Trong thời gian gần đây, ngân hàng đang là một trong những ngành nhận được nhiều sự chú ý của giới đầu tư bởi luôn “sống khoẻ” trong đại dịch với kết quả kinh doanh được duy trì ở mức “khủng”, cùng với đó là mức tăng đáng kể của nhóm cổ phiếu ngành này trong suốt thời gian qua.
Theo đó, chỉ số giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng khoảng 34,4% từ đầu năm, đóng vai trò dẫn dắt cả thị trường chứng khoán. Đặc biệt là trong tháng 5 vừa qua, thị trường có 27 ngân hàng niêm yết thì giá của 27 mã cổ phiếu tương ứng đều tăng, tức chỉ cần mua cổ phiếu của ngân hàng là thắng.
Kỳ tích nối dài kỳ tích
Ngoài yếu tố thị trường chung, động lực tăng giá chủ yếu của nhóm ngân hàng đến từ kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I và kỳ vọng quý II, kế hoạch chia cổ tức tăng vốn khủng và các kế hoạch phát hành tăng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài...
Theo báo cáo mới nhất của Fiin Group, trong quý I/2020, tổng thu nhập hoạt động của 27 ngân hàng niêm yết giảm 1,2% so với quý IV/2020 nhưng tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cùng những thời điểm này chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 14,4%và chỉ tăng 0,9%; chi phí hoạt động cũng giảm 16,5% và tăng 3,4% nên lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lần lượt 23,1% và 77,4%.
Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, hoạt động cho vay tăng trở lại trong khi lãi suất thấp, tiền gửi không kỳ hạn tăng do người dân giảm sử dụng tiền mặt làm biên lợi nhuận của các ngân hàng tăng. Mặt khác, các dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ khác phát triển mạnh cũng giúp tăng trưởng lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng trong thời gian vừa qua.
Đáng chú ý, một khảo sát mới đây của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) cũng cho thấy, trong quý II/2021, ngoại trừ một số ngân hàng quy mô nhỏ đang trong giai đoạn tái cấu trúc và nhóm công ty tài chính, thì hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ bật lên mạnh mẽ.
Cụ thể, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ tăng khoảng 5,09% trong quý II/2021 và tăng 14,7% trong cả năm 2021. Mức này cao hơn mức kỳ vọng ghi nhận ở lần điều tra trước vào tháng 12/2020 là 13%.
Từ đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II/2021 của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khởi sắc và năm 2021 sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của ngành này, khoảng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp diễn biến của dịch bệnh.
Sự lệch pha này đến từ chính sách hỗ trợ của NHNN nhằm giảm tác động của hậu quả dịch bệnh (môi trường lãi suất thấp cùng chính sách tiền tệ mở rộng) và các yếu tố được thúc đẩy bởi dịch bệnh như xu hướng cắt giảm mạnh chi phí.
Mặt khác, nhiều chuyên gia và các công ty phân tích thị trường cũng cho rằng, việc bật tăng của tín dụng ngân hàng các tháng đầu năm 2021 là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại các khu vực kinh tế chính thức, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu được hồi phục đáng kể ở phần lớn các ngành nghề.
Nhiều đại biểu quốc hội đã đặt ra các câu hỏi, cả năm 2019, 2020 và đầu năm 2021, một số ngân hàng lãi rất lớn. Đặc biệt là Vietcombank, Vietinbank tỏng khi doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế đang trì trệ?
Tăng bền hay những cố gắng cuối cùng của "đề kháng"?
Nhìn chung, những triển vọng của ngành ngân hàng không phải bây giờ, giữa bối cảnh “con sóng” cổ phiếu ngân hàng đang lên cao trào mới được nhắc đến mà đã được đề cập ngay từ đầu năm.
Thực tế, ngành ngân hàng cũng không khiến giới đầu tư, phân tích thất vọng khi mọi thứ vẫn vận hành theo đúng “lộ trình” đã được dự đoán. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ 4 trên thế giới và Việt Nam đang có diễn biến phức tạp, khó lường, được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến đà phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát gia tăng trong quý II/2021 do giá xăng dầu tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trước diễn biến mới của lạm phát, NHNN sẽ phải thận trọng hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong một phát biểu cách đây không lâu, giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries cho biết:“Việt Nam không còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi lạm phát có khả năng tăng nhẹ lên 3,8% trong năm 2021 và dự báo ở mức 4% trong năm 2022”.
Bên cạnh đó, ADB quan ngại rủi ro trước mắt về bong bóng tài sản, ví dụ sự tăng giá của thị trường chứng khoán, giá cả bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng nhanh, cũng như tỷ lệ nợ xấu dự báo tăng. Theo đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam sau một loạt quyết định cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 không nhất thiết phải nới lỏng hơn nữa”.
Đáng chú ý, tại phiên họp mở rộng của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thẩm tra sơ bộ báo cáo kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm 2021 và giải pháp cho 6 tháng cuối năm, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra các vấn đề đáng lo lắng. Trong đó, việc số doanh nghiệp rời bỏ thị trường và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao, lần lượt tăng 20,7% và 23%.
Nhiều Đại biểu Quốc hội đã đặt ra câu hỏi, cả năm 2019, 2020 và đầu 2021, một số ngân hàng lãi rất lớn, đặc biệt là Vietcombank, VietinBank, trong khi doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế đang trì trệ?
Theo nhận định của chuyên gia tài chính TS.Cấn Văn Lực, hiện các báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng là chưa đầy đủ, lợi nhuận sẽ được phản ánh vào cuối năm khi các ngân hàng trích lập đủ dự phòng rủi ro.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, NHNN đã có những văn bản về đánh giá nhóm nợ cùng việc gia hạn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (Thông tư 01, Thông tư 03) khiến cho tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được đánh giá chính xác trên các báo cáo tài chính gần nhất.
“Một hình ảnh đẹp về lợi nhuận có thể làm nhà đầu tư, cổ đông vừa lòng, nhưng đi cùng với đó là rủi ro lớn. Vì vậy, “thận trọng” sẽ là từ khoá với sức khoẻ ngành ngân hàng trong năm nay và ít cũng phải là 3 năm tới”, ông Hiếu nhấn mạnh.