Trả lời về phương án thu phí tại Cai Lậy tại họp báo quý 3 năm 2018, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Sau khi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã họp và có chỉ đạo. Bộ sau đó cũng đã làm việc nhiều lần với các cơ quan của Tiền Giang và các bộ ngành, trong đó có Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến về phương án xử lý.
"Nhà nước chắc chắn không có kinh phí để mua lại. Hai phương án còn lại là giữ nguyên trạng, giảm thu phí và đặt trạm ở 2 tuyến và thu phí độc lập trên cơ sở đầu tư của từng tuyến là khả thi hơn", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói và cho biết Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thiện phương án để quyết định trong thời gian tới.
Đầu tháng 9, UBND Tiền Giang cũng có có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất 2 phương án xử lý dự án BOT Cai Lậy.
Phương án 1, giữ nguyên vị trí trạm BOT hiện hữu, giảm phí tối đa phương tiện nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10 km.
Phương án 2, xây thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả hai trạm ở tuyến tránh và tuyến chính. Phương tiện lưu thông tuyến nào thu tuyến đó và hoàn vốn của tuyến đó. Mức phí cả hai bằng nhau và như mức phí hiện hữu, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10km.
UBND tỉnh Tiền Giang nghiêng theo phương án 2 và cho rằng việc thực hiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu áp dụng, Bộ GTVT phải xác định và cam kết thời gian chính xác hoàn thành trạm thu phí tuyến tránh để thông báo rộng rãi dư luận biết.
Dự án BOT Cai Lậy tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng, việc thu phí bắt đầu từ đầu tháng 8/2017 nhằm hoàn vốn đầu tư cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang và đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km. Tuy nhiên, mức phí và vị trí đặt trạm được cho là vấn đề khiến người dân phản ứng dẫn tới “vỡ” trạm và trạm phải tạm dừng thu phí cho đến nay.