Đi tìm “thuốc đặc trị” chữa cơn sốt vàng

Song hành cùng sự bứt phá của thị trường vàng quốc tế, giá vàng trong nước cũng leo thang trong những ngày gần đây và liên tục lập nên những kỷ lục mới. Điều này cũng tạo ra những áp lực vô cùng lớn với các cơ quan điều hành chính sách và bình ổn thị trường vàng…

gia_vang_25082022_09491401112023.jpg

Thị trường hàng hóa đã chứng kiến một “cơn sốt nóng” của vàng miếng SJC và vàng nhẫn, khi giá của hai mặt hàng này liên tục “nhảy múa”, tăng nhanh và đắt hơn rất nhiều so với thế giới.

Thực tế này đặt ra vấn đề cần sớm có giải pháp quản lý, điều hành giá vàng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô.

CƠN SỐT VÀNG CHƯA VƠI NHIỆT

Nếu như trong quá khứ, chỉ vàng miếng SJC mới thường lên cơn “ sốt” và mở rộng chênh lệch với giá vàng thế giới quy đổi, thời gian gần đây do nguồn vàng miếng quá thiếu hụt, dẫn đến vàng nhẫn cũng được mua mạnh.

Điều này cũng là nguyên nhân khiến vàng nhẫn liên tục trải qua những phiên tăng “điên loạn” trong những ngày vừa qua. Thậm chí, trên thị trường xuất hiện tình trạng hạn chế số lượng mua tối đa 2-5 chỉ mỗi người tại một số cửa hàng.

Trên “phố vàng” Trần Nhân Tông và các cửa hàng kinh doanh vàng trên đường Cầu Giấy, người dân tấp nập xếp thành hàng dài, nhiều người đến mua lướt sóng nhưng cũng có nhiều người đến bán vàng để chốt lời.

Còn đối với sản phẩm vàng miếng, sau một khoảng thời gian ngắn chững lại bởi một phần do nhà đầu tư thận trọng trước quy định quản lý thị trường vàng, thì đến nay giá vàng miếng SJC đã tăng dựng đứng, quay trở lại đỉnh lịch sử.

anh-chup-man-hinh-2024-04-12-luc-125717-8283.png
Biến động giá vàng miếng SJC trong thời gian qua

Xét về biên độ chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước, tính đến ngày 12/4, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá thế giới quy đổi khoảng 13 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cao hơn 7 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này dù đã giảm so với giai đoạn đỉnh cao 18-20 triệu đồng/lượng trước đây, nhưng vẫn còn rất cao và đây là một trong những rủi ro mà các nhà đầu tư trong nước cần cẩn trọng.

Việc chênh lệch thường xuyên giữ ở mức cao như vậy, giới chuyên môn cho rằng nguyên nhân đến từ nguồn cung vàng trong nước thiếu hụt so với lực cầu, xuất phát từ tình trạng độc quyền sản xuất vàng miếng kéo dài trong nhiều năm qua, trong khi cửa nhập khẩu cũng bị khóa chặt.

Tuy nhiên, các thông tin gần đây cho thấy, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng đang được sửa đổi, với kỳ vọng cơ chế độc quyền nhập khẩu vàng, sản xuất vàng miếng sẽ được gỡ bỏ, khi đó có thể giúp cung cầu cân bằng.

Nếu chính sách này thời gian tới sớm được ban hành, không loại trừ khả năng chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới sẽ được kéo lại gần nhau hơn, khi cân bằng cung cầu được đảm bảo. Điều này cũng đặt ra tranh luận, có khi nào các đơn vị kinh doanh vàng đang tranh thủ đẩy giá thoát hàng trước khi cửa nhập khẩu được nối trở lại?

Bình luận về câu chuyện giá vàng leo thang, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng đưa ra quan điểm, điều này xuất phát từ nhiều yếu tố. Trên thị trường thế giới, rất nhiều ngân hàng trung ương đang thu gom vàng. Những bất ổn địa chính trị, đặc biệt tại khu vực Trung Đông đã khiến các ngân hàng trung ương đưa ra quyết định này.

"Vàng là tài sản các ngân hàng trung ương luôn quan tâm để tăng dự trữ quốc gia, tài sản chống lạm phát, rất an toàn. Đồng thời, vàng cũng là loại tài sản có tính thanh khoản cao", vị chuyên gia chỉ ra.

Ở Việt Nam, giá vàng bị tác động mạnh bởi giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, các kênh đầu tư của Việt Nam không ổn định và chưa khởi sắc. Chứng khoán tuần qua tăng mạnh xong lại giảm, bị tác động mạnh bởi thị trường chứng khoán thế giới.

