơn vị như Vingroup, Techcombank, Coteccons, Hà Đô, F88. Trong số 8 đơn vị có đến 6 cái tên mới so với năm 2022. Điều này đã giúp doanh thu của công ty tăng bằng lần trong năm qua.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...