Bất động sản cũng vẫn xập xình, nhiều ngân hàng vẫn duy trì lãi suất thấp, ngoại tệ biến động mạnh… Trong bối cảnh đó, thị trường vàng khá hấp dẫn, thu hút đầu tư, đẩy giá vàng lên.

ts-nguyen-tri-hieu-796.jpg
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra dự báo, chưa tới cuối năm nay, giá vàng thế giới có thể tăng lên mức 3.000 USD/ounce, khiến giá vàng nhẫn trong nước lên tới 80 triệu đồng/lượng.

"Thời gian tới khi giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế giới sẽ tác động tới cả nền kinh tế vĩ mô. Thấy giá vàng lên ầm ầm, người dân sẽ lo sợ lạm phát tăng lên, từ đó dẫn đến hiện tượng té nước theo mưa, giá các loại hàng hóa cũng có thể bị điều chỉnh tăng", ông Hiếu nói.

Với nhà đầu tư, vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên: "Giá vàng đang rất sốt, không nên nóng vội, bỏ hết vốn liếng đầu tư vào vàng. Nên theo dõi kỹ lưỡng thông tin từ các kênh, các tuyên bố, động thái của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các diễn biến mới nhất từ thị trường.

Trong cơn sốt vàng, tuyệt đối tránh tình trạng vay tiền để mua vàng. Bởi khi vàng đột ngột rớt giá, người vay sẽ cùng lúc phải chịu áp lực nặng nề từ việc thất thoát tiền bạc và trả nợ".

Tương tự, TS Nguyễn Đức Độ, Viện Phó Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, có 4 nguyên nhân khiến giá vàng trong nước biến động mạnh trong những ngày qua. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đến giá vàng trong nước. Thứ hai, nhu cầu mua vàng theo tâm lý đám đông. Thứ ba, nguồn cung vàng khan hiếm bởi hơn 10 năm nay Ngân hàng Nhà nước không cho phép nhập vàng. Thứ tư, có thể việc khan hiếm vàng và nhu cầu tăng cao nên một số doanh nghiệp đẩy giá lên.

GIẢI PHÁP "GHÌM CƯƠNG" GIÁ VÀNG?

Hiện tại, thị trường đang trông đợi vào việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng cao và áp lực từ người tiêu dùng, việc đưa ra các giải pháp sửa đổi cụ thể được kỳ vọng sẽ giúp làm dịu đi tình hình và tạo ra sự ổn định cho thị trường vàng trong thời gian tới.

Trong khi chờ đợi phương án cuối cùng của cơ quan quản lý, nhiều đề xuất về chủ đề bình ổn giá vàng cũng được đưa ra, với phần lớn mong muốn cho phép nhập khẩu vàng và xóa bỏ độc quyền vàng miếng.

ts-nguyen-duc-do-4583-1162.jpeg
TS Nguyễn Đức Độ, Viện Phó Viện Kinh tế Tài chính

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng muốn hạ giá vàng trong nước bằng với giá vàng thế giới không có cách nào khác là nhập khẩu vàng. Khi nhập vàng, thanh khoản sẽ cao, thị trường sôi động và người dân đổ tiền vào thị trường vàng nhiều hơn.

Thế nhưng nền kinh tế đang thiếu vốn, nếu tiền đổ vào vàng nhiều sẽ không được đầu tư vào sản xuất. Thị trường vàng mang tính chất đầu cơ không tạo ra giá trị. Việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ảnh hưởng đến tỷ giá nhưng không lớn. Vì vậy, việc nhập vàng chỉ có lợi cho doanh nghiệp. Người dân mua với giá cao thì bán với giá cao, mua thấp, bán thấp chứ không phải là đối tượng hưởng lợi lớn nhất.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc cho nhập một ít vàng để kéo giá vàng xuống và giảm mức chênh lệch với giá vàng thế giới nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường. Giá vàng hiện nay đang vào sóng đầu cơ và rất khó kiểm soát”, ông Độ nói.

Tuy nhiên, ông Độ cho rằng, giá vàng tăng sẽ có chu kỳ và việc tăng này chỉ ngắn hạn. Chỉ trong vòng 2 năm nay, nhà đầu tư vàng mới lãi. Trước đó, mua vàng không thể lãi như các kênh đầu tư khác, thậm chí lỗ.

anh-chup-man-hinh-2024-04-11-luc-111420-1317.png
Nguồn: Maybank IBG Research

Theo ông Độ, giá vàng trong nước tăng cao là câu chuyện khó về điều hành của Ngân hàng Nhà nước. “Muốn giá vàng hạ nhiệt chỉ còn cách nhập vàng nhưng khi nhập sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc làm sao ổn định giá vàng nhưng cũng không để người dân đổ xô mua vàng dẫn đến vàng hoá nền kinh tế. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng".

Đáng chú ý, có một số chuyên gia đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường. Sàn giao dịch vàng là công cụ được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để điều hòa về cung, cầu vàng. Ngoài bảo đảm phản ứng rất kịp thời mà không cần phụ thuộc nhập khẩu vàng, giao dịch vàng trên tài khoản còn giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt là sẽ giúp cho các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm soát tốt các hoạt động giao dịch vàng nhờ thông tin minh bạch.

Sàn giao dịch vàng tương tự như các sàn giao dịch kim loại ở các nước, hay như sàn chứng khoán trong nước và sẽ phát triển theo từng giai đoạn, ban đầu là vàng vật chất, sau đó đến vàng tài khoản. Những giao dịch lớn về vàng phải thực hiện ở trên đó để Nhà nước dễ dàng kiểm soát, tránh tình trạng đầu cơ, buôn lậu.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, khi có sàn giao dịch vàng thì mọi thứ sẽ công bằng và rõ ràng hơn. Thông qua sàn giao dịch, biến động giá cả và hoạt động mua bán vàng được thể hiện cụ thể, người dân có thể nhìn vào đó để theo dõi. Khi đó việc đầu cơ vàng cũng sẽ hạn chế vì các hành vi đầu cơ, làm giá sẽ dễ dàng bị phát hiện và truy tố trước pháp luật.

gs-ts-hoang-van-cuong-dai-bieu-quoc-hoi-uy-vien-uy-ban-tai-chinh-ngan-sach-cua-quoc-hoi-328.jpeg

Trước đó, GS. TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã từng phát biểu rất cần liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới.

"Nếu chúng ta có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn giao dịch vàng thì việc liên thông sẽ rất dễ, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới. Từ đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới", GS. TS Hoàng Văn Cường nói.

GS. TS Hoàng Văn Cường khẳng định, đây là thời điểm cần nhiều giải pháp căn cơ, thay đổi mạnh dạn để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. Ông Cường cho rằng nên cân nhắc mở rộng vấn đề bình đẳng hàng hóa vàng vật chất, cần thiết phải xem lại có nên duy trì thương hiệu vàng quốc gia hay không.

Nhà nước quản lý vàng là đúng nhưng không có nghĩa là Nhà nước phải nắm trực tiếp sản phẩm đó. Thương hiệu vàng quốc gia đã đến lúc hoàn thành sứ mệnh của nó và nên trả lại vàng là sản phẩm hàng hóa thông thường. Doanh nghiệp nào có đủ năng lực sẽ có sản phẩm của mình đưa ra nhưng Nhà nước phải quản lý.

“Phương thức quản lý bây giờ phải khác đi, chúng ta phải dùng công cụ để điều tiết, tăng cường công cụ về thuế, về kiểm soát thông tin. Vàng không giống các loại hàng hoá khác, nó không bị mất đi mà chỉ từ vàng miếng sang vàng trang sức. Vì vậy quá trình quản lý, vận hành của mặt hàng này, theo tôi Nhà nước phải quản lý chặt. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý cũng cần phải thay đổi. Phải xem lại việc cấp quota, hạn ngạch cho phép xuất khẩu bao nhiêu, sử dụng công cụ thuế để điều tiết… Như vậy, doanh nghiệp nào thấy cần thiết, có hiệu quả thì mới nhập. Chúng ta từ bỏ phương thức quản lý hành chính”, GS. TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

pho-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-pham-thanh-ha-9124.jpeg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà

Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đã thông tin với báo chí về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

"Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023…”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo ông Hà, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 160, với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước với giá thế giới.

Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch mua bán, vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.

Đồng thời, thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Đối với hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.

Về dài hạn, triển vọng của thị trường vàng vẫn được đánh giá khả quan. Theo nhiều dự báo cho thấy giá kim loại quý này có thể tiếp tục đi lên và chinh phục mốc 3.000 USD/ounce trong năm nay. Tuy nhiên, với mức tăng mạnh gần đây, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn cũng đang hiển hiện trước mắt. Cũng cần lưu ý trong trường hợp giá vàng thế giới dù tiếp tục đi lên, nhưng giá trong nước có thể sẽ tăng chậm hơn so với giai đoạn trước, trong trường hợp kênh nhập khẩu vàng được nối trở lại.

Xem thêm

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 160, với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước với giá thế giới...

Vàng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá trị VND?

Vàng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá trị VND?

Theo Maybank IBG Research, để giảm bớt một phần áp lực cho VND, Ngân hàng Nhà nước đang tìm kiếm các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giá vàng hiện tại bằng cách cải thiện nguồn cung trong nước thông qua các kênh chính thức...

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...